Bắt đầu từ ý thức cá nhân!

Một thông tin không vui đối với dư luận, đó là tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội trong quý I diễn biến khá phức tạp khi số vụ tai nạn, số người tử vong và số người bị thương đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, về số vụ tăng gần 38%, số người tử vong tăng hơn 10% và số người bị thương tăng tới hơn 71%. Một số liệu cũng rất đáng lo ngại nữa: Hơn ¼ số quận, huyện, thị xã (8/30) có số người tử vong tăng cao (trên 10 người/quý), tăng trên cả 3 tiêu chí. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan, yêu cầu triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm giảm tình hình tai nạn giao thông trong thời gian tới.

Nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt được nêu ra như đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm, nhất là những hành vi được coi là nguyên nhân chính gây tai nạn như vi phạm quy định về nồng độ cồn, điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, không chấp hành tín hiệu giao thông, đi sai làn đường... Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, bảo đảm cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông, xử lý “điểm đen”, tổ chức giao thông hợp lý hơn... Đối với 8/30 quận, huyện, thị xã thuộc diện “cá biệt” nói trên, gồm Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Sơn Tây, Chương Mỹ và Ứng Hòa, Thành phố yêu cầu khẩn trương xác định nguyên nhân, trách nhiệm đồng thời có giải pháp khắc phục nhằm giảm tai nạn giao thông. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan, có thể tin tưởng rằng tình hình giao thông ở thành phố sẽ được kiểm soát, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội.

Đó là về phía các cơ quan hữu trách, còn với mỗi người dân thì sao? Chắc hẳn ai cũng mong muốn tình hình giao thông, trật tự xã hội được bảo đảm an toàn để yên tâm sản xuất, kinh doanh, lao động, học tập. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi, “khoán trắng” trách nhiệm cho các lực lượng chức năng hay chính quyền cơ sở, bởi lẽ mỗi cá nhân cũng đã, đang và sẽ tham gia giao thông, tạo nên “bức tranh giao thông” mỗi ngày. Bức tranh đó sáng hay tối, lạc quan hay tiêu cực đều có dấu ấn của mỗi người. Những khẩu hiệu như “Nhanh một giây, chậm cả đời”, “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, “Không sử dụng điện thoại khi đang lái xe”, "Một người sai làn, cả ngàn người khổ"... chắc hẳn đã trở nên quen thuộc với mọi người. Thế nhưng quen thuộc, thậm chí là thuộc làu, với việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật là một khoảng cách không nhỏ, đòi hỏi ý thức trách nhiệm cá nhân rất cao thì mới có thể bảo đảm an toàn cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông. Khi tham gia giao thông hằng ngày, không khó bắt gặp những hình ảnh phản cảm vẫn diễn ra trên đường như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện... Đó chính là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, có thể dẫn tới thương vong cho bản thân và những người xung quanh. Đáng báo động và lo ngại hơn cả là hiện tượng sử dụng bia rượu, chất kích thích rồi điều khiển phương tiện. Khi có “ma men” hoặc ma túy dẫn lối, không ít tài xế đã không kiểm soát được hành vi, để rồi gây gổ, ẩu đả khi xảy ra va chạm, thậm chí là chống đối người thi hành công vụ. Điển hình như vụ tài xế chống người thi hành công vụ tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì vào trưa ngày 1-4 và vụ việc xảy ra tại phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng ngày 15-3. Đáng nói là cả hai đối tượng này đều dương tính với ma túy.

Những hành vi vi phạm pháp luật chắc chắn sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, để tránh những chuyện đáng tiếc, bảo đảm an toàn, bình yên cho bản thân, gia đình và xã hội, trước hết, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, thay vì đối phó, phó mặc cho các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bat-dau-tu-y-thuc-ca-nhan-662957.html