'Bắt đáy' lừa đảo trong xuất khẩu và thương mại quốc tế

Việc chủ động nhận diện các hình thức, thủ đoạn lừa đảo trong xuất khẩu cũng như trong thương mại quốc tế có thể nói là câu chuyện thời sự với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Câu chuyện về những rủi ro trong xuất khẩu và lừa đảo trong thương mại quốc tế đã không còn là câu chuyện mới, nhất là khi dịch Covid-19 tạo ra nhiều rào cản trong giao dịch.

Mặc dù đã có không ít các cảnh báo, lưu ý đối với các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, lợi nhuận cao, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế, cũng như tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến việc đi lại, gặp gỡ làm việc trực tiếp hoặc kiểm tra hàng hóa… bị gián đoạn, phải chuyển hướng sang hình thức giao thương online, nên vẫn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị lừa, thiệt hại nặng nề trong giao dịch.

Qua nhận diện cho thấy thủ đoạn lừa đảo thường liên quan đến các hình thức như giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu; sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán, khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì “hack” email hoặc tạo tài khoản email giả mạo để gửi thông tin tài khoản, khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.

Các đối tượng lừa đảo trong thương mại quốc tế còn lợi dụng sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp của các doanh nghiệp trong nước, như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác, không có người của phía Việt Nam sang để làm việc… để chuyển hàng không giá trị, không đúng hợp đồng, hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, trừ nợ hoặc đòi bồi thường…

Doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nhận diện các thủ đoạn lừa đảo trong xuất khẩu sang các thị trường

Doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nhận diện các thủ đoạn lừa đảo trong xuất khẩu sang các thị trường

Không khó để nhận thấy những rủi ro cùng lừa đảo trong thương mại quốc tế đến từ hai nguồn là thị trường và phương thức thanh toán. Về thị trường, nạn lừa đảo trong thương mại quốc tế trước đây thường xảy ra ở khu vực châu Phi phổ biến như Nigeria, Algeria, Maroque, Cameroon… nhưng vài năm gần đây, tình trạng lừa đảo đã lan sang cả những thị trường được xem là những thị trường tiềm năng như Hà Lan, Na Uy, Mỹ, Canada, UAE cùng một số thị trường châu Âu khác.

Kẽ hở của doanh nghiệp ở đây chính là việc doanh nghiệp xuất khẩu không có thói quen thuê các đơn vị làm thẩm định tín nhiệm (bao gồm thương mại và pháp lý). Trong khi đó, các thương nhân nước ngoài khi làm ăn với Việt Nam họ thường yêu cầu bên tư vấn sở tại cung cấp bản báo cáo thẩm tra đối tác thương mại.

Về phương thức thanh toán, có thể nói đây là lĩnh vực doanh nghiệp xuất khẩu dễ “hớ hênh” nhất. Theo đó đa phần doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản ưa thích áp dụng phương thức D/P – tức là giao chứng từ để nhận tiền. Theo đó phương thức này có sự tham gia của ngân hàng người mua và ngân hàng người bán - là những cơ quan trung gian và giúp khống chế bộ chứng từ trước khi chuyển giao cho người bán. Nói ngắn gọn phương thức này làm xuất hiện bên thứ ba và đây chính là kẽ hở “chết người” để tạo nguồn cơn cho các hành vi lừa đảo.

Xuất các lô hàng đi có thể nói bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn xuôi chèo, mát mái để đến đúng người, đúng nơi. Trong bối cảnh lừa đảo trong thương mại quốc tế ngày càng tinh vi phức tạp, việc “bắt đáy” được chân tướng các rủi ro, lừa đảo này cũng vì thế mà trở nên khó khăn hơn.

Động thái sát sườn nhất mà các cơ quan chức năng Bộ Công Thương nhiều lần nhấn mạnh là các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc xác minh khách hàng, kể cả trong những trường hợp đã ký hợp đồng và thực hiện rồi thì vẫn phải tiếp tục duy trì quá trình xác minh đó. Việc xác minh có thể thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có thể thông qua các cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại các nước cũng như thông qua các dịch vụ tư vấn.

Cùng đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các ưu điểm và nhược điểm khi lựa chọn hình thức thanh toán cho hợp và an toàn nhất bởi vì hình thức thư tín dụng hay chuyển tiền điện tử chỉ là các phương thức thanh toán giữa người mua và người bán, đặc biệt cần quan tâm những tình huống xuất khẩu khi xuất hiện bên thứ ba. Doanh nghiệp nên ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán có độ an toàn cao như L/C mà không nên sử dụng phương thức thanh toán có độ rủi ro cao như D/P.

Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần hết sức quan tâm việc soạn thảo những nội dung, quy định các điều khoản thật đầy đủ và chặt chẽ trong hợp đồng mua bán, tránh trường hợp xảy ra tranh chấp, sự cố không đáng có. Triết lý ở đây là nên coi đó là đầu tư cho kiến thức để tránh rủi ro, lừa đảo chứ không phải là chi phí của doanh nghiệp.

Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào các FTA thế hệ mới do đó bên cạnh chủ động ứng phó với các hàng rào thương mại trá hình thì việc nhận diện, kể cả “bắt đáy” các thủ đoạn lừa đảo là hết sức cần thiết, có ý nghĩa thời sự.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bat-day-lua-dao-trong-xuat-khau-va-thuong-mai-quoc-te-175778.html