Bất chấp quốc tế phản đối, Nhật trở lại đánh bắt cá voi thương mại
Ngư dân ở cảng Thái Bình Dương xa xôi đã lên kế hoạch ra khơi đánh bắt cá voi thương mại vào ngày 1/7, bất chấp sự phản đối toàn cầu.
Sáng thứ hai tới, sau buổi lễ ngắn cầu nguyện cho một vụ đánh bắt bội thu và an toàn trên biển, 5 chiếc tàu sẽ rời cảng ở miền bắc Nhật Bản, lên đường săn cá voi lần đầu tiên sau hơn 30 năm.
Các ngư dân sẽ không đến vùng biển phía nam, nơi gây ra sự tranh cãi trong chương trình săn bắt cá voi khoa học của Nhật Bản vào cuối những năm 1980, mà đi đến vùng biển ven bờ. Nhật Bản sẽ chính thức thông báo quyết định rời khỏi Ủy ban Săn bắt Cá voi Quốc tế (IWC) vào cuối năm nay, và quyết định này có hiệu lực từ ngày 30/6/2019.
Rút khỏi Ủy ban Săn bắt Cá voi Quốc tế
Quyết định được đưa ra sau khi IWC, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ quần thể cá voi toàn cầu, bác bỏ đề xuất cho phép Nhật Bản đánh bắt cá voi thương mại trở lại, trong khi Tokyo nói rằng loài này đã được phục hồi. IWC được thành lập năm 1946 với 89 thành viên nhằm bảo tồn cá voi và quản lý việc săn bắt cá voi trên khắp thế giới. Ủy ban đã cấm đánh bắt cá voi cho mục đích thương mại vào năm 1986.
Các tàu đánh bắt cá sắp rời khỏi Kushiro, hòn đảo phía bắc Hokkaido, để săn sắt các loài cá voi Minke, Sei và và Bryde, trong sự lên án của quốc tế đối với Nhật Bản và Thủ tướng Shinzo Abe. Sự kiện trùng với thời điểm sắp diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka.
Trong một bức thư được công bố ngày 28/6, các nhóm bảo tồn và những người nổi tiếng bao gồm Stephen Fry và Ricky Gervais đã thôi thúc các nhà lãnh đạo G20 đặt vấn đề này lên bàn họp, đồng thời công khai lên án việc săn bắt cá voi.
"Nó là tổ hợp của nỗ lực quốc tế để đưa vấn đề bảo tồn cá voi lên hàng đầu", MC truyền hình Anh Steve Backshall nói. "Tại hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo cần nói chuyện với những người bạn Nhật Bản và cho họ biết rằng trong về vấn đề này, họ rất mâu thuẫn với phần còn lại của thế giới".
Chính phủ Nhật Bản không tiết lộ giới hạn đánh bắt cho đến khi kết thúc hội nghị G20 nhằm tránh phản ứng dữ dội trong hai ngày diễn ra hội nghị.
Kitty Block, Chỉ tịch Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế, nhận định: "Nhật Bản rời khỏi IWC bất chấp luật pháp quốc tế để theo đuổi tham vọng săn bắt cá voi thương mại là hành vi vô nhân đạo, suy đồi và thiển cận. Điều này đang làm suy yếu danh tiếng quốc tế của Nhật Bản, trong khi chỉ để sản xuất một sản phẩm mà nhu cầu đã giảm mạnh".
"IWC vẫn duy trì lệnh cấm đánh bắt cá voi thương mại vì những lý do rất chính đáng. Và các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Nhật Bản trong tuần này không nên nhắm mắt làm ngơ trước kế hoạch săn bắt cá voi tàn bạo ở phía bắc Thái Bình Dương", ông Kitty nói.
Ôm mộng cá voi vực dậy nền kinh tế
Tại Ayukawa, ngôi làng hẻo lánh trên bờ biển Thái Bình Dương có truyền thống đánh bắt cá voi từ đầu những năm 1900, các quan chức địa phương và ngư dân tin rằng việc tiếp tục đánh bắt cá voi thương mại sẽ giúp vực dậy nền kinh tế địa phương.
"Người dân ở đây đã đánh bắt cá voi trong nhiều năm. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng việc Nhật Bản rời khỏi IWC là một điều tự nhiên", ông Masaaki Sato nói. Ông bắt đầu đánh bắt cá voi cách đây 20 năm, khi còn là một cậu thiếu niên.
