Bất động sản 'ăn theo' dự án hạ tầng
Các hạng mục quan trọng của dự án sân bay Long Thành được khởi công mở ra cơ hội lớn cho thị trường bất động sản khu vực lân cận.
Cuối tháng 8, gói thầu 5.10 (thi công nhà ga hành khách) có giá trị khoảng 35.000 tỷ đồng và gói thầu 4.6 (thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay) thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính thức được khởi công.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp có quỹ đất xung quanh sân bay, đặc biệt là các dự án đang được các cơ quan chức năng vào cuộc tháo gỡ vướng mắc pháp lý đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Một trong những dự án được đánh giá hưởng lợi từ dự án đầu tư công trọng điểm này là Aqua City, do Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) làm chủ đầu tư. Dự án này chỉ cách sân bay Long Thành khoảng 15 - 20 phút di chuyển, ở vị trí kết nối tốt với các tỉnh, thành phố lân cận, xuất hiện trên thị trường ngay đúng “điểm rơi” của nhiều dự án hạ tầng khủng được chấp thuận khởi công như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hay cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Sau thời gian vướng mắc thủ tục pháp lý, dự án Aqua City đã được khởi động trở lại. Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai có Công văn cho phép một số căn biệt thự trong tổng số 752 căn thuộc phân khu I và V của dự án được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trên thực tế, 752 căn biệt thự này từng được Sở Xây dựng Đồng Nai cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai từ năm 2020, song đến tháng 11/2022, cơ quan này hủy quyết định nói trên với lý do chủ đầu tư chưa được các tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh tài chính.
Cùng với việc hoàn tất thủ tục những căn nhà đã bán cho khách hàng, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho phép Novaland được lập và trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 song song với việc thực hiện phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu C4; tiếp tục triển khai việc đầu tư xây dựng, bán hàng đối với các hạng mục phù hợp với quy hoạch chi tiết được phê duyệt để thực hiện cam kết với khách hàng, có nguồn tiền để đầu tư các dự án, từng bước tháo gỡ khó khăn.
DIC Corp cũng là doanh nghiệp được nhìn nhận hưởng lợi lớn từ dự án hạ tầng giao thông lớn tại Đồng Nai, đặc biệt là sân bay Long Thành, nhờ sở hữu dự án Khu đô thị sinh thái Đại Phước tại Đồng Nai, quy mô 465 ha, với tổng vốn đầu tư 7.506 tỷ đồng.
Sonadezi Long Thành, chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản quy mô lớn như Khu công nghiệp Long Thành (gần 487 ha), Cụm công nghiệp Long Phước (75 ha), nhà xưởng cho thuê tại khu công nghiệp Châu Đức (51,62 ha), Khu đô thị Sona Riverview (79 ha)… cũng được nhắc đến nhiều khi nói về những doanh nghiệp hưởng lợi từ siêu dự án đầu tư công.
Ngoài những doanh nghiệp nói trên, hiện khu vực sân bay Long Thành cũng đón nhiều tập đoàn lớn đến phát triển dự án như Khu đô thị Gem Sky World của Tập đoàn Đất Xanh, Century City của Kim Oanh Group, hay Khu đô thị STC Long Thành của STC Golden Land, Khu đô thị Izumi City của Nam Long Group, Biên Hòa New City của Tập đoàn Hưng Thịnh…
Sân bay Long Thành cùng hàng loạt trục giao thông kết nối sân bay với các khu đô thị, kinh tế khác khi hoàn thành chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ ở khu vực này. Chưa kể, việc phát triển sân bay sẽ dẫn đến phát triển các dự án thành phần hỗ trợ hoạt động hàng không như kho bãi, dịch vụ và đô thị vệ tinh…, làm tăng nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu đầu tư.
Anh Trần Quang, một nhà đầu tư bất động sản cho biết, với tầm cỡ một sân bay quốc tế như Long Thành thì làn sóng đầu tư bất động sản đón đầu là dễ hiểu, tuy vậy thanh khoản của các dự án này có tốt hay không còn phụ thuộc vào lượng chuyên gia, người lao động, du khách… đổ về khi sân bay đi vào hoạt động.
Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc nhìn nhận, sở dĩ các chủ đầu tư bất động sản thời gian qua tập trung mạnh vào thị trường này xuất phát từ tầm nhìn đón đầu một xu thế. Xét ở góc độ cơ hội thị trường sắp tới, Long Thành vẫn sẽ là “vùng trũng” hút vốn đầu tư, nhưng cơ hội thật sự còn tùy thuộc vào vị trí dự án, tư duy của các nhà phát triển bất động sản.