Bất chấp thảm kịch Titan, giới siêu giàu vẫn chi chục tỷ đồng du lịch mạo hiểm
Từ tàu lặn Titan cho đến máy bay tên lửa của Virgin Galactic, giới siêu giàu vẫn đang chi ngày càng nhiều tiền nhất cho những chuyến phiêu lưu khắc nghiệt, thậm chí có thể thiếu các quy định an toàn và rất nguy hiểm.
Philippe Brown, người sáng lập Brown và Hudson, một trong những công ty chuyên cung cấp các chuyến đi xa xỉ của Anh, cho biết thảm họa Titan không hề ngăn cản những khách hàng giàu có du lịch mạo hiểm mà ngược lại, nhu cầu này thậm chí còn đang tăng nhanh hơn.
Từ độ sâu hàng chục nghìn mét dưới lòng đại dương cho đến hàng dặm bay trên không trung ở rìa vũ trụ, những người cực kỳ giàu có đang thực hiện các chuyến đi được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như tiền bạc, địa vị xã hội, cảm giác mạnh, công nghệ mới và nhu cầu sau đại dịch.
Scott Smith, phó giáo sư quản lý khách sạn và du lịch tại đại học Nam Carolina (Mỹ), cho biết: “Bạn không thể đánh giá thấp, đặc biệt là với mạng xã hội hiện nay, sức hấp dẫn của địa vị xã hội khi tham gia vào các hoạt động này. Những người này sẽ có suy nghĩ kiểu như là 'tôi có đủ khả năng để làm những việc này chứng tỏ tôi thành công trong cuộc sống. Lặn xuống đảy đại dương thăm xác tàu Titanic hay bay lên vũ trụ, tôi đều có thể làm được”.
Các cuộc thám hiểm, thể thao mạo hiểm và leo núi đã trở thành biểu tượng địa vị của những người giàu nhất thế giới.
Scott Smith - Phó giáo sư quản lý khách sạn và du lịch tại đại học Nam Carolina (Mỹ)
“Vượt quá mức giàu có nhất định, bạn sẽ không quan tâm đến một chiếc xe hơi hào nhoáng hay chiếc iPhone đời mới nhất”, Brown nói, đồng thời cho biết thêm rằng những vật chất chỉ có tác động ngắn hạn so với những trải nghiệm như du lịch mạo hiểm.
Những cuộc phiêu lưu siêu tốn kém hiện nay có thể kể tới như chuyến đi trị giá 750.000 USD tới vực sâu Challenger Deep của rãnh Mariana, nằm sâu gần 11 km ở Thái Bình Dương. Hơn 20 người đã thực hiện thành công chuyến đi, theo Victor Vescovo, nhà thám hiểm biển sâu, người đã thành lập Caladan Oceanic.
Đối với những người đang tìm kiếm trải nghiệm trên bầu trời, một chiếc vé trị giá 125.000 USD có thể giúp bạn có mặt trên khinh khí cầu khổng lồ của tương lai sẽ bắt đầu thực hiện các chuyến đi gần 30.500 mét trong không trung vào cuối năm 2024. Dự án liên doanh dưới quỹ đạo này có kế hoạch “chỉ trung hòa carbon, không phát thải” để du hành đến rìa không gian, theo công ty Space Perspective. Ngoài ra còn có một quầy bar đầy đủ trên máy bay sẽ phục vụ “bánh mì nướng rượu sâm panh ở rìa không gian".
Phi vụ mạo hiểm diễn ra gần đây nhất là các hành khách trên một chuyến bay vũ trụ của Virgin Galactic sẽ di chuyển hơn 80km trong không trung tới rìa bầu khí quyển của Trái đất. Đó là chuyến đi thương mại đầu tiên của công ty dự kiến sẽ diễn ra hàng tháng bắt đầu từ tháng 8 - đánh dấu một bước phát triển thúc đẩy đáng kể ngành du lịch vũ trụ.
Tỷ phú người Anh và người sáng lập Virgin Galactic, Richard Branson, đã tham gia một chuyến bay thử nghiệm vào năm 2021. Hành khách thường trải qua vài phút không trọng lượng và có thể lơ lửng bên trong một máy bay tên lửa.
Theo trang web của công ty, một chỗ ngồi trên máy bay tên lửa của Virgin Galactic có giá 450.000 USD.
Du lịch vũ trụ chưa từng chứng kiến một thảm họa nào ở quy mô tương tự như tàu lặn Titan. Nhưng các quy định của nó cũng rất mơ hồ vì Cục Hàng không Liên bang Mỹ không có thẩm quyền áp đặt các tiêu chuẩn an toàn đối với các phương tiện thương mại chở người lên vũ trụ.
Theo các chuyên gia, bất chấp số phận bi thảm của Titan, các tỷ phú và triệu phú có thể sẽ không ngừng tài trợ cho ngành du lịch cực đoan. Sự kiện này có thể khiến nhu cầu giảm tạm thời, nhưng không có khả năng kéo dài.
“Những sự cố như sự cố gần đây liên quan đến tàu lặn Titan chắc chắn sẽ nâng cao nhận thức cộng đồng, khiến các nhà thám hiểm tiềm năng đánh giá lại mức độ rủi ro mà họ cảm thấy thoải mái và các biện pháp an toàn cần thiết cho những trải nghiệm khắc nghiệt này,” Rachel Fu, giám đốc viện Du lịch Friedheim tại Đại học Florida, cho biết.
Đỗ An (Vietnamnet)