Bất động sản khu vực Bắc Trung Bộ: Khách hàng ồ ạt bỏ cọc vì 'trót' đấu giá quá cao
Sau thời gian sốt đất nền tại các khu vực vệ tinh, thời điểm này, thị trường bất động sản ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều giao dịch bị 'bỏ cọc', một số phiên đấu giá đất có ít người tham gia.
Bỏ cọc đất “vàng”
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư - Xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều khách hàng trúng đấu giá quyền sử dụng đất, song sau đó bỏ cọc bởi không đủ khả năng tài chính.
Cụ thể, 50 lô đất nằm ở vị trí ven biển, thuộc khu dân cư Mũi Lò Vôi ở xã Kim Thạch đã đấu giá, bị bỏ cọc tới 12 lô. UBND huyện Vĩnh Linh đã quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 12 lô nói trên.
Trước đó, cũng xảy ra hiện tượng bỏ cọc đối với các lô đất đấu giá vượt sàn tại một số địa điểm thuộc TP. Đông Hà, huyện Cam Lộ và một số địa điểm thuộc các huyện miền núi của Quảng Trị. Ví dụ như lô đất ký hiệu A6.11 có diện tích 200 m2 ở Khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo (Đông Hà), có giá khởi điểm hơn 1,5 tỷ đồng, được bà Hoàng Thị Gái đấu trúng với giá hơn 3,5 tỷ đồng, cao gấp đôi so với giá khởi điểm; lô đất ký hiệu 156, có diện tích 180 m2 ở Khu tái định cư Bắc sông Hiếu có giá khởi điểm hơn 1,7 tỷ đồng, được ông Phạm Văn Thiện đấu trúng với giá hơn 3,7 tỷ đồng, cao gấp đôi giá khởi điểm; lô đất ký hiệu 197 có diện tích 182 m2 ở Khu tái định cư Bắc sông Hiếu, giá khởi điểm gần 1,9 tỷ đồng, được ông Nguyễn Duy Tăng (phường 5, TP. Đông Hà) đấu trúng với giá hơn 4,5 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với giá khởi điểm…
Thị trường bất động sản khu vực miền Trung đi vào thực chất hơn, chỉ những người có nhu cầu thực mới mua đất, không còn hiện tượng đầu cơ, gây nhiễu loạn.
Đến thời hạn, nhưng bà Gái, ông Thiện, ông Tăng không nộp đủ tiền, đồng nghĩa với việc những người này bỏ luôn số tiền đặt cọc hơn 10%.
Thời gian qua, đặc biệt là những tháng đầu năm 2022, trên địa bàn các huyện Cam Lộ, Gio Linh, TP. Đông Hà liên tiếp xuất hiện tình trạng đất vùng ven, cạnh các dự án lớn sốt xình xịch.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tại thời điểm đó, UBND tỉnh đã có những động thái cứng rắn, huy động lực lượng chuyên ngành để dẹp tình trạng “cò” đất thổi giá cạnh các dự án lớn.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường quản lý các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, đảm đảm việc đưa dự án vào kinh doanh, chuyển nhượng phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản; công bố công khai thông tin quy hoạch xây dựng, tiến độ triển khai các dự án nhà ở. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ bất động sản, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng...
Địa phương lân cận là Quảng Bình cũng có hiện tượng tương tự, các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất không còn sôi động như trước. Không ít khách hàng bỏ cọc vì không đủ khả năng tài chính, trong khi việc vay vốn từ ngân hàng khó khăn. Có người bỏ cọc vì nhận thấy giá quá cao so với thực tế. Tình trạng sốt đất đã lắng xuống.
Thị trường đi vào thực chất hơn
Ông Hoàng Văn Giáp, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, trong thời gian hoạt động giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản tại địa phương diễn ra sôi động, thì cũng phổ biến việc khai sai giá đất, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước. Chi cục Thuế đã khẩn trương ban hành nhiều văn bản về việc phối hợp xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản và tăng cường công tác tuyên truyền người dân kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản.
Sau 4 tháng siết chặt quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh bất động sản, đến tháng 8/2022, có 799 trường hợp tại Quảng Bình phải kê khai bổ sung. Trong đó, TP. Đồng Hới 406 trường hợp, huyện Quảng Ninh 393 trường hợp...
Tại Nghệ An, thống kê từ các sàn môi giới bất động sản cho thấy, hiện nay số lượng các giao dịch giảm nhiều. Trong đó, với phân khúc đất đấu giá, ngoại trừ một số phiên đấu giá cuối tháng 3 và tháng 4 (thời điểm sốt đất), thì từ tháng 5 trở lại đây, các giao dịch mua bán giảm hẳn, khi các thông báo đấu giá đất có ít người mua hồ sơ hơn và các lô đất đấu giá thành chỉ tăng 5 - 7% so với bước giá khởi điểm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Nghệ An, kết quả các phiên đấu giá tại một số huyện gần đây cho thấy, thị trường đất đấu giá đã giảm nhiệt, xu hướng đi ngang thay vì tăng cấp số nhân so với giá khởi điểm trước đây.
Đơn cử, tại TP. Vinh, mới đây đưa 112 lô ra đấu giá, chỉ bán được 13 lô, còn lại 89 lô phải tiếp tục đấu trong thời gian tới.
Hiệp hội Bất động sản tỉnh Nghệ An cho rằng, tâm lý nhà đầu tư bất động sản đang khá thận trọng. Hiện tại, mặc dù số giao dịch giảm, nhưng các lô đất có vị trí quy hoạch đẹp, gần đường giao thông vẫn có người mua và giá vẫn cao.
Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư đánh giá, thị trường đi vào thực chất hơn, chỉ những người có nhu cầu ở thực mới mua đất, không còn hiện tượng đầu cơ, gây nhiễu loạn. Giá cả vì vậy cũng hợp lý, phản ánh đúng thị trường.
“Trước kia, khi giá đất tăng cao, nhiều người tìm cách "lướt sóng", nên người ôm đất sau cùng hầu hết là người địa phương. Không ít người đã cầm cố cả sổ đỏ, nhà cửa, thậm chí vay lãi cao để "lướt" bán kiếm lời. Đa phần trường hợp mua xong không bán được, những người đầu tư theo đám đông ôm một gánh nợ”, một người dân tại Đồng Hới cho biết.