Bất động sản khu công nghiệp tiếp tục dẫn dắt thị trường

Báo cáo thị trường quý III/2023 của Bộ Xây dựng đánh giá, trong thời gian qua, vẫn tiếp tục xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam, khiến nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp tăng trưởng tích cực.

Một góc khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (VSIP II) tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đức Tuấn

Một góc khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (VSIP II) tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đức Tuấn

Nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp tăng trưởng tích cực

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, trong 9 tháng năm 2023, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI với số vốn hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2022. Diễn biến này cùng với xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam khiến nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp tăng trưởng tích cực.

Trong quý III/2023, phân khúc này được bổ sung nguồn cung từ một số dự án khởi công mới như: VSIP II quy mô 500ha tại Nghệ An; VSIP Cần Thơ quy mô 900ha; VSIP Bắc Ninh II quy mô 282ha, Khu công nghiệp Gia Bình II quy mô 250ha tại Bắc Ninh; Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành quy mô 410ha tại Đồng Nai…

Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở mức 85 - 90% đối với cả đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn. Tỷ lệ giao dịch đất công nghiệp tăng khoảng 5,9% so với quý trước, tính chung 9 tháng cao hơn 20% so với cả năm 2022.

Giá cho thuê bình quân tại các khu công nghiệp trong quý III cơ bản ổn định so với quý II. Giá thuê đất công nghiệp trung bình tại các thị trường cấp 1 ở miền Nam đạt 189 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng nhẹ 1% so với quý trước và cao hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý III/2023, Tổng công ty Viglacera ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.471 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ nhờ doanh thu mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp tăng mạnh. Doanh nghiệp báo lãi sau thuế ở mức 434 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Tổng công ty Sonadezi cũng ghi nhận doanh thu trong quý III/2023 đạt 1.299 tỷ đồng, đóng góp chính vẫn là mảng kinh doanh khu công nghiệp. Lợi nhuận gộp của Sonadezi tăng 12% so với cùng kỳ, lên mức 480 tỷ đồng.

Báo cáo “Đánh giá tiến trình phục hồi thị trường bất động sản quý III/2023 và dự báo thị trường quý IV/2023” của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho thấy, thanh khoản quý III đã cải thiện so với cuối năm 2022 và những tháng đầu năm. Thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều "điểm sáng" tại các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…

Chuyên gia Kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, dù thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng bền vững. Nguyên nhân là do nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư, nhất là công nghiệp.

Ngoài ra, chính trị - xã hội của nước ta ổn định bền vững và được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Luật pháp của Việt Nam cũng thông thoáng, việc cải thiện môi trường đầu tư, chính sách đối với đầu tư nước ngoài của Việt Nam ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế đáp ứng đòi hỏi đầu tư lâu dài. Điều quan trọng là giá thành cũng cạnh tranh so với các nước.

Bất động sản khu công nghiệp phía Bắc đón nhiều nhà đầu tư lớn

Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất và chế biến ghi nhận đạt 8,4 tỷ USD, chiếm 63% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023. Có 379 dự án mới có vốn đăng ký cấp mới là 5,4 tỷ USD. Trong số 345 dự án hiện hữu, có 225 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 2,1 tỷ USD.

Trong đó, miền Bắc thu hút đầu tư lớn nhất với 3,4 tỷ USD tương đương 63% dự án đầu tư sản xuất đăng ký mới. Trong khi đó, miền Nam đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tưng ứng 27% dự án. Về số dự án, miền Bắc cũng giữ vị trí đầu tiên với 238 dự án mới, miền Nam ghi nhận 122 dự án và 19 dự án tại miền Trung.

Về các quốc gia có mức đầu tư vào Việt Nam lớn nhất, có thể kể đến Singapore với 25% tổng vốn đầu tư trị giá 1,4 tỷ USD. Trung Quốc có tổng vốn đầu tư lớn thứ hai, chiếm 23% vốn đầu tư.

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 8/2023, tăng từ mức tăng 2,3% của một tháng trước đó, đánh dấu tháng tăng trưởng sản lượng công nghiệp thứ tư liên tiếp và có tốc độ tăng nhanh nhất. Sản lượng tăng thêm 3,5%, tăng từ mức 2,9% trong tháng 7.

Trong năm 2023, Việt Nam có 397 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất là 122.900ha. Trong đó, 292 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất hơn 87.100ha; 106 khu công nghiệp khác đang được xây dựng với tổng diện tích đất 35.700ha.

Các khu công nghiệp trên toàn quốc có tỷ lệ lấp đầy trên 80%, trong đó, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 83% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 91%.

Khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc ghi nhận 68 dự án khu công nghiệp với diện tích đất cho thuê đạt 12.000ha. Giá đất cho thuê tăng ở mức 30% theo năm, đạt trung bình 138 USD/m2/chu kỳ thuê.

Sức mua bất động sản công nghiệp không hề giảm nhiệt cho dù thị trường còn khó khăn cho thấy tiềm năng bền vững của phân khúc này. Đáng chú ý, theo khảo sát thị trường của nhiều đơn vị bán hàng, bên cạnh hạ tầng khu công nghiệp, dòng sản phẩm bất động sản phụ trợ, logictic cho các khu công nghiệp đang ngày càng được nhà đầu tư ưa chuộng.

Bắc Giang là tỉnh ghi nhận lượng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới trong sản xuất lớn nhất cả nước với 1,06 tỷ USD, tương đương 20% lượng vốn đầu tư. Tiếp theo là Bình Phước với 11% tổng vốn đăng ký trị giá 577 triệu USD và Bắc Ninh đứng thứ ba với 9% tổng vốn đăng ký trị giá 486 triệu USD.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Hòa Yên, tỷ lệ 1/2.000 với tổng diện tích khoảng 260ha. Tương tự, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định thành lập cụm công nghiệp Điềm Thụy với mức vốn đầu tư trên 526 tỷ đồng, có diện tích 44ha.

Nhóm khách thuê chính tại khu vực phía Bắc là các khách thuê trong lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, bao gồm: điện tử và máy vi tính, ô tô, máy móc và thiết bị và sản xuất liên quan đến năng lượng mặt trời với các khách thuê là các tập đoàn quy mô lớn như: Samsung, LG Electronics, Foxconn, Canon, Hyundai, Honda và Vinfast.

Đánh giá về vấn đề này, ông Thomas Rooney - Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Tư vấn Công Nghiệp, Savills Hà Nội nhận định, khu kinh tế phía Bắc sở hữu vị trí chiến lược, tiếp cận tốt tới các thị trường trong nước và quốc tế. Trong 5 năm vừa qua, hạ tầng tại khu vực này có những bước cải thiện rõ rệt với hàng loạt dự án cao tốc nối liền ba cảng chính, bao gồm Cảng Hải Phòng, Cảng Nước sâu Lạch Huyện, Cảng Cái Lân.

Thêm vào đó, khu kinh tế phía Bắc sở hữu quỹ đất lớn, đáp ứng nhu cầu về diện tích của các khách thuê hoạt động trong lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, tạo sức hút nhiều dự án đầu tư lớn về lắp ráp ô tô, linh kiện điện từ và sản phẩm năng lượng mặt trời.

“Khu vực Kinh tế phía Bắc được xem là lợi thế lớn cho các nhà đầu tư, không chỉ tận dụng được một trong những tuyến xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam qua Hải Phòng mà còn có thể thuận lợi di chuyển hàng hóa phục vụ các thị trường lân cận” - vị chuyên gia cho hay.

Báo cáo tiêu điểm thị trường bất động sản công nghiệp 2023 của Savills Việt Nam, trong nửa đầu năm 2023, phía Bắc ghi nhận 68 dự án Khu công nghiệp với tổng diện tích lên tới 12.000ha. Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 83%, tăng từ 81% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê đất trung bình đạt 138 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng từ mức 102 USD/m2/chu kỳ thuê.

Phú An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//bat-dong-san-khu-cong-nghiep-tiep-tuc-dan-dat-thi-truong-359710.html