Tây Ninh đứng thứ nhất về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam Bộ
Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh 5 năm 2021-2025.
6 tháng đầu năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo động lực mới, thúc đẩy tăng trưởng.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng phục hồi tốt, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng, tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP – theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 29.792 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Tỷ trọng nông - lâm - thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ (chưa tính thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm) trong GRDP theo giá hiện hành ước đạt 17% - 47% - 31,5%. Tây Ninh đứng đầu vùng Đông Nam Bộ về tăng trưởng kinh tế.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì đà phát triển ổn định
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 169.709 ha, diện tích cây trồng nhiễm sâu bệnh giảm, chủ yếu ở mức nhẹ; cơ cấu cây trồng có sự chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, từng bước hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường.
Chăn nuôi và giá sản phẩm chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm; xu hướng chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn sinh học.
Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 107 ha, sản lượng đạt 834 tấn, tăng 6,3 lần so với cùng kỳ. Lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, an ninh rừng được bảo đảm, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên hiện có 66.491 ha giao khoán đến các tổ chức, nhóm hộ, hộ gia đình bảo vệ. Từ đầu năm đến nay, do thời tiết nắng nóng đã xảy ra 10 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy là hơn 16 ha; phát hiện 59 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 7 vụ so với cùng kỳ).
Toàn tỉnh hiện có 65/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 91,5%; trong đó: 25 xã đạt chuẩn nâng cao, 3 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Hiện tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xét công nhận Thị xã Trảng Bàng và Thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Công nghiệp – Thương mại – Dịch vụ tiếp tục phục hồi phát triển
Trong lĩnh vực công nghiệp, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động cơ cấu lại, tối ưu hóa quy trình sản xuất để thích ứng linh hoạt với biến động thị trường. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 13,5% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 1.6, ngành điện đã cung cấp gần 2.662 triệu kWh điện, đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Lũy kế 5 tháng đầu năm, bán sang Campuchia 78,3 triệu kWh điện và tiết kiệm được gần 64 triệu kWh điện.
Hoạt động thương mại nội địa diễn ra sôi động, nguồn cung hàng hóa dồi dào; giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng găm hàng, sốt giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 58.514 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ, công tác kiểm tra thị trường đã tiến hành kiểm tra 390 vụ, phát hiện 206 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 2,4 tỷ đồng, hàng hóa tịch thu 224 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD, đạt 51,5% so với kế hoạch, tăng 12,4% so với cùng kỳ; Kim ngạch nhập khẩu đạt 2,9 tỷ USD, đạt 56,2% so với kế hoạch.
Hoạt động du lịch khởi sắc ngay từ những tháng đầu năm với các chuỗi sự kiện văn hóa - du lịch, lễ hội và chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2024, khách tham quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 3,4 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.845 tỷ đồng, đạt 80,2% so kế hoạch, tăng 34,1% so cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.375 tỷ đồng, đạt 57,4% dự toán, tăng 14,9% cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương là 4.991 tỷ đồng, đạt 44,7% dự toán, giảm 2,7% so với cùng kỳ.
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 10.6, toàn tỉnh đã giải ngân 1.045 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 24,6% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Ước giải ngân đến 30.6 là 1.282 tỷ đồng, đạt 30,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 30,2% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Cùng với các chỉ tiêu trong lĩnh vực kinh tế, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống Nhân dân được cải thiện. Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,6%.
Cùng với các chỉ tiêu trong lĩnh vực kinh tế, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục đổi mới về nội dung lẫn hình thức phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, đi vào chiều sâu, gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương và xây dựng văn hóa, con người Tây Ninh, đồng thời giới thiệu và quảng bá hình ảnh tỉnh Tây Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế phát triển.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu... vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi tình hình thế giới được cải thiện, thuận lợi hơn.
Các chính sách, giải pháp triển khai từ đầu năm đến nay đã và đang phát huy tác động tích cực, nhất là các giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất kinh doanh. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, dịch bệnh được kiểm soát. Một số dự án sớm được đầu tư và đưa vào khai thác cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng quý III và cả năm 2024.