Bất động sản TP.HCM: Vốn ngoại sẽ sớm quay lại
Dù dòng vốn ngoại thiếu vắng trong tháng đầu năm, nhưng điều này chỉ mang tính chất thời điểm và TP.HCM đang có những thỏi nam châm hút vốn ngoại trong năm 2020 này.
Thị trường bất động sản TP.HCM kỳ vọng vẫn tiếp tục hấp dẫn dòng vốn ngoại.
Tháng 1: Vốn nội áp đảo
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2020 của TP.HCM cho biết, trong tháng 1, tại TP.HCM có 2.723 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 33.536 tỷ đồng, bằng 75,24% số lượng doanh nghiệp và bằng 55% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Có 8.735 lượt doanh nghiệp điều chỉnh thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh thay đổi là 33.992 tỷ đồng.
Trong đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới chỉ chiếm 6% trong số doanh nghiệp thành lập và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, giảm 0,7% so với tháng 12/2019 và giảm 1% so với các tháng khác của năm 2019. Trong số vốn đăng ký mới thì ngành kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, với 26%.
Trong khi đó, báo cáo nhanh với UBND TP.HCM trong cuộc họp giữa doanh nghiệp bất động sản với UBND TP.HCM ngày 22/2, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 20 ngày đầu tháng 2, bất động sản tiếp tục là ngành có dòng vốn đăng ký mới nhiều nhất.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tháng 1/2020, TP.HCM thu hút được 310,82 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ngành bất động sản không nằm trong danh sách các ngành thu hút được vốn FDI trong khoảng thời gian này, nguyên nhân có thể do tháng 1 năm nay là giai đoạn có nhiều ngày lễ tết cả Dương lịch và Âm lịch song trùng nên hoạt động đầu tư cũng như việc cấp phép thủ tục đầu tư có phần bị gián đoạn.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, việc thiếu vắng dòng vốn FDI vào ngành bất động sản trong tháng 1 không mang đến nhiều lo ngại, bởi lý do nêu trên và trong tháng 2 đã có tín hiệu khả quan hơn. Vào thời điểm 15/2, khi Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình kinh tế - xã hội với UBND TP.HCM, thị trường bất động sản đã bắt đầu xuất hiện dòng vốn ngoại đổ bộ vào.
Bình luận về tỷ lệ vốn đăng ký mới cao nhất trong tháng 1 thuộc về các doanh nghiệp bất động sản, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản DKRA Vietnam nhận định, điều này cho thấy thị trường sắp tới vẫn còn nhiều cơ hội phát triển nên doanh nghiệp vẫn thành lập nhiều. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp mới thành lập có thể ổn định hoạt động, phát triển lâu dài với thị trường thì cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức quan tâm đến công tác quản lý và hỗ trợ, cũng như thực hiện chức năng hậu kiểm, hoặc cảnh báo đối với các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có dấu hiệu không bình thường. Vì cơ quan quản lý nhà nước có đủ dữ liệu đăng ký kinh doanh, báo cáo, quyết toán thuế của doanh nghiệp để có thể phát hiện ra trường hợp nào làm ăn bất minh.
Bất chấp tháng 1 trầm lắng và lép vế trước dòng vốn nội, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong các tháng tiếp theo của năm, dòng vốn ngoại đổ bộ vào bất động sản sẽ tiếp tục tăng. Hình thức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài sẽ chủ yếu nhắm đến việc bắt tay rót vốn vào doanh nghiệp trong nước như câu chuyện Tập đoàn Lotte E&C rót vốn vào Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - SCR), hay như quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) rót vốn vào Tập đoàn An Gia… năm 2019 vừa qua.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam cho rằng, những tháng tiếp theo của năm 2020 sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng hợp tác mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp Việt và Nhà đầu tư ngoại ở tất cả các phân khúc: Nhà ở, văn phòng, khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp...
"Cuộc bắt tay giữa doanh nghiệp Việt và nước ngoài đang diễn ra mạnh là dấu hiệu cho thấy thị trường sắp bùng nổ một cuộc cạnh tranh khá gay gắt từ những dòng sản phẩm mang phong cách và chất lượng ngoại. Và trong cuộc cạnh tranh này, người tiêu dùng sẽ là bên hưởng lợi nhất", bà Dương Thùy Dung nhận định.
Cơ hội cho dòng vốn FDI đổ bộ
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, CEO Tập đoàn Phúc Khang cho rằng, cơ hội gọi vốn đầu tư nước ngoài đối với những doanh nghiệp, nhà phát triển các dự án bất động sản Việt Nam hiện nay là khá lớn, nhất là đối với những doanh nghiệp có quỹ đất sạch, tính pháp lý dự án rõ ràng hoặc những dự án đã được phê duyệt về chủ trương đầu tư…
“Doanh nghiệp chúng tôi cũng đã làm việc với khá nhiều doanh nghiệp ngoại với nhu cầu muốn góp vốn để cùng phát triển dự án mới vì dự kiến năm 2020 chúng tôi sẽ ra hàng một dự án rộng 10ha tại quận 10. Tuy nhiên, Phúc Khang vẫn đang lựa chọn kỹ nhà đầu tư ngoại để việc rót vốn sau này không bị trục trặc”, bà Mẫu nói.
