Bất động sản nghỉ dưỡng sắp hồi sinh?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thời gian tới đây, thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng sẽ có nhiều khởi sắc, nhất là sau khi hệ thống pháp luật đã được tháo gỡ.

Bốn khó khăn lớn của bất động sản nghỉ dưỡng

Tại diễn đàn “Khơi thông dòng chảy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng” mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội, có vai trò đóng góp lớn đối với nền kinh tế và tác động ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực.

Cùng với đó, thị trường bất động sản du lịch tạo động lực để hình thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, làm thay đổi diện mạo của các địa phương và giúp cho kinh tế - xã hội của các địa phương phát triển, tạo thêm công ăn việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội tại các địa phương trên cả nước.

Theo Thứ trưởng Sinh, phát triển thị trường bất động sản du lịch cũng là cơ hội khai thác và sử dụng đất đai một cách hiệu quả, khi biến những vùng đất hoang sơ chưa có giá trị thành những vùng đất có giá trị kinh tế cao. Với vai trò quan trọng đó, trong giai đoạn vừa qua, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã có những phát triển mạnh và tập trung ở nhiều các tỉnh thành trên cả nước.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhất là từ năm 2020 đến nay, lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu chững lại, nguồn cung hạn chế, lượng giao dịch giảm sút, gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nói chung và gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian qua.

Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã có những phát triển mạnh và tập trung ở nhiều các tỉnh thành trên cả nước

Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã có những phát triển mạnh và tập trung ở nhiều các tỉnh thành trên cả nước

Nói về khó khăn, vướng mắc đối với bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thứ nhất là khó khăn về thủ tục pháp lý. Cụ thể, việc triển khai đầu tư dự án bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý, vấn đề chưa đồng bộ, còn chồng chéo dẫn tới việc ra quyết định đầu tư còn có nhiều thận trọng.

Thứ hai, trình tự thủ tục đầu tư có nhiều thủ tục phải qua rất nhiều thời gian như thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh đầu tư,…. Đặc biệt là những dự án có thời gian kéo dài gây ảnh hưởng đến tạo nguồn cung trong thời gian qua.

Thứ ba, khó khăn liên quan đến việc xác định giá đất, quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất.

Thứ tư, vướng mắc trong việc công tác lập điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo sự đồng bộ giữa các cấp quy hoạch, nhất là những khó khăn về bất động sản nghỉ dưỡng giữa những khu vực mới phát triển.

“Bên cạnh đó, những khó khăn liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng tài sản cũng ảnh hưởng đến giao dịch bất động sản vừa qua. Nhiều nội dung liên quan đến vấn đề vướng mắc về pháp lý ít nhiều cũng đã có sự tác động đến sự phát triển của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng”, Thứ trưởng Sinh cho hay.

Sắp khởi sắc trở lại?

PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản nói chung, trong đó có thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tương đối trầm lắng. Những phân khúc cao cấp trở nên khó khăn hơn, tình trạng này đã kéo dài, không phải là câu chuyện của nhất thời mà bắt đầu từ lúc Covid-19, nền kinh tế chung khó khăn, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng sa sút, do đó bất động sản đang có vấn đề, đặc biệt là phân khúc bất động sản cao cấp.

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, khi du lịch “ấm” lên tốt hơn, nhanh hơn so với xu hướng chung thì bất động sản nghỉ dưỡng, rộng hơn là bất động sản du lịch có những triển vọng khởi sắc.

Để khơi thông thông thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, PGS. TS Trần Đình Thiên kiến nghị, chính quyền cần phải có sự chia sẻ với doanh nghiệp, bởi điều này liên quan trực tiếp đến thu nhập, việc làm của người dân, thu ngân sách của địa phương, thu nhập của chính cán bộ địa phương… Cùng với đó, Chính phủ cần tạo ra những “mạch” xử lý vấn đề, những doanh nghiệp nào có sức lan tỏa thị trường mạnh đang gặp khó khăn thì cần tháo gỡ.

Từ năm 2020 đến nay, lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu chững lại

Từ năm 2020 đến nay, lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu chững lại

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, cho biết vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, ban hành các Nghị quyết, chỉ thị, đôn đốc địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua 4 dự án luật rất quan trọng: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật các tổ chức tín dụng 2024.

Hiện, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành như: Xây dựng, TN&MT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thành, trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn luật và trình Chính phủ sớm ban hành Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 để ba bộ Luật có hiệu lực sớm vào 1/7 tới đây.

Theo Thứ trưởng Sinh, việc ban hành hệ thống các Luật này có những nội dung tháo gỡ, trong đó có các nội dung tháo gỡ vấn đề đất đai, trình tự đầu tư, các hoạt động kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo tới các Ngân hàng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho thị trường bất động sản nói chung, trong đó có thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Trong đó, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng có nhiều chỉ đạo tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn; cùng với đó là có các giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Tiếp đó, chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi và ban hành Nghị định 08/2023, có những điểm mới mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, trong đó có mở ra cơ hội cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu thuận lợi hơn, có đa dạng thêm những nguồn vốn phục vụ phát triển các dự án bất động sản, đặc biệt các dự án bất động sản nghỉ dưỡng có sử dụng nguồn vốn rất lớn.

“Với nhiều giải pháp trong thời gian vừa qua, tôi tin tưởng rằng thời gian tới đây, thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng sẽ có nhiều khởi sắc, nhất là sau khi hệ thống pháp luật đã được tháo gỡ, tới đây nhiều dự án bất động sản sẽ được triển khai chất lượng, tiến độ đáp ứng yêu cầu, phát triển trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.

Dự kiến nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng năm 2024 có cơ hội cải thiện khoảng 20% so năm 2023. Trong số đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn của phân khúc, do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo

Duy Quang

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/bat-dong-san-nghi-duong-sap-hoi-sinh-d110977.html