Bắt đầu hành trình chinh phục HCV bóng đá SEA Games

Chiều 25-11, đội tuyển U.22+2 Việt Nam chính thức ra quân, bắt đầu cuộc hành trình 15 ngày chinh phục tấm HCV bóng đá nam SEA Games sau 60 năm - quãng thời gian bằng cả đời người, kể từ lần lên ngôi ở kỳ đại hội đầu tiên còn mang tên SEAP Games 1959.

Đội tuyển U.22+2 Việt Nam trong buổi tập tại Sân vận động Rizal Memorial ở thủ đô Manila

Đội tuyển U.22+2 Việt Nam trong buổi tập tại Sân vận động Rizal Memorial ở thủ đô Manila

Cũng ở Philippines, cách đây 28 năm, bóng đá Việt Nam (BĐVN) chính thức trở lại đấu trường SEA Games. Đây là kỳ đại hội thứ 15 tham dự nhưng là lần đầu tiên, từ cấp cao nhất, chúng ta hạ quyết tâm, đặt thẳng mục tiêu vô địch, chứ không ngập ngừng… vào chung kết. Sự tự tin ấy dựa trên cơ sở hàng loạt thành tích và cả kỳ tích không chỉ ở đấu trường khu vực mà cả châu lục trong liên tiếp 3 năm qua. Từ HCĐ U.19 châu Á, HCB U.23 châu Á, hạng 4 Asiad, vô địch Đông Nam Á đến tốp 8 châu Á. Và có đến một nửa trong danh sách 20 gương mặt đến với SEA Games 30 là những người đã trực tiếp làm nên những cột mốc lịch sử ấy.

Bên cạnh đội ngũ cầu thủ trẻ trung nhưng đã được trui rèn, tôi luyện qua nhiều “lò lửa” lớn nhỏ, niềm tin còn đến từ việc chúng ta có được một nhà cầm quân như được “dành cho” BĐVN. HLV Park Hang-seo và ban huấn luyện người Hàn Quốc của ông (chưa bao giờ hùng hậu như thế tại SEA Games) đã nhiều lần chứng minh có thể giúp các học trò biến điều không thể thành có thể.

Về mặt khách quan, các nền bóng đá đối trọng với chúng ta như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đều gặp vấn đề về sự chuyển giao lực lượng, lứa cầu thủ U.22 hiện tại của họ không quá đáng ngại.

Có thể nói, BĐVN đang trong giai đoạn đẹp nhất, sáng nhất trong lịch sử và chỉ thiếu tấm HCV SEA Games để trọn vẹn.

Tuy nhiên, nỗi ám ảnh quá khứ “nói trước bước không qua” vẫn là những bài học còn nóng hổi. Kể từ khi hội nhập trở lại, BĐVN đã 5 lần vào chung kết SEA Games nhưng đều thất bại. Trong đó, ít nhất có 3 lần được cho là “bây giờ chứ còn bao giờ”. Brunei 1999, đội tuyển Việt Nam (khi ấy tham dự còn là đội tuyển quốc gia) giữ sạch lưới suốt từ vòng bảng cho đến bán kết, nhưng nhận 2 bàn thua từ sút xa trước Thái Lan ở trận cuối cùng. Năm 2003, Văn Quyến khiến sân Mỹ Đình mới khánh thành như nổ tung với bàn gỡ hòa ở phút 90+1, nhưng rồi lại thua Thái Lan ở hiệp phụ. Và đặc biệt là tại Lào năm 2009, Sân vận động Vientiane như sân nhà với tràn ngập màu cờ đỏ sao vàng, gặp lại Malaysia đối thủ mà thầy trò HLV Calisto từng thắng dễ 3-1 ở vòng bảng, thế nhưng đội tuyển U.23 Việt Nam gục ngã đau đớn vì pha đá phản lưới nhà và sự thiếu quyết đoán trong việc thay thủ môn Tấn Trường đã chấn thương.

Từ những nỗi đau lớn của nhiều thế hệ đàn anh ấy, Quang Hải và các đồng đội tự tin nhưng phải tỉnh táo giữ đôi chân trên mặt đất. Đừng đau đáu mang áp lực HCV mà thoải mái, tập trung giải quyết từng trận một. Cái gì của Caesar sẽ thuộc về Caesar. Điều gì phải đến sẽ đến. Từ Kỷ Hợi 1959 đến Kỷ Hợi 2019 - 60 năm tròn một hoa giáp, một đời người cho giấc mơ Vàng SEA Games!

Minh Chung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/201911/bat-dau-hanh-trinh-chinh-phuc-hcv-bong-da-sea-games-2975482/