Bất động sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương mùa Covid-19 ra sao?
Nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng trong cơn đại dịch Covid-19. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm nay. Thế nhưng, riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì ra sao?
Đầu tư giảm mạnh
Theo IMF đây là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, với khối lượng giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư giảm 36% ở châu Mỹ và 19% ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Gita Gopinath - nhà kinh tế trưởng IMF nhận định, những thiệt hại tích lũy trong năm 2020 và 2021 đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 12.500 tỉ USD.
Theo báo cáo của Savills, ngành Công nghiệp du lịch đã ngừng hoạt động trong nhiều tháng bởi các biện pháp đóng cửa của Chính phủ, các khách sạn đã giảm đầu tư 59% trong nửa đầu năm nay, sau đó là sự sụt giảm 41% đối với tài sản bán lẻ. Trong khi đó, phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở khá hơn.
Một trong những điểm sáng trong báo cáo của Savills là mức tăng 105% của hoạt động đầu tư bất động sản dân cư tại châu Á, trong đó động lực chính tới từ thương vụ Blackstone Group mua hàng loạt căn hộ tại Nhật Bản từ Anbang Insurance Group với giá trị gần 3 tỷ USD.
Khối lượng đầu tư nửa đầu năm ở châu Á - Thái Bình Dương giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó quý II giảm 39% và quý I giảm 26%. Theo báo cáo về hoạt động đầu tư bất động sản châu Á - Thái Bình Dương của Jones Lang LaSalle (JLL), những tác động đầy đủ của đại dịch Covid-19 đối với thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương đã rõ nét trong quý II/2020. Trong nửa đầu năm nay, lượng đầu tư và giá cho thuê giảm ở hầu hết các loại tài sản thương mại.
Singapore và Hong Kong là hai khu vực có vốn đăng ký đầu tư giảm mạnh nhất trong khu vực, lần lượt giảm 68% và 65% so với cùng kỳ. Các thị trường khác cũng ghi nhận mức giảm đáng kể: Úc giảm 58%, Hàn Quốc giảm 45%, Nhật Bản giảm 20% và Trung Quốc giảm 15%.
Ông Stuart Crow - Giám đốc bộ phận Thị trường vốn khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho biết, sự sụt giảm đáng kể các giao dịch trong quý II là do thị trường thiếu hụt những tài sản sẵn sàng để bán và sự không chắc chắn về thời gian phục hồi của các nền kinh tế. Thanh khoản vẫn rất cao và dòng vốn đầu tư sẽ tăng trở lại khi các nền kinh tế mở cửa, cùng theo đó là mức giá sẽ được điều chỉnh ở một số thị trường.
Phân khúc cho thuê chững trùng và thụt giảm
So với quý trước đó, giá thuê văn phòng tại quận trung tâm Hong Kong đã giảm 9,3%, Bắc Kinh 4,1%, Melbourne 3,9%, Sydney 3,5% và Singapore giảm 3,3% trong bối cảnh người lao động tìm việc ngày càng tăng và nhu cầu thuê lại suy yếu. Một số thị trường văn phòng tại khu vực trung tâm Osaka và Seoul vẫn ghi nhận giá thuê tăng 1% đến 2%.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện lệnh giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. Nhiều biện pháp khắt khe đã được thực hiện để đối phó với đại dịch và có thể sớm mở cửa lại nền kinh tế. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách miễn tiền thuê văn phòng trong 3 tháng đối với các Công ty vừa và nhỏ, những người chịu ảnh hưởng lớn mà đại dịch gây ra. Nhưng điều đó cũng không cứu vãn nổi tình thế. Theo dữ liệu từ CBRE Group, tỷ lệ văn phòng bị bỏ trống tại thành phố Thượng Hải và Thâm Quyến đã tăng lên mức lần lượt là 20% và 21%. Số lượng văn phòng bị bỏ trống tại Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong vòng 1 thập kỷ vừa qua ngay cả khi Chính phủ nước này đã cho phép các doanh nghiệp được hoạt động trở lại sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Trong số 14 thành phố lớn tại Trung Quốc được nghiên cứu bởi Công ty bất động sản thương mại JLL, hầu hết giá thuê văn phòng đều đã giảm trong ba tháng gần đây do việc dư thừa nguồn cung.
JLL ước tính tổng số lượng cổ phiếu cho của doanh nghiệp cho thuê văn phòng tại Thâm Quyến dự kiến sẽ tăng khoảng 60% vào năm 2023, con số tương ứng với thành phố Thượng Hải là 44%. Trong khi đó, Colliers dự đoán việc dư thừa nguồn cung của không gia văn phòng sẽ khiến giá thuê tại hai thành phố này giảm gần 12% và 9,5% trong năm nay. Nhu cầu thấp về việc sử dụng văn phòng chắc chắn sẽ khiến tỷ lệ trống ở các thành phố lớn tăng cao hơn trong thời gian dài. Tại Thượng Hải, tỷ lệ trống có thể tăng vọt lên 30% vào năm 2021. Trong khi đó, tại Thâm Quyến, dự kiến sẽ có gần một phần ba số lượng văn phòng không được sử dụng trong năm 2022.
Các trung tâm hậu cần và bất động sản thay thế
Các trung tâm hậu cần và bất động sản thay thế như trường học và trung tâm dữ liệu cũng đang rất thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư, thúc đẩy một loạt các cuộc gọi vốn và liên doanh mới. Các giao dịch đầu tư vào thị trường bán lẻ và khách sạn vẫn tiếp tục trì trệ trong thời gian qua.
Bất động sản công nghiệp và hậu cần là thị trường có khả năng phục hồi tốt nhất trong quý 2. Tăng trưởng giá thuê vẫn tích cực ở Thượng Hải 1,2% và Sydney 1% và phần lớn ổn định ở Singapore, Bắc Kinh, Sydney và Melbourne.
Ngành bán lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Chính phủ các nước yêu cầu giãn cách xã hội, nhu cầu bị cắt giảm trong suốt quý II. Hong Kong tiếp tục là thị trường giảm giá thuê bán lẻ mạnh nhất khu vực với 13,3%. Tương tự với các thị trường Đông Nam Á, Singapore ghi nhận giá bán lẻ giảm 8,5%.
Theo nhận định của một số chuyên gia, tác động của Covid-19 sẽ vẫn còn, nhưng số liệu của JLL cho thấy các nhà đầu tư sẽ tiếp cận thị trường trong nửa cuối năm 2020 với những biện pháp khác nhau và dòng vốn sẽ tăng tốc vào đầu năm 2021.