Bất giác một loài hoa
Từ mảnh đất quê mình, Nguyễn Minh Ðức đã đi qua rất nhiều trải nghiệm của người trai ở chốn quân trường, và cả những cung bậc cảm xúc, những đường biên của trí tưởng và sáng tạo để bất giác 'gặp' một loài hoa...
* Hương khói, gió sương và nỗi nhớ
Phần I của tập thơ Bấc giác một loài hoa có chủ đề: Quê hương và mẹ. Nguyễn Minh Ðức viết về những điều gắn bó máu thịt nhất của mình, song cũng là những gì ám ảnh và mong manh nhất, mê hoặc nhất. Ðó là làng quê, là bà, là mẹ… những điều nhà thơ đau đáu, tự hào:
“Quê tôi ngóng ngược Trường Sơn ngóng xuôi phía biển
Khởi chân đất đầu trần Bắc Nam chinh chiến”
“Sông lở bồi đò ngang đưa tiễn người xưa mấy đời khiêng đá vá bến
Tính đất nết người tỏa trong nụ cười mẹ khỏa nước chiều sông…”.
Hiện thực và huyền thoại như quyện lẫn vào nhau trong trái tim nhà thơ. Ðể từ đó anh phóng rất xa tầm mắt, trải rộng miền cảm xúc và mở tung ngôn ngữ để làm nên những câu thơ dữ dội. Khác với vẻ bề ngoài nhỏ nhắn và nhã nhặn, thơ của Nguyễn Minh Ðức vừa rất say, vừa rất tỉnh, đủ để truyền tải mạch thơ ăm ắp như chính anh đang nói về quê hương, về nguồn cội của mình.
Nhưng những hình tượng thân thương ấy lại rất mong manh trong tâm tưởng của anh: “Bà tôi ra đi rất vội - Cây đa cụt ngọn đầu làng khóc ròng mùa trút lá” (Người ra đi từ làng); “Dù chưa vàng vẫn rơi về cội - Dù còn xanh vẫn nhẹ bay rất vội” (Ðêm trắng); “Bà thương bà mắng lá - Xạc xào chi lắm thức giấc tao nôi!” (Chiếc lá vối cuối thu)...
Nguyễn Minh Ðức viết về một mối tình:
“Ngày mẹ tiễn chị về bên nhà chồng
Cũng một ngày mưa bóng mây vội vã
Anh cưới chị rồi ra đi như một cơn gió lạ
Chị đằng đẵng mùi chồng sưởi hơi ấm chiến chinh”.
(Ðêm cá quẫy)
Những thảng thốt ấy không bao giờ nguôi được trong lòng người, cũng không thể nào quên đi dù lớp lớp thời gian đã qua. Nguyễn Minh Ðức như muốn trút cạn những nhớ thương, những đau xót để xoa dịu cõi nhớ ấy, nhưng càng trải lòng thì thơ anh càng miên man, da diết. Ðọc lại phần thứ nhất của tập thơ, băn khoăn đi tìm ý nghĩa của bài Bất giác một loài hoa (cũng là tựa tập thơ) mới dần hiểu ra những hình tượng vòi vọi, sắc son của quê hương, xóm làng ấy luôn gắn liền với làn hương, ngọn khói, với gió, với từng hạt sương, từng hương vị đằm sâu trong ký ức. Sự “vắng mặt” của nam tính (những người cha, người chồng) không hề là sự khuyết thiếu, mà tình nghĩa, sự nâng đỡ, yêu thương ấy luôn ẩn sâu cùng ý nghĩa cuộc đời. Chính vì vậy, buồn thương mà không bi lụy, Quê hương và mẹ mang đầy sức sống và niềm tin, nuôi dưỡng tâm hồn con người một cách bao dung và tinh tế.
