Bất chấp ngăn cản từ nhiều phía, Venezuela trúng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ
Ngày 17/10, Venezuela cùng 13 quốc gia khác đã trúng cử, trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ). Caracas ca ngợi 'chiến thắng' này và chúc mừng 'một thành tựu trọng đại' của đất nước.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nhấn mạnh, việc Venezuela tái cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ là "thành công quan trọng". (Nguồn: AP)
Đại hội đồng LHQ đã bầu 14 nước vào Hội đồng Nhân quyền LHQ cho nhiệm kỳ mới có thời hạn 3 năm, bao gồm: Libya, Mauritania, Nambia, Sudan (đại diện cho châu Phi); Indonesia, Nhật Bản, Quần đảo Marshall, Hàn Quốc (đại diện cho châu Á- Thái Bình Dương); Armenia, Ba Lan (đại diện cho Đông Âu); Đức và Hà Lan (đại diện cho Tây Âu và các quốc gia khác); Brazil, Venezuela (đại diện cho Nam Mỹ và vùng Caribbean).
Đáng chú ý, Venezuela đã tái cử bất chấp chiến dịch truyền thông và sức ép của các cường quốc phương Tây nhằm loại bỏ nước này khỏi cơ quan nhân quyền quốc tế.
Vào phút cuối của cuộc bầu cử này, Nhóm Lima, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đề cử thêm Costa Rica nhằm ngăn chặn khả năng tái cử của Venezuela. Tuy nhiên, Costa Rica chỉ nhận được 96 phiếu bầu và phải nhường hai suất đại diện khu vực Mỹ Latin và Caribbean cho Venezuela (105 phiếu bầu) và Brazil (153 phiếu bầu).
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đánh giá, đây là một “thành công quan trọng”, trong khi Ngoại trưởng nước này, Jorge Arreaza cho biết, Caracas sẽ "chúc mừng một chiến thắng mới cho sự nghiệp ngoại giao hòa bình Bolivar", ám chỉ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro.
Bộ trưởng Tư pháp Tarek William Saab miêu tả đây là "một thành tựu quan trọng" khi công bố phóng thích 24 nhân vật đối lập bị bắt giữ.
Việc trả tự do cho các đối tượng bị bắt giữ vì tham gia các hoạt động chống phá chính quyền được thực hiện trong khuôn khổ đối thoại giữa chính phủ và một bộ phận phe đối lập. Theo ông Saab, kể từ tháng 8/2017, Ủy ban Tư pháp trực thuộc Phủ Tổng thống đã thương lượng để trả tự do cho 222 người và trong những ngày tới, cơ quan chức năng Venezuela sẽ tiếp tục xem xét các trường hợp mới.
Tổ chức phi chính phủ Foro Penal cho biết, hiện vẫn còn khoảng 466 người vẫn đang bị giam giữ tại Venezuela vì các lý do chính trị và danh sách chi tiết đã được gửi cho Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS).