Bắt đúng bệnh để thúc đẩy cổ phần hóa 'rùa bò'

Không ít doanh nghiệp nặng tâm lý chờ đợi, 'nước đến chân mới nhảy' cùng nỗi sợ bị 'bóc mẽ' những sai phạm trong sử dụng đất không đúng mục đích hay phải trả lại nhà đất... khiến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn rơi vào trầm lắng...

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài

Chia sẻ với báo giới bên lề tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” do các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, đánh giá tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua chững lại và chậm hơn so với yêu cầu.

Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa ngoài kế hoạch vượt xa số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Tuy nhiên, đánh giá hiệu quả và tiến độ theo kế hoạch được giao, trong 180 doanh nghiệp cổ phần hóa, chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạt 30% kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020. Còn hai năm gần đây, tính đến tháng 4/2022, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa thấp kỷ lục với 4 đơn vị.

Nguồn thu về cổ phần hóa cũng không đạt yêu cầu. Riêng năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ nguồn thu từ cổ phần hóa 40.000 tỷ. Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn hơn 1.400 tỷ đồng, tương đương đạt 2,5% kế hoạch.

NƯỚC ĐẾN CHÂN MỚI NHẢY

Thời gian qua, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn chưa hoàn thành kế hoạch do Thủ tướng giao; đặc biệt, hai năm gần đây có dấu hiệu đứng yên, nguyên nhân ở đây là gì, thưa ông?

Về khách quan, nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều biến động khó lường do trong bối cảnh kinh tế thế giới và địa chính trị có nhiều bất ổn, tác động từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và những đợt phong tỏa kéo dài từ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan mới là nguyên nhân chính.

Thứ nhất, trong nhận thức, vẫn còn tư tưởng ngại cổ phần hóa, không muốn cổ phần hóa và có những vấn đề phát sinh trong cổ phần hóa gây nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tranh luận trái chiều và vẫn chưa tháo gỡ toàn diện về thể chế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ hai, trong tổ chức thực hiện, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn lúng túng ở hai việc.

Một là, lúng túng trong xây dựng danh mục đưa vào cổ phần hóa, dẫn đến danh mục cổ phần hóa 2016-2020, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa ngoài kế hoạch thành công nhiều hơn kế hoạch.

Hai là, còn lúng túng trong vấn đề chuẩn bị cổ phần hóa, đặc biệt khi áp dụng Luật Quản lý sử dụng tài sản công, sắp xếp cơ sở nhà đất. Hầu hết các doanh nghiệp khi cổ phần hóa mới vội vàng sắp xếp, dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị.

Rất nhiều doanh nghiệp sau 2-3 năm, thậm chí 4 năm vẫn chưa sắp xếp xong cơ sở nhà đất. Quá trình sắp xếp này có nhiều vấn đề tồn tại và bất cập, đây là vấn đề của lịch sử để lại nhưng phần lớn là nguyên nhân chủ quan của rất nhiều doanh nghiệp.

Có nhiều cơ sở nhà đất khi sắp xếp lại sẽ phải thu gọn, trả lại những mảnh đất không dùng đến, hoặc dùng không đúng mục đích để cho các cơ quan địa phương, các quỹ đất địa phương có thể giải phóng cho các thành phần kinh tế khác. Điều đó khiến các doanh nghiệp cũng ngần ngại.

Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát. Sau quá trình kiểm tra giám sát, có chỉ ra nơi này nơi khác chậm. Tuy nhiên, vấn đề khó là sau khi kiểm tra, giám sát, xử lý như thế nào, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu ra sao?

Việc thực thi theo pháp luật, tuân thủ mệnh lệnh cấp trên còn chưa cao, dẫn đến việc còn “du di”. Điều này cần một chế tài mạnh tay hơn.

Thứ tư, do nhận thức, còn tồn tại quan điểm khác nhau như vấn đề xác định lợi thế, giá trị đất đai, giá trị lịch sử văn hóa hay vấn đề xử lý tồn tại trong quá trình sắp xếp đất đai... chậm được các cơ quan tháo gỡ, dẫn đến các thể chế thường ban hành chậm.

"Rõ ràng, doanh nghiệp phải tuân thủ theo pháp luật nhưng khi hệ thống thể chế chậm chạp, dẫn đến doanh nghiệp cũng gặp vướng mắc", ông Tiến chỉ rõ.

Ví dụ, để khắc phục vướng mắc trong cổ phần hóa, năm 2020 mới ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.

