Bất chợt Phùng
Trong ký ức tuổi thơ tôi luôn nhớ đến chợ Phùng (Đan Phượng-Hà Nội) mỗi khi về quê. Lần nào uống rượu quán đầu chợ bố tôi cũng ngâm mấy câu ca dao 'Giò Chèm, rượu Bá, nem Phùng. Ai chưa thưởng thức xin đừng khoe sang'. Hồi giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, cầu Phùng bị giặc Mỹ đánh sập bố vẫn vượt sông về làng. Nhưng trước khi xuống thuyền bao giờ ông cũng rẽ qua chợ mua một quả nem gói lá sung và mấy quả ớt chỉ thiên.
Phố trên sông Đáy
Kẻ Phùng (thuộc Sơn Tây cũ) nức tiếng khắp vùng xứ Đoài với hàng mật mía và lụa tơ khắp nơi tụ về. Nằm kề bên sông Đáy, bến Phùng thuở xưa tấp nập thuyền tàu đón hàng về để chở vào thành Đại La. Nửa đêm những ngọn đuốc bập bùng lửa sáng chiếu rọi xuống những tàu bè chuyển hàng lên bãi.
Chợ cách trung tâm kinh thành Thăng Long chừng hai mươi cây số nên tiện lợi vận tải thông thương. Những con phố nhỏ dần hình thành bao quanh chợ. Đó là những địa chỉ giao hàng tấp nập trên trục đường 32. Tuy nhiên sông Đáy kết nối với sông Hồng vẫn là tuyến đường thủy quan trọng nhất đưa hàng lên 36 phố phường.
Từ lâu Đan Phượng được coi là thượng nguồn sông Đáy với những cảnh quan kỳ thú dọc cánh đồng ngô và nương dâu xanh mướt cùng núi non thơ mộng. Thi hào Nguyễn Du đã có thơ vịnh "Chiều sông Đáy" với những câu thơ như tranh vẽ: "Nước lên ngư đẩy thuyền tàn nắng/ Lối cũ tiều về gánh sáng trăng. Khói tỏa đôi bờ nhà lác đác/ Cây xuân mấy khóm nước mênh mông. Cố nhìn quê quán nơi đâu nhỉ/ Trắng một mầu mây, cánh cánh hồng" (Thảo Nguyên dịch).
Những con phố trong thị trấn Phùng luôn đón gió sông Đáy thổi về đêm đêm. Được coi là cửa ngõ phía Tây thủ đô một thời, Đan Phượng nổi lên như một điểm nhấn trong cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ. Phong trào "Trai anh hùng gái đảm đang" của quân và dân Đan Phượng được ghi lại những ký ức qua tượng đài lớn cao hơn ba chục mét ngay ngã ba Phùng.
Những dấu ấn huy hoàng của Đan Phượng một thời luôn luôn vang lên trong những câu ca về mảnh đất anh hùng. Đặc biệt trong bài "Hà Tây quê lụa" (nhạc sĩ Nhật Lai), lời hát luôn vang lên hàng ngày trong thời kỳ chống Mỹ: "Đan Phượng ơi! Quê hương người gái đảm. Đồng hợp tác xanh tươi cấy cầy thẳng tắp. Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc. Hà Tây! Cửa ngõ thủ đô…".
Nay cầu Phùng được xây dựng mới trên đường quốc lộ 32 mở rộng vượt sông Đáy lên Sơn Tây và Phú Thọ. Những cánh đồng ngô và cây xanh dọc bên sông còn đẹp hơn xưa. Mọi đoàn xe chở hàng và xe khách không còn đi qua trấn Phùng như trước. Một phần con đường 32 cũ bị cắt nối thẳng vào đại lộ mới. Phố chợ Phùng như bị hụt hẫng một thời gian.
Nhưng có lẽ chính vì điều đó mà chợ Phùng trở nên thú vị trở lại với những món đặc sản đúng với không khí chợ quê. Nhiều người đã dừng chân nơi đây như một điểm chờ và hẹn hò bên sông Đáy. Đường phố Nguyễn Thái Học như một tấm lụa mềm dẫn quốc lộ tới đê quai. Nhà nhà dọc phố thơm phức mùi thính rang trộn nem. Những bà mẹ đang tong tả với túi bánh tẻ trên tay đi mua hàng trong chợ.
Nhìn những cô gái đang xúng xính trong bộ quần áo hoa trên đê Phùng, tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết về sông Đáy. Những câu thơ đầy nhớ nhung: "Sông Đáy ơi! Chiều nay tôi trở lại/ Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi/ Em đã mang đôi môi mầu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước/ Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi/ Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa".
Dấu thời gian
Thị trấn Phùng được thành lập đã hơn 25 năm với nhiều đổi thay đến chóng mặt. Nào khu đô thị mới hay dự án xây dựng lớn chuẩn bị hành trình cho mô hình một quận bên sông Đáy. Con đường sáu làn xe chạy được mở rộng chạy thẳng về trung tâm thủ đô đã tạo cho Phùng trở nên vạm vỡ và hiện đại. Khi chúng tôi đi sâu vào những con phố và ngõ xóm của thị trấn mới hay Phùng luôn ẩn giấu một gương mặt thâm sâu trầm lặng bên sông Đáy thân thương.
