Bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng của thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023
Các chuyên gia cho rằng, do quỹ đất công nghiệp sẵn sàng để bàn giao còn hạn chế, trong khi nguồn cầu dồi dào nên giá thuê đất công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng. Phân khúc bất động sản (BĐS) công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023 với tỷ lệ hấp thụ ghi nhận khả quan.
Nguồn cung hạn chế, giá thuê tăng
Báo cáo BĐS công nghiệp của Cushman & Wakefield cho biết, nếu như quý I/2023, thị trường BĐS công nghiệp như khu đất công nghiệp cho thuê, nhà xưởng, kho bãi... ở các tỉnh phía Nam đột ngột đi xuống, với tỷ lệ lấp đầy lần lượt giảm 8 và 11 điểm phần trăm so với cùng kỳ, thì quý II/2023 đã cải thiện rõ rệt về nguồn cầu.
Theo đó, mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại, nhưng thị trường vẫn ghi nhận nhu cầu khá lớn đối với BĐS công nghiệp ở phía Nam, với lượng hấp thụ thuần hơn 70 ha; các dự án đầu tư mới và tăng vốn như thương vụ thuê đất đến từ tập đoàn nước giải khát đa quốc gia ở Long An và tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng tại Bình Dương đã giúp cho tỷ lệ lấp đầy giữ mức ổn định ở mức 81%.
Cần công khai, minh bạch trong tổng thể quy hoạch
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường BĐS công nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, cần thông tin quy hoạch khu công nghiệp đồng bộ, công khai, minh bạch trong tổng thể bản đồ quy hoạch chung của vùng, địa phương để nhà đầu tư yên tâm nghiên cứu, nắm bắt cơ hội đầu tư. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục cấp phép, giải quyết các vướng mắc thủ tục đất đai làm kéo dài thời gian xây dựng cũng như chi phí pháp lý…
Giá chào thuê sơ cấp đất khu công nghiệp khu vực phía Nam được ghi nhận ở mức 165 USD/m2/thời hạn thuê, tăng 2,5% theo quý và tăng 10% theo năm, do nguồn cung hạn chế, trong khi chi phí đầu tư và đền bù tăng.
Với thị trường nhà xưởng xây sẵn, trong quý II, phân khúc này đón nhận nguồn cung mới khoảng 45.000 m2 từ hai dự án tại tỉnh Đồng Nai và Long An, chủ yếu bởi các chủ đầu tư trong nước, nâng tổng nguồn cung toàn thị trường lên hơn 5 triệu m2, tăng 3,3% theo quý và tăng 5,5% theo năm.
Theo Savills Việt Nam, tại thị trường miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy đất khu công nghiệp đạt 83%. Trong đó, các khu vực như Bắc Giang, Hà Nội hầu như đã được lấp đầy, trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư mới sẽ tập trung vào các tỉnh sở hữu quỹ đất cho thuê lớn, trong đó nổi bật nhất là Hải Phòng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hải Phòng dự kiến triển khai xây dựng thêm 15 khu công nghiệp, với diện tích lên tới 6.700 ha.
Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, dù thị trường bắt đầu ghi nhận chuyển biến tích cực, nhưng trong ngắn hạn, thách thức vẫn không nhỏ, nguyên nhân bởi quy trình đền bù và thủ tục pháp lý trì trệ, dẫn đến không có khu công nghiệp mới nào được ghi nhận trong quý II/2023, với tổng nguồn cung ổn định ở mức 28.000 ha diện tích đất cho thuê, tăng 1% so với cùng kỳ.
Vì thế, sẽ không có nguồn cung khu công nghiệp mới nào được ghi nhận trong 6 tháng cuối năm 2023, nhưng năm 2024 sẽ đón thêm khoảng 1.800 ha diện tích đất công nghiệp mới, tập trung ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Phát triển bền vững sẽ trở thành xu hướng bắt buộc
Theo đánh giá của chuyên gia, thị trường BĐS công nghiệp đã chứng kiến sự bùng nổ trở lại của Việt Nam sau hai năm gián đoạn vì đại dịch. Đáng chú ý, ngay sau khi biên giới mở cửa trở lại, nhà đầu tư và khách hàng quốc tế đã nhanh chóng sắp xếp các cuộc khảo sát vị trí, ký kết biên bản ghi nhớ (MOU), hợp đồng thuê và các thỏa thuận mua bán.
Thị trường BĐS công nghiệp cũng đang chứng kiến sự quan tâm từ các nhà sản xuất toàn cầu với nhu cầu đầu tư lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng xanh, logistic.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam cho hay, về xu hướng trong tương lai, khách thuê đã bắt đầu có xu hướng ưu tiên hơn đối với các dự án được phát triển bền vững và chú trọng vào năng lượng tái tạo. Thực tế ngày càng nhiều dự án BĐS công nghiệp được đăng ký và có chứng nhận LEED tại Việt Nam.
Tính đến quý III/2023, hàng loạt dự án BĐS công nghiệp đã đăng ký cấp chứng nhận LEED, như: Core5, Hải Phòng; Logos, Bắc Ninh; RBW tại khu công nghiệp Phú Tân, Bình Dương; RBW tại khu công nghiệp Xuyên Á, Long An… Như các lĩnh vực thương mại khác, việc phát triển bền vững cũng sẽ trở thành xu hướng bắt buộc của BĐS công nghiệp.
Còn theo ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển bất động sản EZ, trong bối cảnh tình hình thế giới đang còn nhiều biến động, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự kiểm soát tốt về dịch bệnh, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững. Đối với một quốc gia sở hữu những ưu thế như vậy, việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường BĐS công nghiệp là hoàn toàn phù hợp.
Điều này cũng mở ra những “điểm sáng” trong xây dựng các đô thị dân sinh ven khu công nghiệp. Với những lợi thế về tạo lập không gian sống và làm việc trong một, loại hình khu đô thị công nghiệp hứa hẹn trở thành một trong những xu hướng BĐS bền vững nhất, được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới chú trọng khi đầu tư vào các BĐS công nghiệp, trong đó có Việt Nam.
Ông Phạm Đức Toản nhận định, sự hưởng lợi từ gói chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ gần 350 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư công vào tất cả các ngành nghề nhằm hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2 năm 2022 - 2023. Trong đó, nhóm đầu tư hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn sẽ tiếp tục tạo ra nhiều khu kinh tế trọng điểm trong xu thế chuyển dịch các cơ sở công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia sẽ kéo theo phát triển phân khúc BĐS công nghiệp trong thời gian tới.