Bất đồng biên giới Ấn-Trung lan sang mặt trận truyền thông
Căng thẳng ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ diễn ra trên thực địa mà còn chuyển sang cả mặt trận truyền thông.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều cáo buộc nhau vi phạm Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) phân cách hai quốc gia. Khu vực này từ lâu xảy ra tranh cãi, đôi khi dẫn đến xung đột và đối đầu ngoại giao từ năm 1962.
Ngày 6/6, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết quan chức quân sự nước này và Trung Quốc đã gặp tại biên giới để “giải quyết hòa bình tình hình ở khu vực biên giới”.
Trước thềm cuộc gặp này, các kênh truyền hình Trung Quốc chiếu cảnh quân đội nước này với chiến đấu cơ và xe quân sự đầy binh sĩ di chuyển đến khu vực biên giới. Truyền thông nhà nước Trung Quốc miểu tả động thái này “thể hiện năng lực của Trung Quốc nhanh chóng tăng cường phòng thủ biên giới khi cần thiết”.
Ngày 7/6, nhà phân tích Shishir Gupta đăng bài viết trên tờ Hindustan Times nhận định rằng hình ảnh truyền thông Trung Quốc đưa về điều động binh sĩ đến khu vực biên giới là chiến dịch khiến “đối phương sợ rằng khả năng đàm phán đã yếu thế”.
Việc đưa tin quân đội Trung Quốc đến biên giới đã phản ánh điều này. Mặc dù Ấn Độ trong ngày 6/6 nhấn mạnh giảm căng thẳng nhưng trước những gì truyền thông Trung Quốc đăng tải, Chính phủ Ấn Độ ngày 8/6 đã thay đổi ngôn từ. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah tuyên bố: “Mọi cuộc xâm nhập vào biên giới Ấn Độ sẽ bị trừng phạt”.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 8/6 nói: “Chính sách của Ấn Độ rất rõ ràng. Chúng tôi sẽ không gây tổn hại đến danh dự và sự toàn vẹn của quốc gia khác. Nhưng đồng thời chúng tôi sẽ không để bất cứ nước nào vi phạm toàn vẹn lãnh thổ Ấn Độ”.
Tờ Global Times của Trung Quốc ngày 9/6 dự đoán rằng “bất đồng biên giới đang xảy ra sẽ không kết thúc ngay lập tức”. Trang web chính thức của quân đội Trung Quốc sau đó đã đăng lại bài viết này.
Tờ báo hàng đầu của Ấn Độ - The Hindu - sau đó đăng bài viết đề cập: “Binh sĩ Trung Quốc rút quân hoàn toàn mới làm hài lòng Ấn Độ, chứ không chỉ dừng lại ở đàm phán giữa các nhà ngoại giao. Cần có chỉ đạo từ Bắc Kinh để quân đội Trung Quốc thực thi điều này. Nếu không Ấn Độ phải chuẩn bị cho đối đầu lâu dài và diễn tập quân sự để đảm bảo Trung Quốc rút quân”.
Khi truyền thông Trung Quốc công khai về việc triển khai quân đội nhằm khiến Ấn Độ lùi bước thì New Delhi lại hướng đến xây dựng mối liên kết quốc tế. Trong tháng 6, Ấn Độ và Australia đã ký hai thỏa thuận quân sự song phương là “bước đầu trong đẩy mạnh quan hệ quốc phòng” giữa hai nước.
Ấn Độ còn gia tăng hợp tác quốc phòng với Mỹ, bao gồm tập trận hải quân thường niên Malabar với sự tham gia của Nhật Bản.
Trung Quốc đã để ý đến diễn biến này. Tờ China Daily trong một bài viết đã đề cập: “Đối ngược với lập trường tỉnh táo của Ấn Độ và Trung Quốc, một số chính khách Mỹ dường như muốn gây xích mích giữa New Delhi và Bắc Kinh”.
Trong bài viết, tác giả cũng nhấn mạnh: “Năm 1962, sức mạnh của Ấn Độ và Trung Quốc là tương đương, nhưng ngày nay lại khác biệt khi tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc gấp 5 lần Ấn Độ”.