Bất động sản thu hút mạnh nguồn kiều hối
Theo một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 15 - 20% kiều hối đổ về Việt Nam đã đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Nếu tính toán nhanh, chỉ riêng con số này có thể lên tới 10.000 căn hộ mỗi năm...
Việc mở rộng quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai mới thông qua được đánh giá là tin mừng cho cộng đồng Việt kiều có mong muốn sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Điều này càng ý nghĩa khi dòng kiều hối năm 2023 đạt hơn 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.
MỞ RA CƠ HỘI CHO VIỆT KIỀU
Trong Luật Đất đai 2024, một điểm thay đổi thu hút nhiều sự chú ý là chi tiết mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.
Cụ thể, khoản 3 và khoản 6 Điều 4 Luật Đất đai 2024 về “Người sử dụng đất” quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận, bao gồm: cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Nhận xét về những cập nhật mới, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, cho rằng sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư cho nhóm người mua bất động sản Việt kiều. Đồng thời cũng tạo ra tiềm năng lớn cho thị trường Việt Nam nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ họ. Trong quá khứ, người Việt ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân, vì thế dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. “Luật mới sẽ giải quyết vấn đề trên và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư, giảm thiểu khả năng nảy sinh rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư”, ông Troy Griffiths khẳng định.
Phân tích sâu hơn, vị chuyên gia chia sẻ Savills đã có cơ hội hợp tác với nhiều người Việt Nam ở nước ngoài. Điểm chính hiện nay là đa số họ đều lớn tuổi. Đây có thể là người di cư ra nước ngoài, sau bao năm làm việc chăm chỉ, họ sở hữu một lượng tài sản nhất định nên cân nhắc đầu tư vào Việt Nam, thậm chí tính đến việc quay trở về. Tuy nhiên, cần lưu ý có rất nhiều người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, không chỉ Việt kiều mà còn cả người đang lao động tại nước ngoài. Họ cũng là các nhà đầu tư tiềm năng.
Thực tế, báo cáo tổng kết công tác năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết số lao động làm việc ở nước ngoài trong năm tiếp tục tăng, ước khoảng 155.000 lao động đã đi ra các thị trường, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022. Tính đến hết năm 2023, có 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Lớn nhất phải kể đến thị trường Nhật Bản, tiếp sau là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Số lao động còn lại tập trung ở thị trường châu Âu, Trung Đông và Malaysia…
TĂNG ĐẦU TƯ KIỀU HỐI VÀO BẤT ĐỘNG SẢN
Ông Troy Griffiths đánh giá người Việt Nam vốn coi trọng giá trị gia đình. Đây là một truyền thống tốt đẹp vì nó không chỉ mang lại nguồn vốn mà còn cả những kỹ năng chuyên môn cao có thể chuyển giao cho Việt Nam. Do đó, sự đổi mới của Luật Đất đai 2024 rất đáng hoan nghênh, kỳ vọng mở ra nhiều hơn nguồn vốn cùng trí tuệ cho đất nước. Điển hình như trường hợp New Turing Institute and VinAi. Đội ngũ này gồm 20 đến 30 tiến sĩ đã trở về Việt Nam. Họ đang sử dụng kiến thức, tài sản trí tuệ của mình để giúp Việt Nam phát triển.
Ngoài ra, thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài còn chỉ ra lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Riêng nguồn kiều hối kỷ lục 19 tỷ USD của năm 2022 đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất từ nước ngoài.
“Số liệu trên cho thấy kiều hối là nguồn vốn lớn và quan trọng đối với Việt Nam. Vậy câu hỏi đặt ra, nó được sử dụng như thế nào khi về Việt Nam? Điều này khá thú vị bởi có sự biến động đôi chút theo tỷ giá tiền tệ. Cụ thể, nếu gửi từ Mỹ thì đồng USD mạnh đồng nghĩa với sức mua lớn hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết kiều hối đến từ các nước châu Á thông qua người lao động và không ít nguồn tiền chảy vào bất động sản”, ông Troy nói thêm.
Thực tế, nhu cầu kiều hối đối với lĩnh vực bất động sản đã được ghi nhận. Một thống kê từ 2016 của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương ước tính 15-20% số tiền đó được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Nếu tính toán nhanh, chỉ riêng con số này có thể lên tới khoảng 10.000 căn hộ mỗi năm.
Nhiều chuyên gia nhận xét việc mở rộng quyền của người sử dụng đất đối với nhóm đối tượng sử dụng đất là người Việt Nam, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hoàn toàn phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước. Cụ thể là đối xử với công dân Việt Nam không phân biệt nơi cư trú, nơi sinh sống. Chính sách này chính đáng, đồng thời, cũng giúp huy động nguồn lực đầu tư về Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, khi dự báo thị trường bất động sản ở Việt Nam sẽ phục hồi tích cực trong vài năm tới.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bat-dong-san-thu-hut-manh-nguon-kieu-hoi.htm