Bất đồng Mỹ - Israel ngày càng lớn
Hãng tin AP cho biết, Mỹ bắt đầu bày tỏ nghi ngại về tình hình nhân đạo và thương vong dân sự mà chiến dịch quân sự của Israel gây ra tại Dải Gaza.
Khi Israel phát động chiến dịch quân sự đáp trả đợt tập kích Hamas thực hiện ngày 7.10, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố bảo vệ quyền tự vệ của đồng minh, đồng thời cam kết viện trợ quân sự và cung cấp vũ khí.
Israel đặt mục tiêu xóa sổ Hamas và được Mỹ cùng nhiều nước phương Tây ủng hộ mạnh mẽ. Nhưng khi cuộc chiến kéo dài thì họ bắt đầu bày tỏ nghi ngại về tình hình nhân đạo và thương vong dân sự mà chiến dịch quân sự gây ra. Cơ quan y tế Dải Gaza báo cáo tính đến nay đã có gần 16.000 người Palestine thiệt mạng – chủ yếu là phụ nữ cùng trẻ em.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhắc nhở: “Nếu đẩy dân thường vào tay kẻ thù sẽ là thất bại về mặt chiến lược. Vì vậy tôi nhiều lần nói với giới lãnh đạo Israel rằng bảo vệ dân thường ở Dải Gaza vừa là trách nhiệm đạo đức vừa là mệnh lệnh chiến lược”.
Đến ngày 7.12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thậm chí thẳng thắn nhận định thương vong dân sự quá cao nên Israel phải tăng cường nỗ lực giảm thiểu. Ông cũng kêu gọi đồng minh cho phép nhiều viện trợ nhân đạo đi vào Gaza hơn.
Khác biệt về tầm nhìn tương lai Dải Gaza sau chiến tranh
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đầu tuần qua nhắc lại rằng, quân đội Israel sẽ duy trì kiểm soát an ninh không giới hạn với vùng lãnh thổ này. Ông bác bỏ ý tưởng để lực lượng gìn giữ hòa bình nước ngoài tiếp quản lẫn đề xuất trao lại Dải Gaza cho Chính quyền Palestine (PA) ở Bờ Tây.
Cố vấn Ophir Falk của Thủ tướng Netanyahu cho biết thêm: “Sau khi tiêu diệt Hamas thì Gaza sẽ được phi quân sự hóa và phi cực đoan hóa để không có mối đe dọa nào đối với Israel từ đây. Một vùng đệm có thể nằm trong quá trình phi quân sự hóa”.
AP dẫn lời nguồn tin tiết lộ Israel đã nói với các đồng minh phương Tây lẫn nước láng giềng về kế hoạch lập vùng đệm, tuy nhiên họ không đưa ra đề xuất chi tiết.
Loạt ý tưởng trên khiến Israel bất đồng với Mỹ. Tổng thống Biden cùng nhiều quan chức Mỹ cấp cao ngỏ ý muốn để PA đóng vai trò nào đó ở Dải Gaza, Israel phải tìm kiếm giải pháp hai nhà nước có sự tham gia của PA. Họ quyết không cho đồng minh tái chiếm đóng hay thu hẹp lãnh thổ.
Tầm nhìn của Mỹ thể hiện rõ nhất qua lời Phó tổng thống Kamala Harris cuối tuần qua: “5 nguyên tắc định hướng cách tiếp cận của chúng tôi với Gaza hậu chiến là không cưỡng bức di dời, không tái chiếm đóng, không bao vây phong tỏa, không thu hẹp lãnh thổ, không sử dụng Dải Gaza làm co sở cho khủng bố. Chúng tôi muốn thấy một Dải Gaza và Bờ Tây thống nhất dưới sự quản lý của PA, tiếng nói cũng như nguyện vọng của người Palestine phải là trung tâm của nỗ lực này”.
Nỗi thất vọng với Thủ tướng Netanyahu có thể không chỉ giới hạn ở Mỹ. Cây bút phân tích Amos Harel của nhật báo The Haaretz cho biết, các chỉ huy quân đội Israel tin rằng Thủ tướng Netanyahu bị chi phối bởi nhiều toan tính chính trị, ông từ chối đàm phán với PA vì các đồng minh cực hữu phản đối giải pháp thành lập nhà nước Palestine.
Mức độ nghiêm trọng của bất đồng
Trước mắt, Mỹ - Israel đều tập trung vào mục tiêu chung là xóa sổ Hamas. Theo cựu quan chức tình báo Israel Eldad Shavit, trong ngắn hạn Mỹ sẽ gây sức ép buộc giảm thiểu thương vong dân sự và cải thiện tình hình nhân đạo.
Washington có thể trở nên kiên nhẫn hơn khi tình hình chiến sự lắng dịu. Nhưng nếu cuộc chiến không có kết cục rõ ràng, thương vong dân sự ngày càng tăng, tình hình nhân đạo xấu đi và Tổng thống Biden chịu áp lực bầu cử năm tới thì bất đồng giữa hai nước sẽ nghiêm trọng hơn – có thể đến mức Mỹ xác định Israel trì hoãn hay phớt lờ yêu cầu của mình.
Cựu quan chức ngoại giao Israel Daniel Levy không tin Mỹ sẽ triển khai chính sách cứng rắn với đồng minh. Israel vẫn còn lựa chọn.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bat-dong-my-israel-ngay-cang-lon-210710.html