Bất động sản đang nóng dần?
Đã qua quý I/2023 nhưng thị trường bất động sản vẫn trong tình trạng trầm lắng. Tuy nhiên, nhiều thông tin tích cực như ngân hàng hạ lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội chính thức triển khai… được kỳ vọng sẽ kích thị trường nhà đất tan băng.
Giao dịch nhích lên
Thời điểm này, trên cả thị trường truyền thống và thị trường trực tuyến, người ta bắt đầu chứng kiến cảnh người dân hò nhau mua nhà, mua đất.
Trên trang cá nhân của mình, anh Nguyễn Thành Luân, môi giới bất động sản (chuyên hoạt động khu vực quận Hà Đông, quận Đống Đa, Hà Nội) vừa đăng tin: “Lãi suất hạ rồi, nhanh tay chốt nhà, chốt đất đi anh chị ơi”.
Còn anh Vũ Anh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, anh đang có ý định mua một căn chung cư ở khu vực Long Biên, căn hộ đang được rao bán 2,65 tỷ đồng, nội thất đầy đủ.
“Trước đây 3 tháng căn hộ này còn rao bán 2,8 tỷ đồng, bây giờ đã hạ nhiệt. Tôi đang phân vân không biết nên xuống tiền ngay hay là chờ thêm một thời gian nữa” -anh Vũ Anh Nói. Còn chị Nguyễn Thùy Linh (Linh Đàm – Hà Nội) cho biết, chị vừa đặt cọc 100 triệu đồng để mua một căn nhà 55 m2 trên đường Hồng Tiến - quận Long Biên – Hà Nội. “Tôi thấy giá hợp lý nên phải đặt cọc ngay, sợ để lâu giá lại tăng lên”- chị Linh nói.
Như vậy, dường như thị trường bất động sản đã qua thời điểm trầm lắng nhất. Những tháng đầu năm 2023, phân khúc chung cư được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn cả. Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm mua căn hộ tăng 64% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia ngành bất động sản cho rằng, thực chất, các nhà đầu tư hiện đang rất muốn mua bất động sản, do nhiều sản phẩm đang giảm giá 10 - 30%, cùng đó các chủ đầu tư cũng đưa ra nhiều ưu đãi nên thị trường hấp dẫn lên. “Có những dự án tôi thấy chỉ cần thanh toán 15%, còn lại được hỗ trợ về lãi suất, 3 năm sau nhận nhà. Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn đang cân nhắc vì chưa biết thị trường bất động sản đã chạm đáy hay chưa?” - ông Quang cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian tới thị trường địa ốc ngóng chờ các Luật mới có hiệu lực, được xem là nền tảng cho quá trình phục hồi. Trên cơ sở các Luật hiện hành, để tháo gỡ vướng mắc pháp lý, các bộ, ngành sẽ khẩn trương trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định quan trọng trong tháng 2 và tháng 3 năm nay cùng với Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản là tin tốt cho thị trường. Theo ông Châu, dự kiến từ quý III/2024, với sự bổ sung nhiều Luật mới, các khó khăn sẽ được tháo gỡ dứt điểm, từ đó tác động các hiệu ứng tích cực lên thị trường bất động sản.
Những đòn bẩy từ phía nhà quản lý
Dữ liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng bất động sản 3 tháng đầu năm tăng chậm chủ yếu là do cầu tín dụng tiêu dùng (vay mua nhà) hầu như không tăng do lãi suất cao, trong khi nhu cầu vay của doanh nghiệp (DN) bất động sản vẫn rất lớn.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, thị trường cần một “điểm nổ” để có thể bật dậy. Thị trường đang chờ đợi những chính sách cụ thể, tác động trực tiếp vào hoạt động mua - bán như gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng được kích hoạt, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 15-16% hoặc cao hơn...
Ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) phân tích, nguồn cung sản phẩm nhà ở vừa túi tiền là quan trọng nhất, mà để tăng nguồn cung thì thủ tục cấp phép dự án phải nhanh và việc hỗ trợ tạo quỹ đất là cực kỳ quan trọng. Mọi vấn đề sẽ được giải quyết khi thủ tục pháp lý được thông thoáng, thuận lợi hơn. Khi đó, DN có cơ sở bán sản phẩm ra thị trường để thu tiền từ khách hàng. Đồng thời, DN cũng đủ điều kiện cho vay để có dòng tiền giải quyết những khó khăn.
Cũng theo ông Phúc, những động thái của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thời gian qua đã tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường bất động sản, phần nào lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư và DN. Tuy nhiên, để các giải pháp sớm được hiện thực hóa, ngoài nỗ lực của DN, cơ quan quản lý nhà nước cần phải quyết liệt hơn nữa.
Nêu quan điểm của mình, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, các chính sách vĩ mô của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai sẽ giúp DN bất động sản cầm cự, có thêm thời gian để tái cấu trúc sản phẩm. “DN cần nghiên cứu đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình. Nhà ở xã hội chính là sản phẩm tạo ra sự bền vững, ổn định lâu dài” – ông Đính nói.
Theo giới chuyên gia ngành địa ốc, việc tháo gỡ vướng mắc về pháp lý khi các Luật định được ban hành, nguồn room tín dụng mới cùng với động thái chỉ đạo quyết liệt hỗ trợ bình ổn thị trường bất động sản từ Chính phủ… sẽ là những lực đẩy để phá tan sự ảm đạm của thị trường bất động sản. Có thể nói, thị trường bất động sản đang được mở lối để thoát hiểm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tạo thuận lợi cho các DN và tạo hành lang pháp lý thông thoáng để dự án có thể thực hiện nhanh chóng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho DN và tăng lợi ích của người tiêu dùng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” vào kỳ họp tháng 5 năm 2023; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án bất động sản; Nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở xã hội nói riêng và thị trường bất động sản nói chung, nhất là nhà ở cho người dân có thu nhập trung bình, người có nhu cầu ở thật.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bat-dong-san-dang-nong-dan-5714038.html