Bắt đầu lại từ số 0: Thức tỉnh và nâng cấp chính mình

'Bão' Covid-19 tràn qua, quét sạch những gì mà du lịch đã tạo dựng được. Tất cả gần như về con số 0. Trải qua những ngày tháng 'ngủ đông', du lịch đang lạc quan và thức tỉnh sớm, nỗ lực giữ lửa nghề để hồi phục mạnh mẽ.

Lạc quan

Tháng 2/2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, bà Nguyễn Thị Dung - một hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung có thêm niên 18 - nhận được yêu cầu trả hết các hợp đồng tour đã nhận. Khi đó, bà và cả du khách đều nghĩ rằng đây là dịch cúm bình thường, chỉ 3 tháng, cùng lắm 6 tháng, là hết. Ai cũng nghĩ sẽ sớm quay trở lại nghề nên luôn trong tâm thế chờ đợi.

Thế nhưng, những người làm du lịch như bà đã chờ hết 6 tháng, giờ đại dịch đã sang năm thứ ba.

Để mưu sinh, rất nhiều HDV, nhân viên du lịch đã chuyển sang làm shipper, bán hàng online, môi giới BĐS, bán bảo hiểm,... Tuy nhiên, “tình yêu du lịch đã thấm vào máu” và chắc chắn hầu hết HDV sẽ trở lại với nghề, bà Dung cho hay.

Tuấn Nguyễn, một HDV tiếng Anh khác, cũng tự tin, trong bất cứ hoàn cảnh nào HDV cũng cố gắng thích nghi. Anh em đều rất kiên cường, dù phải làm tạm nghề khác để kiếm sống, nhưng vẫn mong một ngày nào đó được cầm cờ dẫn tour, giới thiệu với du khách về điểm đến Việt Nam.

Nhiều HDV outbound phải chuyến sang làm hướng dẫn viên nội địa (ảnh minh họa)

Nhiều HDV outbound phải chuyến sang làm hướng dẫn viên nội địa (ảnh minh họa)

Tại Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism), Phó TGĐ Nguyễn Phương Thùy chia sẻ, trước dịch, có thời điểm công ty huy động 200-300 hướng dẫn viên, mỗi ngày 20 chuyến bay charter. Đến nay, khó khăn là vậy nhưng chưa ai tuyên bố không theo nghề cả. Bà tin rằng, 99% HDV, nhân viên muốn quay lại công việc yêu thích này.

Trong một buổi trò chuyện mới đây, ông Phan Thanh Long, Tổng giám đốc Rex Hotel Saigon, cũng nhấn mạnh, ngọn lửa nghề chưa bao giờ cạn với những người làm du lịch. Ông cho rằng, chỉ khi nào thế giới dừng lại thì ngành du lịch mới không phát triển. Những HDV, nhân viên du lịch cực chẳng đã phải chuyển nghề sẵn sàng quay trở lại. Không ít DN nỗ lực duy trì chính sách giữ người lao động, không để ai nghỉ việc.

“Vì chưa biết bao giờ dịch kết thúc nên chúng tôi phải tính toán chi phí để có quỹ dự phòng tiền lương cho người lao động. Thế nên, trong ngành có liên doanh phải cho nghỉ 600 người, nay chỉ còn hơn 100, thì chúng tôi vẫn giữ được gần như toàn bộ. Tết này, chúng tôi vẫn có thưởng cho người lao động”, ông nói.

Nhận định về sự phục hồi của ngành du lịch trong năm 2022, Tổng giám đốc Hanoi Tourism, bà Nhữ Thị Ngần lạc quan khi cho rằng thị trường nội địa sẽ phát triển ngay từ Tết Nguyên đán, khách quốc tế vào Việt Nam (inbound) và người Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound) sẽ tăng dần từ 6/2022.

Với du lịch outbound, ông Phùng Tuấn, Chủ tịch Công ty Caravan Việt Nam, đánh giá đây là năm bản lề bởi sự dồn nén về nhu cầu du lịch nước ngoài hai năm qua tương đối lớn. Vừa qua, 10 quốc gia đã chấp nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam, đây là cơ hội để người Việt đi du lịch các nước.

Dự báo du lịch outbound sẽ trở lại từ tháng 3-4 tới

Dự báo du lịch outbound sẽ trở lại từ tháng 3-4 tới

“Mấy ngày nay, chúng tôi nhận được thông báo sẽ sớm bay trở lại từ nhiều hãng hàng không từng bay sang Việt Nam. Từ 31/3, một số hãng sẽ mở bay transit tới Mỹ. Ngay sau Tết, tôi sẽ đi khảo sát thị trường này”, ông chủ DN lớn chuyên đưa khách du lịch đi Mỹ, tiết lộ. Ông dự kiến, tháng 3 hoặc tháng 4/2022, các tour outbound đầu tiên của DN sẽ lên đường.

