Bất chấp lệnh cấm, Trung Quốc vẫn là quốc gia lớn về khai thác tiền điện tử
Bất chấp lệnh cấm từ chính phủ, Trung Quốc hiện đang là quốc gia khai thác tiền điện tử nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.
Các công ty khai thác tiền điện tử của Trung Quốc đang bất chấp lệnh cấm trên toàn quốc và thậm chí có nguy cơ phải ngồi tù để thực hiện hoạt động khai thác tiền điện tử. Một báo cáo từ Cambridge Centre for Alternative Finance (CCAF) cho thấy các người khai thác tiền điện tử của Trung Quốc dường như không ngừng hoạt động đào tiền ảo thông qua các quy trình khai thác sử dụng nhiều năng lượng.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cấm tất cả các hoạt động liên quan đến khai thác và kinh doanh tiền điện tử. Điều này có nghĩa là bất kỳ người nào hoặc thậm chí cơ quan nào bị phát hiện kinh doanh tiền điện tử đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và ngồi tù. Nói một cách đơn giản, tiền điện tử và tất cả các hoạt động liên quan về cơ bản được coi là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Lệnh cấm và cuộc đàn áp sau đó đã làm giảm hoạt động khai thác tiền điện tử.
Tuy nhiên, mức giảm dường như chỉ là tạm thời khi báo cáo cho biết một phần không nhỏ các thợ khai thác tiền điện tử Trung Quốc nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới và tiếp tục hoạt động bí mật bằng cách sử dụng các proxy nước ngoài để đánh lạc hướng sự chú ý và giám sát. Khi lệnh cấm được ban hành và thời gian trôi qua, có vẻ như các thợ khai thác đã trở nên tự tin hơn và có vẻ hài lòng với sự bảo vệ được cung cấp bởi các dịch vụ proxy địa phương.
Được biết, Mỹ là quốc gia có công suất khai thác tiền điện tử lớn nhất hiện nay khi chiếm 37,84%, Trung Quốc xếp thứ hai với 21,11% công suất khai thác tiền điện tử. Kazakhstan ở mức 13,22% và Canada đóng góp 6,48%.
Hoạt động khai thác tiền điện tử được xác định từ “hash rate”, về cơ bản là tốc độ xử lý, và được đo bằng Exahashes mỗi giây (EH/s). Công suất đỉnh toàn cầu là 248,11 EH/s đã đạt được vào tháng 2/2022, trong đó công suất của Mỹ đạt 70,97 EH/s./.