Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, 4 bị cáo cùng 'bóc lịch'

Phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có tổ chức, 4 bị cáo lần lượt lãnh án tù, thấp nhất 2 năm 6 tháng, cao nhất 7 năm.

Y De6l Kbuôr, Y Yoel Niê, Y Miên Niê, Y Vương Kbuôr, cùng ngụ huyện Krông Buk (Đăk Lắk) và Châu Tuấn Kiệt, ngụ xã Tây Yên (An Biên) đều là ngư phủ bị Vương quốc Malaysia bắt giữ do tàu cá đánh bắt trái phép. Sau khi được thả về, Kiệt rủ 4 bạn về nhà chơi, tìm việc làm để có tiền lấy xe máy đã gửi ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước khi đi biển, được tất cả đồng ý.

Kiệt dẫn các bạn đến nhà Minh ở xã Tây Yên chơi, Hậu thấy vậy hỏi Minh: Mấy người này ở đâu? Minh trả lời: “Mấy người này đi ghe bị Malaysia bắt mới được thả về”. Hậu nói với Minh: “Đưa tụi nó đi lính dịch vụ”, ý nói đưa họ đi làm ngư phủ thông qua môi giới và nhận tiền từ môi giới lao động đi biển. Đồng thời, Hậu điện thoại cho Thịnh nói ý định của mình và được Thịnh đồng ý. Hậu bàn thống nhất với Minh, Thịnh thuê xe đưa Y De6l Kbuôr, Y Yoel Niê, Y Miên Niê và Y Vương Kbuôr đến thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) để chuyển giao cho Bình, nhưng đến nơi Bình không nhận. Sau đó, Y De6l Kbuôr, Y Yoel Niê, Y Miên Niê và Y Vương Kbuôr được đưa về phòng trọ của Hậu tại xã Nam Yên (An Biên). Tại đây, Hậu nói với Thịnh, Minh, Hiếu canh giữ Y De6l Kbuôr, Y Yoel Niê, Y Miên Niê và Y Vương Kbuôr, đồng thời buộc 4 người này gọi điện về cho mỗi gia đình gửi tiền chuộc 20 triệu đồng để trả tiền nợ còn thiếu do ăn nhậu.

Thịnh và Hậu liên lạc, thỏa thuận với các gia đình bị hại gửi tiền chuộc 80 triệu đồng vào tài khoản của Linh. Thịnh chở Linh đi rút tiền, cho Linh 500.000 đồng, sau đó cả nhóm thuê xe đưa các bị hại ra bến xe khách Kiên Giang mua vé xe về nhà hết 1,2 triệu đồng. Số tiền còn lại, Thịnh mua cho Hậu một xe Honda Dream giá 14,5 triệu đồng, chia cho Hậu và Minh 35 triệu đồng, Hiếu 2,4 triệu đồng, còn lại 27,4 triệu đồng Thịnh giữ lại tiêu xài cá nhân.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo khoản 2, Điều 169, Bộ luật Hình sự với 3 tình tiết định khung, mức án từ 5-12 năm tù. Cụ thể, các bị cáo đã lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ để thực hiện hành vi phạm tội nên thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức; phạm tội đối với 2 người trở lên và chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, chỉ vì lười lao động, muốn có tiền để tiêu xài cá nhân mà bất chấp hậu quả.

Bị cáo Hậu là người có nhân thân xấu, trước đây 3 lần từng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục 24 tháng; có 1 tiền án về tội hủy hoại tài sản với mức án 5 năm tù nên thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. Vai trò của Hậu trong vụ án này là đối tượng cầm đầu, khởi xướng, chỉ huy, phân công nhiệm vụ và hưởng lợi nhiều hơn các bị cáo khác nên chịu mức án 7 năm tù, đồng thời buộc khắc phục hậu quả 34,5 triệu đồng đã chiếm đoạt của các bị hại.

Bị cáo Thịnh, cùng với bị cáo Hậu có vai trò chính trong vụ án, là người có nhân thân xấu, từng bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục 24 tháng; có 1 tiền án 18 tháng tù về tội hủy hoại tài sản nên thuộc trường hợp tái phạm, bị xử 6 năm tù do đã khắc phục được 7,6 triệu đồng. Số tiền còn lại, Thịnh phải khắc phục tiếp 20 triệu đồng.

Hai bị cáo còn lại Minh và Hiếu đều có 2 tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tự nguyện bồi thường hoặc khắc phục hậu quả nên được áp dụng khoản 1, Điều 54, Bộ luật Hình sự xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, tức trong khung hình phạt liền kề. Bị cáo Minh, có vai trò giúp sức tích cực và thực hiện hành vi theo sự phân công của Hậu, đồng thời nhận lợi ích ít hơn, đã tự nguyện khắc phục 15 triệu đồng nên chịu mức án 3 năm tù. Bị cáo Hiếu, vai trò thấp hơn, nhận tiền ít hơn và đã khắc phục 2,4 triệu đồng nên chịu mức án 2 năm 6 tháng tù.

ĐỊNH GIANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/an-ninh-trat-tu/bat-coc-nham-chiem-doat-tai-san-4-bi-cao-cung-boc-lich-8700.html