Nhà thơ Quang Dũng được sinh ra trên đất Phùng, tại thôn Phượng Trì xưa. Cổng làng Phượng Trì được xây mới khang trang nhưng kiến trúc xưa vẫn ẩn dấu nét hào hoa và kiêu bạc của thi sĩ "Tây Tiến" một thời. Bức tượng người chiến binh trung đoàn Tây Tiến ấy đã được dựng tại "Trường Tiểu học thị trấn Phùng".
Nghe nói trong thời gian trở về Phùng sau những trận đánh, thi sĩ Quang Dũng còn sáng tác nhiều bài thơ hay. Trong đó có bài "Đôi mắt người Sơn Tây". Đây cũng là một thi phẩm được sáng tác bên sông Đáy tại đoạn sông chảy qua chợ Đại-Cống Thần. Đó là những câu thơ ngậm ngùi thương nhớ một bóng hồng có đôi mắt đẹp của xứ Đoài.
Thi sĩ gửi gắm rằng: "Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc/ Thương vườn ruộng khôn khuây/ Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng".
Người dẫn chúng tôi vào những con giếng cổ trong xã Đan Phượng xưa là nhà thơ Cù Thùy Loan (hội viên Hội Nhà văn Hà Nội). Chị là Chủ nhiệm CLB thơ ở thị trấn Phùng. Nhà thơ kể những câu chuyện cổ về những cái giếng của làng đã được những người Chăm làm ở đây như thế nào.
Thì ra ở đất Phùng đã từng có những di dân người Chăm đến sinh sống trong thời kỳ chiến tranh cách đây gần ngàn năm. Họ là người đã tham gia dựng đình chùa và đào giếng ở làng. Những chiếc giếng đã được Nhà nước công nhận là di sản quốc gia với kỹ thuật đào giếng và xây dựng với kiến trúc độc đáo. Đó là giếng bên đình Đại Phùng, hay giếng cổ ở làng Đông Khê và Đoài Khê.
Nhà thơ Cù Thùy Loan cho biết, ở xóm giữa có cây đại 900 năm nhưng những cái giếng này đã có từ trước đó. Theo các cụ trong làng truyền lại, những giếng này được xây ít nhất từ thế kỷ XII. Vậy mà đến nay nước giếng vẫn trong mát, có thể dùng pha trà thơm hay đồ xôi cúng tết. Chả thế dân gian vẫn còn ghi: "Đoài Khê hương sắc vạng thuở giữ tinh hoa/ Giếng cổ mát trong ngàn năm lưu dấu tích".
Nhà thơ còn cho biết, giếng cổ trong chùa Đại Phùng được chọn làm một trong bối cảnh quay bộ phim truyện "Đến hẹn lại lên" (năm 1974). Giếng là nơi cô Nết (NSND Như Quỳnh đóng) đến gánh nước hàng ngày cho gia đình.
Bên cạnh những giếng cổ, huyện Đan Phượng còn nổi bật là cái nôi văn hóa đình chùa và nghệ thuật hát chèo tàu cũng như hát ca trù lâu đời. Đình Đại Phùng đã được đưa vào danh sách 7 di tích quốc gia đặc biệt với nghệ thuật kiến trúc gỗ cổ được coi là kinh điển quý hiếm ở nước ta. Hơn thế nữa đất xứ Đoài Đan Phượng còn có danh nhân được cả nước tôn thờ. Đó là Thái sư phụ chính Tô Hiến Thành (1102-1179) ở xã Hạ Mỗ. Tô Hiến Thành là một tướng tài chính trực liêm khiết. Ông làm quan lớn cho hai đời vua Lý Anh Tông (1138-1175) và Lý Cao Tông (1176-1210).
Tấm lụa thanh thiên
Chẳng mấy năm nữa mà Đan Phượng sẽ lên quận (2025). Thị trấn Phùng là trung tâm của một thị xã tương lai. Phùng vốn là cửa ngõ thủ đô từ xa xưa bên sông Đáy. Nơi đây đã từng là Kinh đô nhà nước Vạn Xuân thời vua Lý Nam Đế (544-603). Triều Đinh nhà Lý đóng trong thành Ô Diên (nay chính là xã Hạ Mỗ-cách Phùng 3km). Những dấu vết kinh thành vẫn còn đó. Ngôi đình Vạn Xuân có hàng trăm gian vào loại lớn nhất miền Bắc và được xếp hạng di tích quốc gia năm 1991. Trong dân gian đã có câu: "Ngàn năm cho đến bây giờ. Đình Vạn Xuân vẫn y như buổi đầu".
Phùng là thế. Người ta còn ví Phùng là một thành phố hoa ly thơm ngát trong vườn hoa thủ đô. Bởi ở đây đã có những trang trại hoa ly cung cấp cho thành phố với mùi hương thơm ngát. Những cô gái đảm đang ươm hoa thơm cho đời luôn xinh đẹp giỏi giang. Đó là hình ảnh không bao giờ phai nhòa trong thơ Quang Dũng: "Vầng trán em mang trời quê hương/ Mắt em như nước giếng thôn làng/ Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em đã bao ngày thương nhớ thương?" (Đôi mắt người Sơn Tây).
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/bat-chot-phung-604043/