Tại Đại Phúc Land, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cho biết, cuối năm 2019 doanh nghiệp bà đã tiếp đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc sang làm việc với mong muốn được góp vốn phát triển dự án bất động sản mới mà Đại Phúc chuẩn bị triển khai tại TP.HCM. Vì dự án có quy mô trên 100 ha, với nhiều hạng mục thành phần nên cần doanh nghiệp ngoại góp vốn vào cùng thực hiện.
“Khi tôi hỏi vì sao họ lại chọn TP.HCM để rót vốn đầu tư bất động sản, đại diện tập đoàn xây dựng và phát triển bất động sản đến từ Hàn Quốc sang làm việc với Công ty phân tích, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với các nhà đầu tư nước ngoài ở Indonesia hiện rất khó khăn, tại Singapore thì thị trường quá bé, trong khi ở thị trường Malaysia đã phát triển tương đối ổn định. Trong khi đó, Việt Nam với gần 100 triệu dân, đặc biệt TP.HCM với dân số trẻ, phát triển kinh tế ổn định và tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhu cầu nhà ở với người trẻ còn rất lớn là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Đã có nhiều doanh nghiệp bất động sản đến từ Hàn Quốc rót vốn vào Việt Nam đã thành công và họ cũng muốn tiếp theo câu chuyện thành công đó tại TP.HCM”, bà Nguyễn Hương cho biết.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group cho biết, Công ty đang làm việc với một doanh nghiệp Nhật Bản để sớm có cái bắt tay cùng phát triển dự án bất động sản trong năm 2020 này. Cũng theo ông Phúc, doanh nghiệp Nhật Bản nói trên ngoài làm việc với Phú Đông thì còn muốn ông giới thiệu quỹ đất tại TP.HCM để phát triển dự án cao ốc văn phòng và cả khách sạn vì đây là những ngành mà họ ưa thích phát triển nhất tại đây.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, cơ hội gọi vốn ngoại vào bất động sản TP.HCM năm 2020 sáng hơn khi địa phương này vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn quy trình thành phần hồ sơ thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Văn bản này nêu rõ, hiện UBND TP.HCM đang xây dựng đề án chi tiết trình Bộ Nội vụ thẩm định. Theo đó, song song với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, UBND TP.HCM đang xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM, trong đó có việc thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở nguyên trạng tổng diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, quận 9, Thủ Đức theo định hướng quy hoạch phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM.
Dự kiến, Thành phố phía Đông sau khi thành lập có diện tích tự nhiên là 211,54 km2, đạt 141,05% so với tiêu chuẩn quy định, có quy mô dân số là 1.169,974 người, đạt 779,98% so với tiêu chuẩn quy định.
Được biết, TP.HCM muốn xây dựng khu Đông là một trung tâm đô thị sáng tạo nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ...
Ngoài ra, TP.HCM mong muốn hỗ trợ các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương để tạo nên cụm động lực phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam. Vì vậy, TP.HCM muốn gộp 3 quận thành khu đô thị sáng tạo phía Đông của thành phố. Đặc biệt, hiện khu Đông đang có trong tay đòn bẩy phát triển mạnh mẽ như quận 9 hiện có khu công nghệ cao lớn thứ nhì cả nước với hơn 700ha, 35.000 lao động, 6 tỷ USD vốn đầu tư.
Quận Thủ Đức có 12 trường đại học, trung tâm đại học quốc gia. Hai quận này tạo nên 2 cực công nghệ và trí tuệ cao, kết hợp với trung tâm hành chính ở quận 2 sẽ trở thành khu đô thị thông minh tương tác cao.
Đây cũng sẽ là trung tâm để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, hạ tầng giao thông khu vực này hiện nay cũng đứng đầu TP.HCM với trục đường cao tốc Bến Lức - Long Thành nối TP.HCM đi các tỉnh Đông Nam Bộ, tuyến đường cao tốc trên cao đầu tiên của TP.HCM Metro số 1 Bến Thành Suối Tiên sẽ hoàn thành xây dựng năm 2020…
“Đây chính là thỏi nam châm hút vốn ngoại tốt nhất vào TP.HCM năm 2020”, ông Châu nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com
Gia Phú
Vốn ngoại vào địa ốc TP.HCM: Nhiều dự án “tọa lạc” trên giấy
Vốn ngoại vào TP.HCM, bất động sản vẫn là “chỗ trũng“
Cứ ăn xong đau bụng đi ngoài – Cẩn thận tử thần “ghé thăm”
Tin tài trợ
Vốn ngoại vẫn chảy mạnh vào bất động sản TP.HCM
Vốn ngoại tiếp tục chảy vào bất động sản
Bất động sản TP.HCM kỳ vọng hút mạnh dòng vốn ngoại