Bắt đầu chọn sách giáo khoa cho TP.HCM, chú ý tính đặc thù địa phương

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về tiêu chí chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.

Dựa theo đó, giáo viên các trường tiểu học sẽ tham khảo, lựa chọn 1 trong 5 bộ SGK lớp 1.

Ngay sau khi tiêu chí lựa chọn SGK được ban hành và triển khai xuống các trường tiểu học, nhiều quan điểm chọn sách trước đây không còn phù hợp.

Theo hiệu trưởng các trường tiểu học, ngoài đáp ứng các nội dung về kiến thức chung, tiêu chí phù hợp với đặc thù riêng của TP.HCM cần được giáo viên (GV) tính đến.

 Giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp, TP.HCM) tham khảo các bộ sách giáo khoa. Ảnh: Nga Nguyễn/Người Lao Động.

Giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp, TP.HCM) tham khảo các bộ sách giáo khoa. Ảnh: Nga Nguyễn/Người Lao Động.

Nghe ý kiến giáo viên và phản biện

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng GD&ĐT phụ trách tiểu học quận Tân Phú, cho biết trước đây khi Bộ GD&ĐT thẩm định và phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 mới và Sở GD&ĐT TP.HCM triển khai xuống các trường, GV sau khi tham khảo từng bộ sách, có đưa ra những ý kiến ban đầu.

Tuy nhiên, khi có quyết định về tiêu chí lựa chọn SGK của UBND TP, quy trình tham khảo, lựa chọn, lấy ý kiến phải tổ chức lại. Lý do vì trước đây GV chủ yếu chọn sách theo kinh nghiệm giảng dạy, có GV lại chọn theo tiêu chí bộ sách nào rẻ nhất, đẹp nhất...

Phòng GD&ĐT đã hướng dẫn các thầy, cô không nên chọn vậy mà phải đối chiếu với tiêu chuẩn của TP.

"Chọn bộ sách nào, vì sao chọn phải có minh chứng thuyết phục và đưa ra hội đồng nhà trường nên cần phải có đông đủ GV tham gia. Nhưng vì ảnh hưởng dịch bệnh nên đến nay chưa tập trung GV để nghe ý kiến được" - ông Khiêm nói.

Trong khi đó, ông Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), cũng cho hay tiêu chí chọn SGK của TP đã triển khai đến tất cả GV dạy lớp 1 để thầy cô tham khảo, đối chiếu. Khi được tập trung trở lại, nhà trường sẽ nghe ý kiến của từng GV, kể cả các phản biện mới có quyết định cuối cùng.

Tại trường Tiểu học Yên Thế (quận Tân Bình), các GV được chia thành khối, tổ bộ môn trao đổi, thảo luận và trình bày tổng hợp của nhóm, khối về những ưu điểm, khuyết điểm của từng phân môn trong 5 bộ sách.

Ông Nguyễn Thế Văn, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Thế, cho biết nhà trường tiến hành triển khai kế hoạch về việc thay SGK đến cho từng GV ở tất cả tổ khối, đặc biệt là GV khối 1, nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn về 5 bộ SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Sau khi GV tự nghiên cứu, nhà trường tổ chức trao đổi để từng nhóm, tổ chia sẻ về những lợi thế, cũng như nhược điểm của các môn trong từng bộ sách mới công khai. Đây là nền tảng ban đầu, để tiếp theo nhà trường sẽ đưa ra một quy trình lựa chọn SGK và thực hiện các bước theo đúng quy định.

So sánh với SGK hiện tại, nhiều GV cho rằng hầu hết bộ sách mới có hình ảnh đẹp, gần gũi với học sinh (HS), bài luyện đọc ở môn tiếng Việt được tăng cường nhiều thay vì trước đây ngữ liệu trong sách ít nên GV thường phải tìm thêm để bổ trợ cho HS. Nhưng chọn bộ nào, phải cân nhắc thật kỹ.

Ý kiến cần đi kèm lập luận thuyết phục

Giáo viên một trường tiểu học tại quận 1 cho rằng khi đọc và nghiên cứu các bộ sách, bộ sách "Cánh diều" có lẽ nhận được cảm tình của nhiều GV nhất vì cho đến nay, đây là bộ hoàn chỉnh có tất cả môn học theo chương trình mới của Bộ GD&ĐT.

"Một bộ sách trọn vẹn, đầy đủ, giúp GV hình dung và tiếp nhận rõ ràng hơn nội dung từng môn học, dù chưa được tập huấn giảng dạy theo chương trình mới nhưng nhìn vào sách, GV không bỡ ngỡ, lo lắng vì sách phù hợp với định hướng giảng dạy lâu nay tại TP.HCM" - GV này nói.

Theo ông Hà Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7), khi Sở GD&ĐT TP.HCM triển khai 5 bộ sách cho GV nghiên cứu, một số GV cho rằng có 2 bộ sách là "Cánh diều" và "Chân trời sáng tạo" là trội hơn cả do phù hợp điều kiện giảng dạy của TP.HCM.

"Nhưng đó chỉ là ý kiến ban đầu, việc chọn sách còn phải căn cứ các tiêu chí mà UBND TP.HCM vừa ban hành. Các ý kiến GV đưa ra đi kèm với minh chứng, lập luận để hội đồng nhà trường có lựa chọn khách quan, phù hợp", ông Hải nói.

Nói về các tiêu chí chọn sách của TP, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 10 nhìn nhận các tiêu chí như đáp ứng được định hướng phát triển GD&ĐT của TP, xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.

Khuyến khích HS thực hành nghiên cứu khoa học, phát huy tính tích cực chủ động học tập, hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho HS, giáo dục gợi mở, tạo cơ hội cho HS trải nghiệm, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức vào cuộc sống... Đó là những tiêu chí không quá xa lạ với GV và HS TP.HCM vì nằm trong định hướng GD&ĐT xuyên suốt trong nhiều năm.

"Vấn đề đặt ra ở đây là tính liên thông của bộ sách. Nhiều GV băn khoăn rằng các NXB mới chỉ có bộ SGK lớp 1, đến tháng 9, Bộ GD&ĐT mới thẩm định bộ SGK lớp 2, tính liên thông giữa các bộ sách thế nào? Nếu lựa chọn được bộ lớp 1 của một NXB phù hợp tiêu chí nhưng đến các năm học tiếp theo không phù hợp buộc phải chọn bộ sách của NXB khác thì có hợp lý không?", vị này băn khoăn.

Theo Đặng Trinh / Người Lao Động

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bat-dau-chon-sach-giao-khoa-cho-tphcm-chu-y-tinh-dac-thu-dia-phuong-post1066108.html