Bật đèn xe máy ban ngày, rừng ánh sáng di chuyển đến nhức nhối?
Nếu xe máy bật đèn cả ngày thì thành 'rừng đèn giữa thành phố' gây ảnh hưởng đến thị lực, ức chế thần kinh cho người đi đường dẫn đến ứng xử kém và gây tai nạn giao thông.
Dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định xe gắn máy phải bật đèn vào ban ngày.
PGS.TS Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết, xe máy đang là phương tiện giao thông phổ biến ở Việt Nam với mật độ và số lượng rất lớn, nhất là ở TP.HCM và Hà Nội.
Thống kê 70% tổng số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người đi xe máy, trong đó, tỉ lệ thương vong lên đến 90%. Do đó, tìm biện pháp để giảm TNGT là cần thiết nhưng phải khả thi và phù hợp điều kiện Việt Nam.
Ở một số nước, việc bật đèn xe có lựa chọn trong tất cả thời gian ban ngày có tác dụng báo vị trí xe, có thể dùng khi dừng xe, trong điều kiện chiếu sáng không tốt. Đây là loại đèn sẽ luôn được bật khi xe khởi động, giúp cho người đi đường nhận biết được xe máy tốt hơn nên giảm TNGT.
Việc đề xuất xe máy phải bật đèn khi chạy ban ngày để đảm bảo an toàn giao thông ở Việt Nam cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng.
“Ở Việt Nam chưa ai hay tổ chức nào nghiên cứu TNGT có liên quan đến sự nhận diện xe máy. Chỉ có một số thông tin từ một số quốc gia khác thống kê cho thấy xe máy bật đèn thì giảm TNGT ở nước đó. Do đó, chưa thể nói xe máy bật đèn là để giảm TNGT ở Việt Nam” - TS Phạm Xuân Mai nhận xét.
Ông cho rằng cần làm rõ xe máy bật đèn ban ngày là loại đèn nào? Loại đèn này có sẵn trên đa số các loại xe máy ở Việt Nam chưa?
Hiện nay hầu hết các nước quy định bật đèn chiếu sáng phía trước ban ngày chỉ cho phép phương tiện bật 1 trong 4 loại đèn như đèn chiếu gần (đèn cos), đèn nhận biết vị trí phía trước (position light), đèn sương mù hoặc chế độ chiếu sáng ổn định của đèn báo hiệu chuyển hướng trước.
Trong danh sách 4 loại đèn được bật ban ngày không có đèn pha vì đèn này vào ban ngày sẽ gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm hơn cho xã hội và môi trường. 4 loại đèn trên đều có ánh sáng yếu, chỉ có thể nhận biết nếu ánh sáng ban ngày cũng không tốt (ánh sáng mặt trời yếu, trời mù, mưa, khí hậu ẩm, xe đi qua hầm,…).
“Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, ít sương mù và ánh nắng rất chói chang, nhất là vào mùa khô hay mùa hè nên việc quy định bật đèn cả ngày là khó khả thi vì khó nhận diện, 4 loại đèn trên đều có ánh sáng yếu, dễ bị lẫn vào ánh sáng của mặt trời, rất khó để lực lượng CSGT nhận diện và xử lý vi phạm”- TS Phạm Xuân Mai phân tích.
“Rừng đèn giữa thành phố’ không phù hợp với nội đô TP.HCM, Hà Nội
TS Phạm Xuân Mai cho rằng mật độ xe máy ở TP.HCM và Hà Nội trong nội đô là rất lớn, tốc độ xe máy trong nội đô dưới 30km/h. Nếu xe máy bật đèn cả ngày thì thành "rừng đèn giữa thành phố", ở một đám đông xe máy thì không cần tính nhận diện hoặc việc nhận diện sẽ không hiệu quả.
Trái lại, mật độ đèn chiếu sáng quá lớn có thể gây ảnh hưởng đến thị lực và khả năng quan sát, có khi lại gây ức chế thần kinh cho người đi đường sinh mệt mỏi, khó chịu dẫn đến ứng xử kém và gây TNGT.
Do đó, không nên quy định xe máy bật một trong 4 loại đèn trên khi chạy trong nội đô vì không có hiệu quả và gây ảnh hưởng đến ứng xử khi lái xe.
Tuy nhiên, ở vùng ngoại thành, nơi mật độ xe máy thấp và khi xe chạy liên tỉnh, trên quốc lộ, là những nơi ô tô và xe máy đều chạy tốc độ cao thì nên quy định xe máy phải bật một trong 4 loại đèn trên, tùy theo tình hình của từng chiếc xe được trang bị, hay đang có những loại đèn nào để đảm bảo tính nhận diện cho xe máy từ xa đối với ô tô.
Cần nghiên cứu khoa học, đừng vội bắt chước
Còn theo Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, hiện nay nhiều nước ở Bắc Mỹ, châu Âu có quy định bắt buộc xe gắn máy phải bật đèn vào ban ngày, và xe khi sản xuất được mặc định luôn ban ngày phải bật sáng.
"Tuy nhiên, loại đèn chiếu sáng ban ngày này chỉ là đèn led, đèn nhận diện và khác hoàn với đèn chiếu sáng trên xe máy là đèn pha và đèn cốt”- ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cho rằng, trước khi áp dụng thì các nước trên đều có quá trình nguyên cứu khoa học, dựa trên điều kiện hạ tầng kỹ thuật, khí hậu đặc trưng của họ.
Do đó, rất khó trả lời nên hay không nên áp dụng ở Việt Nam. Nước ta, nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới, nắng nhiều. Trong khi các nước châu Âu, Bắc Mỹ lại có khí hậu ôn đới, nắng ít gay gắt hơn.
“Tôi nghĩ cần phải có nghiên cứu khoa học và thử nghiệm trên toàn quốc để xem tỷ lệ an toàn thế nào. Không thể thử nghiệm tại 1 hay 2 thành phố rồi áp dụng cả nước. Chúng ta không nên cảm tính, vội vã, càng không bắt chước các nước đã làm vì quyết định này ảnh hưởng đến người dân rất nhiều nên cần phải thuyết phục” - ông Sơn nhấn mạnh.