Một tàu cá và vài ngư dân Ayukawa sẽ cùng các tàu đánh bắt cá ra khơi vào sáng thứ hai tuần sau, một ngày sau khi Nhật Bản rời khỏi Ủy ban Săn bắt Cá voi Quốc tế (IWC).
Shinetsu Oikawa, một quan chức địa phương, tin rằng hoạt động đánh bắt cá voi thương mại sẽ đưa khách du lịch đến với Ayukawa, nơi thiệt hại nặng nề trong trận sóng thần tháng 3/2011, giết chết gần 19.000 người dọc bờ biển phía đông bắc Nhật Bản.
"Ayukawa ở một nơi rất xa xôi, đường đi xấu và không có chỗ cho ngành công nghiệp. Vì vậy, đánh bắt cá voi là cách tốt nhất để thị trấn tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình", ông Shinetsu nói. "Bây giờ chúng tôi muốn khách du lịch đến đây và ăn thịt cá voi, tiêu tiền và giúp chúng tôi thực sự hồi phục sau thảm họa".
Níu giữ hương vị tuổi thơ
Vào tháng 9, một trung tâm du lịch lớn sẽ mở cửa tại ngôi làng, trong đó, có các nhà hàng phục vụ thịt cá voi. "Đây là cơ hội để khu vực này nhìn về phía trước", ông Shinetsu nói thêm. Ông không thể quên món ngon địa phương - cá voi luộc tẩm ướp với nước tương ngâm gừng. "Đã 10 năm rồi kể từ lần cuối tôi ăn món này".
Shinji Sato điều hành nhà hàng Izakaya ở Ishinomaki gần đó trong 35 năm nhưng lại làm quen với thịt cá voi khá muộn. "Lần đầu tiên tôi ăn cá voi khi tôi khoảng 20 tuổi. Thành thật mà nói, tôi không thích nó lắm", người đàn ông 65 tuổi cho biết.
"Nhưng khi tôi già đi và khẩu vị của tôi thay đổi, tôi lại yêu thích hương vị đó", ông Sato nói.
Ông Sato sau đó đã phục vụ trong nhà hàng của mình món cá voi chiên giòn, sashimi và sủi cảo gyoza nhân thịt cá voi. "Ăn thịt cá voi là một nét văn hóa của người Nhật. Nó khiến người dân vùng này nhớ về quá khứ của họ. Tôi không hiểu tại sao mọi người phải phản đối điều đó".
Việc ông Sato thường xuyên ăn thịt cá voi nên đi ngược lại với hóa ẩm thực. Thói quen mua loại thực phẩm này đã giảm mạnh từ 200.000 tấn trong những năm 1960 xuống dưới 5.000 tấn trong những năm gần đây. Thịt cá voi từng là nguồn protein quan trọng.
"Trong 30 năm qua, tất cả các loại thực phẩm đã đi vào đời sống người Nhật. Có rất nhiều thứ để ăn", ông Kazuo Yamamura, Chủ tịch Hiệp hội Cá voi Nhật Bản, nói với Reuters. "Không còn tình trạng nếu bán được nhiều thịt cá voi, bạn sẽ kiếm được nhiều tiền".
Một số nhà quan sát chỉ ra rằng các cuộc "trinh phạt ven biển" quy mô sẽ nhỏ hơn nhiều so với các cuộc đánh bắt trước đây. Điều này cũng sẽ cứu hàng trăm con cá voi mà Nhật Bản từng bắt được ở vùng biển xa hơn. Giá cũng có thể rẻ hơn vì các tàu cá không còn phải đi đến Nam Cực nữa.
Nhật Bản đã tận dụng một điều khoản trong lệnh cấm của IWC năm 1986 để đánh bắt một lượng cá voi nhất định ở Nam Cực, dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học. Nhưng họ đã nản chí khi nhiều lần không giành được sự ủng hộ của IWC để được phép đánh bắt cá voi thương mại trở lại.
Patrick Ramage, giám đốc bảo tồn biển thuộc Quỹ bảo vệ động vật quốc tế, cho biết quyết định rời khỏi IWC của Nhật Bản đã gây ra xích mích ngoại giao với các quốc gia chống đánh bắt cá voi như Australia.
"Chỉ có phần lớn các đại lý thủy sản mới ủng hộ khôi phục lại nhu cầu (ăn thịt cá voi) của người tiêu dùng và mở ra một kỷ nguyên mới tươi đẹp của việc đánh bắt cá voi thương mại ven biển", ông Ramage cho hay.