Còn về vấn đề sắp xếp đất đai theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 thì mãi đến năm 2021 mới ban hành Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

BẮT ĐÚNG BỆNH, XÓA NỖI "SỢ" CHO DOANH NGHIỆP

Như ông nói, Bộ Tài chính đã nhận diện rõ nguyên nhân và các yếu tố đang cản đường kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn. Vậy thời gian tới, những giải pháp để đẩy nhanh tiến trình này là gì, thưa ông?

Giai đoạn vừa qua, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn rơi vào trầm lắng do ảnh hưởng từ đại dịch, đến nay khi nền kinh tế phục hồi và đặc biệt khi Chính phủ có chủ trương phục hồi kinh tế 2022-2023, Bộ Tài chính hiện đang rà soát lại cơ chế chính sách, lắng nghe những bất cập, vướng mắc từ các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, cùng chuyên gia “mổ xẻ” những vấn đề nào cốt lõi cản trở việc cổ phần hóa, thoái vốn.

Từ đó, tìm kiếm các giải pháp, kịp thời hoàn thiện các chính sách, bắt “đúng bệnh” để đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn.

Để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính đề xuất ba giải pháp.

Một là, xử lý vấn đề về đất. Xử lý vấn đề sắp xếp đất đai, nhà đất như thế nào cho thanh thoát. Đặc biệt, việc sắp xếp đất đai để đảm bảo thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh chính, thay vì sau cổ phần hóa, doanh nghiệp đi vào kinh doanh bất động sản hay không đúng mục tiêu của cổ phần hóa.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp.

"Phải có giải pháp căn cơ và minh bạch, để kinh doanh nghiệp khi triển khai thì thấy rõ mình làm như thế không sai, không sợ trách nhiệm. Đấy là điều quan trọng nhất".

Hai là, sắp xếp đất đai để tiết kiệm nguồn lực và thu hồi lại nguồn lực để giải phóng nguồn lực đó cho các thành phần kinh tế khác.

Qua đây, rà soát thêm những khâu chuẩn bị, bất cập trong khâu xác định giá trị doanh nghiệp.

Rà soát lại và hoàn thiện thể chế theo hướng công khai minh bạch, tôn trọng việc thẩm định giá của các cơ quan tư vấn thẩm định giá và tuân thủ theo các tiêu chuẩn thẩm định giá, tránh sự can thiệp của Nhà nước.

Ba là, phải nắm bắt được suy nghĩ, nhận thức cũng như tâm tư của doanh nghiệp, chủ thể thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, từ đó, động viên nhận thức, hoàn chỉnh thể chế để tăng niềm tin, trách nhiệm cho doanh nghiệp.

Khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, doanh nghiệp không phải lo sợ gì mà thực hiện đúng những điều được pháp luật bảo trợ, đấy là mong muốn của Bộ Tài chính.

TÁCH ĐẤT ĐAI RA KHỎI GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP?

Đất đai tiếp tục là một trong những “lực cản” của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, có nhiều ý kiến cho rằng nên đề xuất phương án tách đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp để tháo gỡ những điểm nghẽn lâu nay, ông nhìn nhận thế nào về đề xuất này?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi có những đề xuất cụ thể. Còn định hướng việc tách hay không, cần phải cân nhắc kỹ để đảm bảo tính đúng, tính đủ, tránh thất thoát trong quá trình cổ phần hóa và cũng đảm bảo đất phải được quản lý chặt chẽ, tránh lợi dụng. Vấn đề định giá cũng vậy, cũng phải đảm bảo tính đúng, tính đủ và phải phù hợp với mục đích. Trong trường hợp không xác định được giá trị, bắt buộc phải thuê tư vấn nước ngoài.

Cần đưa ra một quy định cụ thể, một cơ chế chính sách rõ ràng và cơ quan quản lý cần phải lắng nghe nhiều hơn ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty; ngoài ra, cần ý kiến phản biện các chuyên gia, các thành phần kinh tế khác, các nhà đầu tư mua cổ phần, công ty tư vấn…

Khi hội tụ đủ ý kiến của các cơ quan nhiều chiều và chiếu theo quy định của pháp luật và định hướng của Đảng, Bộ Tài chính sẽ đề xuất ban hành chính sách phù hợp, tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp.

Còn trước mắt, trong giai đoạn đang phục hồi kinh tế, cần phải sớm có những hành động để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ đã giao; những khó khăn vướng mắc nếu có thể tháo gỡ trong khuôn khổ luật pháp cho phép, sẽ phải tiến hành rốt ráo để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn ở một mức hợp lý.

Ánh Tuyết -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bat-dung-benh-de-thuc-day-co-phan-hoa-rua-bo.htm