* Bông hoa bất diệt
Bất giác một loài hoa là tập thơ thứ hai của Nguyễn Minh Ðức. Nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội trân trọng gọi đây là tác phẩm của những thanh âm từ quê hương, Tổ quốc, mẹ và nghĩa tình đồng đội… Quả thật vậy, phần II của tập thơ Tổ quốc và người lính là tiếng nói mạnh mẽ, xác tín với cuộc đời và nhân lên gấp bội tình yêu, niềm tin của bản thân mình. Nhà thơ đã có sự trưởng thành để nghe, để nhìn, và thấy được Tổ quốc trong tim:
Giữa tầng không kiêu hãnh những cánh bay
Ðôi mắt thần thêm tin yêu Tổ quốc
Tôi đang thấy giữa muôn trùng sóng nước
Giọt mồ hôi giữ biển đảo quê nhà
Tôi vẫn thấy những vai gầy dáng mẹ
Thoáng bóng chiều ngóng ngợi đứa con xa
Ðường làng bờ tre hồn nhiên rơm rạ
Chồi non ươm lòng yêu nước thương nhà”.
Mỗi bước chân đều giữ lại dấu ấn về những miền đất mới. Ðây là phần thơ Nguyễn Minh Ðức thả hồn với những mảnh đất thiêng như: ngã ba Ðồng Lộc, Trường Sơn, Vàm Cỏ, Mỹ Sơn… cùng những trải nghiệm của anh ở nhiều nơi vai trò người chiến sĩ. Anh đã tìm được một tư thế rất đẹp, vừa thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vừa rất nên thơ:
“Người chiến sĩ ngày đêm mắt hướng về phía trước
Tổ quốc ngóng theo…!”.
(Nơi bắt đầu Tổ quốc)
Trong mỗi bài thơ, ta đều gặp một “mùa hành quân” khẩn trương, và gặp những trái tim cùng đập một nhịp với đoàn quân.
Từ đó, Nguyễn Minh Ðức tìm sự đồng cảm ở đồng đội và những nơi anh đi qua, để tìm thấy tình cha con ở chốn thao trường, để tìm thấy bóng dáng những tình yêu đẹp đẽ, phi thường:
“Qua mấy mùa cỏ Sư đoàn cháy đỏ
mấy mùa lên thay trấn phía biên thùy
Gió chưa kịp trao nhau nụ hôn hoa cỏ
Ðã thiêm thiếp nằm gửi lại đất nâu ghi”.
(Cỏ Sư đoàn)
Thật vậy, có được nuôi dưỡng và trưởng thành từ mạch nguồn quê hương anh dũng, nhà thơ mới có thể cảm nhận và thể hiện được tình yêu cao cả của người lính. Và điều làm nên thành công cho phần II - Tổ quốc và người lính nói riêng, cả tập thơ nói chung là tác giả đã khắc họa rất thành công đời sống nội tâm, những tình cảm và mơ ước của người lính trong thời bình, dù vẫn luôn giữ chắc tay súng, nhưng tâm hồn cũng lãng mạn, bay bổng cùng thời đại. Ngoài ra, anh còn kết nối được hiện tại với quá khứ, đặc biệt là với những người anh hùng trẻ tuổi bằng một cách viết rất hiện đại, sáng tạo:
“Trong giấc mơ chị dắt tôi
Qua những cánh đồng ngày xưa Mỹ đốt...
Mưa nhòa Trường Sơn thấm đất
Cây cỏ tái da non
Dọc đường chiến chinh, xanh
Trái tim giữa triệu trái tim không thể đốt
Nhịp đất nước bốn nghìn năm thổn thức
Trở về trong bóng chị... dắt tôi”.
(Trong giấc mơ - viết về liệt sĩ, bác sĩ Ðặng Thùy Trâm)
Người chiến sĩ ấy đã mang trong trái tim đầy nhiệt huyết của mình một bông hoa bất diệt, để yêu và sống với đời lính vẫn còn muôn vàn gian khổ hôm nay. Tập thơ Bất giác một loài hoa của Nguyễn Minh Ðức cũng là một bông hoa đẹp, tôn vinh người lính bằng một ngôn ngữ thi ca sáng, đẹp, mang dáng dấp của sử thi đương đại. Tập thơ dày dặn với hơn 90 bài thơ đủ làm say lòng người yêu thơ và yêu mến những người lính hôm nay.