Bất động sản công nghiệp Việt Nam tiếp tục đón sóng đầu tư mới
Bất động sản (BĐS) công nghiệp Vệt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong vòng 5-10 năm tới với làn sóng đầu tư mới, đồng thời mở ra cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là những nhận định chính được các chuyên gia, chủ đầu tư… khẳng định tại Diễn đàn 'BĐS công nghiệp Việt Nam 2020' diễn ra tại TP. Hồ chí Minh sáng 28/10/2020.
Triển vọng BĐS công nghiệp và cơ hội cho Việt Nam
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc Bộ phận tư vấn kinh doanh văn phòng và BĐS công nghiệp Công ty CBRE Việt Nam - đã đưa ra một bức tranh khá toàn cảnh về triển vọng của lĩnh vực này trong những năm gần đây. Cụ thể, diện tích thuê lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) phía Bắc khá tốt (trên 74%) còn phía Nam tỷ lệ lấp đầy cao hơn nữa.
Mảng nhà xưởng và kho bãi xây sẵn cũng đang phát triển mạnh trong 2-3 năm qua. Khu vực phía Bắc tổng nguồn cung kho và nhà xưởng xây sẵn đạt trên 3 triệu m2. Khu vực phía Nam tổng nguồn cung đạt trên 5 triệu m2 cả kho và xưởng.
Giá thuê kho và nhà xưởng có sự tăng trưởng tốt trong 2-3 năm vừa qua. Giá đất KCN cho thuê đã tăng từ 20-30% (70-80 USD/kỳ hạn thuê 50 năm) nay tăng lên 100 USD/kỳ hạn thuê. Về mức giá thuê của kho và xưởng đã được xác lập mặt bằng giá mới từ 3,5 USD/m2/tháng trước đây nay tăng trên 4 USD/m2/tháng.… Điều đó cho thấy một nguồn cầu rất tốt trong 2-3 năm qua đối với BĐS công nghiệp. Đóng góp vào sự tăng trưởng đó phải nói đến vai trò của Chính phủ và các Bộ ngành đã xây dựng hạ tầng sân bay, đường cao tốc, cảng biển rất lớn để hỗ trợ phát triển hạ tầng KCN.
Theo đánh giá của CBRE, hiện không chỉ có xu hướng đầu tư mới vào BĐS công nghiệp tại Việt Nam đang gia tăng mà còn có xu hướng mở rộng sản xuất của các DN đang làm ăn tại Việt Nam như LG, Samsung, Intel, mảng F&B, thức ăn hăn nuôi… Hiện Việt Nam còn là thị trường lớn trên 100 triệu dân với sức tiêu thụ tốt nên đây cũng là cơ hội rất lớn cho các nhà sản xuất nước ngoài đang làm ăn tại đây cũng như các nhà đầu tư mới.
Dự báo của các chuyên gia, nhà đầu tư tại Diễn đàn “BĐS công nghiệp Việt Nam 2020” về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay thì kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, và sẽ tăng trưởng kép nếu nền kinh tế Mỹ phục hồi vì sẽ có làn sóng đầu tư vào Việt Nam.
Theo phân tích của ông C.K Tong - CEO Công ty BW Industrial: Hiện đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy của các chú “ong chúa” như LG, Samsung, Apple…. từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tạo nên cơ hội lớn cho Việt Nam. Đơn cử, chỉ riêng “ong chúa” Samsung dịch chuyển đã đưa 250 nhà cung cấp của Samsung đến Việt Nam. Tuy nhiên điều này sẽ đặt ra thử thách cho Việt Nam phải đưa ra những ưu đãi, hỗ trợ để thu hút những nhà cung cấp nhỏ hơn đến đầu tư vào Việt Nam vì họ sẽ phải cân nhắc các vấn đề đất để xây dựng máy, thủ tục giấy tờ, nguồn nhân lực và trên hết là họ phải tính toán tỷ suất lợi nhuận có tốt hơn khi vào Việt Nam hay không.
Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư BĐS công nghiệp đã đầu tư các nhà kho, nhà xưởng xây sẵn để đón đầu làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp vệ tinh khi họ đến Việt Nam. "Đơn của như BW Industrial hiện đã có 21 dự án với 1,2 triệu m2 nhà xưởng và nhà máy, nhà kho trên toàn quốc với trên 100 doanh nghiệp thuê trên khắp Việt Nam và có sự phản hồi rất tốt. Trong số đó, 60% khách thuê là các công ty quốc tế, còn 40% là khách Trung Quốc và nội địa", ông C.K Tong cho biết thêm.
Dịch chuyển sản xuất và cơ hội phát triển chuỗi cung ứng của Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Tuấn - đại diện Samsung Việt Nam - chia sẻ: Việc dịch chuyển sản xuất của các “ong chúa” như Samsung sang Việt Nam trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Tuấn cho biết, tính đến năm 2020, Samsung đã tiếp cận với 1.161 doanh nghiệp Việt Nam và xây dựng được mạng lưới với 240 doanh nghiệp tiềm năng cho công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng có rất nhiều gửi gắm đến các doanh nghiệp Việt Nam vì Samsung cần cả một chuỗi cung ứng đảm bảo không đứt gãy chứ không phải 1 - 2 nhà cung ứng. Vì vậy đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, môi trường hay con người theo tiêu chuẩn của Samsung.
Một trong những doanh nghiệp nội địa hàng đầu đã đón đầu cơ hội dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam và tận dụng cơ hội chủ động đầu tư phát triển chuỗi cung ứng là Thaco Trường Hải.
Ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Thaco Trường Hải - phân tích: Với chiến lược tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ năm 2003 Thaco đã đầu tư 3,5 tỷ USD cho KCN Thaco Chu Lai với tổng diện tích trên 1.200ha. Đây được coi là trung tâm công nghiệp ô tô và logistics tập trung thuộc Top đầu của ASEAN. Cụ thể Thaco đã đầu tư các KCN chuyên ngành như KCN cơ khí và ô tô; KCN chuyên nông lâm nghiệp; trường cao đẳng nghề để đào tạo nguồn nhân lực… Không chỉ thu hút các nhà đầu tư vào các KCN chuyên ngành, Thaco còn đi đầu trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực ô tô. Hiện riêng mảng ô tô Thaco bán gần 750 ngàn xe, tỷ lệ nội địa hóa cao, riêng xe bus nội dịa hóa hơn 60%. Hiện Thaco đã tham gia xuất khẩu các sản phẩm ô tô và linh kiện phụ tùng sang thị trường khu vực và thế giới.
Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Báo cáo đầu tư toàn cầu năm 2020 của Liên hợp quốc dự báo, đại dịch Covid-19 có thể làm dòng vốn đầu tư giảm tới 40% trong năm 2020 từ mức 1,54 ngàn tỷ USD ghi nhận vào năm 2019, và có thể giảm tiếp 5-10% vào năm 2021. Trong bối cảnh đó, Việt Nam lại trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút vốn đầu tư FDI với các dòng vốn chảy mạnh từ các nền kinh tế châu Á, Hoa Kỳ và nội khối ASEAN.