Bất động sản không còn dành cho nhà đầu tư ngắn hạn
Trước việc một số nhà đầu tư bất động sản thua lỗ trong các cơn sốt đất vừa qua, các chuyên gia cho rằng, chưa thấy bất cứ nhà đầu tư bất động sản dài hạn nào thua lỗ, nếu thua lỗ là do theo phong trào hoặc đầu tư kiểu 'ăn xổi' ngắn hạn.
Mặc dù vậy, trải qua một số cơn sốt đất tại những khu vực được coi là khu hành chính kinh tế đặc biệt hay địa phương có tiềm năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Thực tế, vẫn có nhiều nhà đầu tư ôm “quả đắng” khi "xuống tiền" ôm BĐS...
“Trồng phong trào, gặt trái đắng”
Cho đến nay, “trái đắng” từ cơn sốt đất Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn vẹn nguyên và là bài học nhãn tiền với các nhà đầu tư. Trong cơn men say giá đất tăng phi mã khi Chính phủ có chủ trương quy hoạch 3 vùng này thành khu hành chính kinh tế đặc biệt, các nhà đầu tư đã không tiếc tay xuống tiền. Thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư ôm được số lãi khổng lồ có khi chỉ sau 1 đêm hoặc vài ngày, vài tuần. Nhưng cũng có những nhà đầu tư hứng chịu tất cả sự xuống dốc không phanh của giá đất những nơi này khi Quốc hội dừng thông qua Luật Hành chính kinh tế đặc biệt.
Chị Đỗ Thị Bích Lan (Hoàng Mai, Hà Nội), người rút chân chậm ra khỏi vũng lầy cơn sốt vẫn còn chưa hết “đắng” khi hàng chục tỷ đồng đổ vào đất Phú Quốc, nay mảnh đó cũng chỉ còn vài tỷ đồng.
Hay như câu chuyện cơn sốt đất tại ngoại thành Đà Nẵng năm 2019 cũng để lại hậu quả nặng nề cho nhà đầu tư chậm rút chân ra khỏi vũng lầy, khi giới đầu cơ đẩy thông tin sắp xây dựng trường đua ngựa.
Tương tự, các cơn sốt đất tại Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu hay Thạch Thất (Hà Nội) mới đây cũng tạo nên một phong trào đầu tư rầm rộ của người dân chạy theo thông tin giới đầu cơ đẩy lên. Sau khi chính quyền các địa phương vào cuộc, các cơn sốt đất theo phong trào mới lắng xuống. Và cũng chính sau khi cơn sốt dứt, giới đầu cơ rút đi, người cuối cùng hứng chịu giá đất phải mua cao ngất ngưởng chính là người đầu tư cuối cùng.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng, về lâu dài bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn nhất và có khả năng sinh lời cao nhất. Trong thời gian qua, không thấy bất cứ nhà đầu tư nào thua lỗ, nếu thua lỗ chẳng qua là theo phong trào.
Theo ông Quyết, phong trào ở đây có nghĩa là nhiều người đầu tư vào rồi muốn rút ra ngay, đầu tư ngắn hạn rồi rút tiền ra ngay chắc chắn sẽ thua lỗ. Nếu rút ra như vậy 90% là thất bại.
Ông Quyết đơn cử, nhà đầu tư thường quan sát địa phương không theo phong trào thì đều thành công. Còn thất bại có thể kể đến câu chuyện Vân Đồn, Phú Quốc, Nha Trang…
“Thời gian qua, đầu tư ở Hà Nội hay TP.HCM, dù vùng ven đều có hiệu quả, còn nếu theo phong trào như nói ở trên thì rút vốn ra còn khó chứ đừng nói đến hiệu quả” ông Quyết nhấn mạnh.
Bất động sản vẫn là kênh sinh lời
Chia sẻ quan điểm về kênh đầu tư trên thị trường, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land cho rằng, đối với bất cứ kênh đầu tư nào cũng có những rủi ro. Với bất động sản, có nhiều nhà đầu tư bất động sản chịu thua lỗ do vào thị trường "không đúng thời", hoặc không tìm hiểu kỹ thị trường. Nhưng không thể phủ nhận một điều, rất nhiều người "phất lên" nhờ đầu tư vào bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, đầu tư ngắn hạn thì chắc chắn dù vào thị trường thời điểm nào cũng thiếu bền vững, dễ rủi ro, thất bại theo kiểu "được ăn cả ngã về không".
Còn về trung và dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư sinh lời tốt nhất, an toàn nhất và có dư địa lớn nhất. Về yếu tố sinh lời thông qua giá trị, thị trường bất động sản trong suốt nhiều năm qua, chưa có cuộc khủng hoảng nào mà bất động sản giảm giá. Ngược lại, bất động sản vẫn tăng đều, bình quân từ 5-7%.
Cùng ở góc nhìn trên, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, đầu tư bất động sản không nên theo phong trào, nên đầu tư trung và dài hạn và hãy đầu tư vào nỗi sợ hãi của thị trường.
Theo thống kê của JLL Việt Nam, số lượng người sở hữu 1 triệu USD tại Việt Nam có khoảng trên 1.000 người, trong đó hơn một nửa liên quan đến kinh doanh bất động sản. Có thể nói rất nhiều người giàu lên từ bất động sản.
Ở lĩnh vực bất động sản, ông Quang chia sẻ, trong ngắn hạn cần cẩn trọng nếu lướt sóng đầu tư bởi trong khoảng 12 - 18 tháng tới, thị trường tương đối khó khăn. Hiện BĐS không còn dành cho nhà đầu tư ngắn hạn, kiếm tiền không bền vững thì rất nhanh mất cả vốn lẫn lãi. Nhà đầu tư cần cần nhớ rằng BĐS là cuộc chơi của trung và dài hạn.
“Tôi cho rằng, hãy đầu tư vào nỗi sợ hãi của thị trường. Thị trường sợ hãi nhất điều gì chúng ta đầu tư vào đấy, chứ không nên đầu tư theo phong trào”, ông Quang nhấn mạnh.