Bất động sản Taseco (TAL) đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 tăng nhẹ, muốn huy động 148,5 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu
Năm 2024, CTCP Bất động sản Taseco (mã TAL) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 3.040 tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2023, song lợi nhuận sau thuế hợp nhất kỳ vọng tăng nhẹ, đạt 475 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 10 – 15%.
Năm nay, TAL sẽ tập trung ưu tiên đầu tư, kinh doanh các dự án trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại Hà Nam; dự án khu đô thị mới thuộc dự án số 4 – Khu đô thị mới trung tâm thành phố Thanh Hóa; dự án khu nhà ở thuộc khu tái định cư Hải Yến tại Thanh Hóa; dự án Tòa nhà hỗn hợp NO1-T6, Khu Đoàn ngoại giao Hà Nội…
TAL cũng sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư tốt, nghiên cứu phát triển mở rộng quỹ đất, quỹ dự án tại nhiều địa phương có tiềm năng trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa,…
Bên cạnh kinh doanh bất động sản, TAL sẽ phát triển dịch vụ quản lý bất động sản như vận hành khách sạn, quản lý tòa nhà, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp…
Tại đại hội, Taseco sẽ trình cổ đông phương án phát hành 14,85 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu (tương đương 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) với giá 10.000 đồng/CP, tỷ lệ thực hiện quyền là 20:1. Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2024 và/hoặc năm 2025.
Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 148,5 tỷ đồng sẽ được bổ sung vốn đầu tư, xây dựng Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ, Ninh Bình.
Trong trường hợp lộ trình huy động vốn từ đợt chào bán có sự thay đổi dẫn tới tiến độ huy động số tiền thu được từ đợt chào bán chậm hơn tiến độ thanh toán theo mục đích sử dụng vốn, HĐQT được quyền phân bổ nguồn vốn khác của Công ty để thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo mục đích sử dụng vốn, sau đó sẽ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán để thanh toán lại cho các nghĩa vụ thanh toán đến hạn phát sinh từ việc sử dụng nguồn vốn tự có nêu trên, đảm bảo đúng mục đích sử dụng vốn huy động từ đợt chào bán ban đầu.
Tuy nhiên, do số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ tăng lên, nên các rủi ro pha loãng có thể xảy ra gồm pha loãng thu nhập ròng trên mỗi cổ phần (EPS), pha loãng giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần và pha loãng tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông hiện hữu không tham gia đợt chào bán.
Vốn điều lệ sau phát hành của TAL dự kiến sẽ tăng từ 2.970 tỷ đồng lên 3.118,5 tỷ đồng.
Ngày 09/01/2024 là ngày giao dịch đầu tiên của TAL trên UPCoM với giá 21.000 đồng/CP. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 05/04, cổ phiếu TAL gần như về lại điểm xuất phát với 21.600 đồng/CP, khối lượng giao dịch chỉ đạt 3.900 đơn vị.