Bắt đầu tăng tốc, huy động thêm 20.000 tỷ đồng để trồng lúa giảm phát thải
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp đã cho thu hoạch những vụ thí điểm đầu tiên và chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng tốc. Song, cần huy động thêm khoảng 20.000 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn này.
Các mô hình thí điểm trong Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL vừa được thu hoạch.
Bộ NN-PTNT cho biết, áp dụng phương pháp canh tác bền vững trong đề án giúp giảm 20% chi phí sản xuất lúa, tăng thu nhập cho các hộ dân trồng loại cây lương thực này (giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%). Ngoài ra, còn giúp giảm trung bình 5-6 tấn CO2 tương đương trên mỗi ha lúa phát thải thấp.
Từ cơ sở đó, bộ đã thống nhất chủ trương với các địa phương tiếp tục nhân rộng diện tích canh tác lúa bền vững, giảm phát thải trên toàn bộ 12 tỉnh, thành ở ĐBSCL. Việc áp dụng sẽ được thực hiện ngay trong vụ thu đông 2024 và đông xuân 2024-2025.
Theo lộ trình, đến năm 2025 sẽ tập trung phát triển 200.000 ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Từ 2026-2030, mở rộng thêm 800.000 ha lúa tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương và chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, IRRI xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải phù hợp với các quy chuẩn quốc tế. Từ đó, có cơ sở khoa học áp dụng đo đạc cho toàn diện tích lúa tham gia đề án.
Việc rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng, tìm kiếm nguồn lực để triển khai đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất tại 33 vùng sản xuất tập trung cũng được bộ này phối cùng với các địa phương thực hiện.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, bộ đã xây dựng đề xuất chương trình “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL” vay 430 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới. Trong đó, 330 triệu USD là vốn vay ưu đãi và 100 triệu USD là vốn đối ứng. Khoản vốn này nhằm tập trung nguồn lực đầu tư cho giai đoạn 2026-2027.
Đề xuất này đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực đầu tư đang không theo kịp tiến độ. Đặc biệt, trong giai đoạn 2026-2030 cần chuẩn bị sẵn sàng vốn đầu tư hạ tầng để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư công thuộc đề án.
Do đó, Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương hoàn thiện hồ sơ thí điểm chính sách đặc thù đối với Chương trình đầu tư công “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL”, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới, dự kiến khoảng 330 triệu USD.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ngoài nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và nguồn vốn đầu tư công của nhà nước, trong giai đoạn tăng tốc 2025-2027, dự án cần huy động thêm khoảng 20.000 tỷ đồng từ vốn đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân... để thực hiện.
Trong đó, cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại để mua sắm vật tư, thu mua lúa gạo, đầu tư máy cơ giới, trang thiết bị bảo quản, chế biến, xây dựng hệ thống kho và logistics.
Về vốn vay ưu đãi, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã phối hợp các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Theo đó, các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm.
Ngoài ra, các chủ thể tham gia liên kết lúa gạo còn được hưởng nhiều ưu đãi khác theo quy định hiện hành. Cụ thể, mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 100 triệu đến 3 tỷ đồng tùy đối tượng. Hay chính sách cho vay khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị phương án, dự án.