Do đó, ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Công ty Mekong Rustic, nhấn mạnh, trong khó khăn cần luôn giữ sự lạc quan, vì bản thân ông khởi nghiệp nhiều, thất bại cũng nhiều. Nhưng, khi đã vượt qua được khó khăn thì thấy rằng việc làm của mình có giá trị cho bản thân và xã hội. Đến cuối 2021, đầu năm 2022, có nhiều tín hiệu để chúng ta lạc quan khởi động lại du lịch.

Thức tỉnh sớm để thành công

Theo ông Phùng Tuấn, các DN du lịch nên gác lại khó khăn, coi đó là bài học. Thời điểm này là cơ hội rất tốt để nắm bắt, khởi động lại ngay sau Tết.

Ông chỉ ra nhiều cơ hội, đó là cơ hội khởi nghiệp lại của rất nhiều DN, sau nhiều năm phải dừng hoạt động. Nhưng, việc khởi nghiệp cách đây 15-20 năm hoàn toàn khác bây giờ. Nay các DN đều có kinh nghiệm, có kiến thức, nên khác xưa rất nhiều.

Trong dịch bệnh, ông Tuấn cũng nhấn mạnh đó là cơ hội để trau dồi nâng cấp bản thân, làm mới mình, làm mới DN, làm mới sản phẩm, để thích ứng và phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh. Đây cũng là dịp sàng lọc nhất định, đặc biệt với các đối thủ cạnh tranh không bền vững. Thời điểm này sẽ quyết định DN vươn lên dẫn đầu hoặc đứng đầu thị trường của chính mình.

Cơ hội thấy rõ, song có nắm bắt được hay không đòi hỏi các DN, các CEO du lịch cần có tư duy tích cực, có sự tính toán linh hoạt; nếu còn nguồn lực tài chính nên tìm cơ hội bắt đáy, sáp nhập, hoặc đồng hành cùng với các DN muốn hợp tác phát triển.

Khách du lịch trong nước đang đổ xô đến Phú Quốc

Khách du lịch trong nước đang đổ xô đến Phú Quốc

Với câu hỏi thời điểm này có nên start-up không, nhiều người trả lời ý tưởng này là điên rồ. Song, bà Nhữ Thị Ngần phân tích, 2022 là năm lý tưởng startup. Du lịch Việt Nam được coi là bùng nổ và thịnh vượng vào năm 2019, ngủ đông và chạm đáy là giai đoạn 2020-2021. Bước sang 2022, đã có các đoàn khách đi du lịch, các DN đã chuẩn bị và bán được tour Tết.

Đó là câu trả lời cho thời điểm để start-up, để tỉnh dậy để không ngủ đông.

Hơn nữa, chính sau Covid-19, trong hai năm 2020-2021, du lịch vẫn chứng tỏ vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, nếu không phát triển sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều ngành khác và cả nền kinh tế. Cùng với đó là việc tiêm phủ vắc xin nhanh, rộng trên cả nước. Đặc biệt, tâm thế du khách nay đã khác, thoải mái và yên tâm hơn khi đi du lịch. Đường bay nội địa và quốc tế đã mở lại.

Chưa kể, các DN đều bắt đầu từ vạch xuất phát, mà thâm niên của các công ty không có ảnh hưởng. Start-up thời điểm này là loại bỏ được các đối thủ có nặng ký có thâm niên lâu năm. Thị trường và khách hàng nhận diện lại DN, đưa đến cuộc chơi hoàn toàn công bằng. Do đó, các công ty cần nhanh chóng chạy đà, chuẩn bị tốt nhất để start-up thành công.

Theo bà Ngần, đối tượng startup chính là những DN đã làm du lịch nhưng 2 năm qua ngủ đông, giờ thức tỉnh quay trở lại; đó là các DN mới, chưa làm du lịch bao giờ; là các DN đã làm du lịch nhưng nay khai thác thêm mảng mới. Đó cũng có thể là các cá nhân điều hành tour, nhân viên sale, HDV,... từng nghỉ việc, nay quay lại nghề nhưng có sự dịch chuyển công việc.

Mới đây, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực du lịch (THD Centre) đã được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu tăng mạnh về nhân lực khi du lịch hồi phục và sẽ bùng nổ. Trung tâm không chỉ đào tạo mới, mà còn kết nối và truyền cảm hứng với những người làm nghề đang bị mai một do dịch Covid-19, những người mới vào nghề, muốn đầu tư,… Trong khi, việc đào tạo chưa đáp ứng được trước thực tế cộng đồng DN đang chuyển biến mạnh mẽ.

Ngọc Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/2022-du-lich-thuc-tinh-no-luc-giu-lua-nghe-809605.html