Bắt giam nguyên Giám đốc Công ty lâm nghiệp Ea Kar
Ngày 2-12, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hồng Mạnh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar (Công ty lâm nghiệp Ea Kar), huyện Ea Kar để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Cơ quan điều tra, ông Mạnh bị khởi tố vì để rừng bị tàn phá, đất rừng bị lấn chiếm trong thời gian dài nhưng không có biện pháp quản lý, bảo vệ hiệu quả.
Các quyết định khởi tố đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn. Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã tiến hành khám xét nơi ở của ông Mạnh.
Một vụ khai thác lâm sản trái phép quy mô lớn tại lâm phận do Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý được phát hiện.
Trước đó, như Nhân Dân điện tử đã nhiều lần phản ánh về tình trạng rừng do Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý bị tàn phá nghiêm trọng. Mặc dù lâm tặc ngang nhiên tổ chức vào lâm phận do công ty quản lý phá rừng, khai thác lâm sản trái phép quy mô lớn, nhưng công ty không phát hiện được; trong đó có những vụ việc cho thấy lực lượng bảo vệ rừng của công ty thờ ơ, thiếu trách nhiệm để cho lâm tặc ngang nhiên phá rừng.
Khi lực lượng chức năng phát hiện thì rừng đã bị tàn phá với quy mô lớn, một khối lượng lớn gỗ đã bị vận chuyển ra ngoài.
Rừng thuộc lâm phận do Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý bị tàn phá trong thời gian dài nhưng không được ngăn chặn.
Điển hình, từ ngày 18 đến 26-8-2019, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng phá rừng và các điểm tập kết, khai thác gỗ trái phép quy mô lớn thuộc lâm phần do Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý nằm trên địa bàn xã Cư Yang, huyện Ea Kar. Khối lượng gỗ trong vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái phép này lên đến hàng trăm m3.
Trước đó, ngày 18-8-2019, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an TP Buôn Ma Thuột, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk và Công an huyện Ea Kar đã bắt quả tang bốn đối tượng gồm: Ngô Văn Năm 35 tuổi, Hoàng Văn Năm 32 tuổi, Hoàng Văn Nam 35 tuổi và Phùng Văn Hội 24 tuổi, cùng trú tại thôn 15, xã Cư Yang, huyện Ea Kar đang có hành vi cưa hạ sáu cây gỗ Chò Khét tại khu vực rừng thôn 15, xã Cư Yang, huyện Ea Kar với khối lượng khoảng 20m3 thuộc lâm phần do Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý.
Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện hai điểm tập kết gỗ gần bìa rừng với khối lượng gỗ thu giữ được gần 100m3.
Từ lời khai của các đối tượng, các tổ trinh sát của Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra và phát hiện thêm năm điểm tập kết gỗ trái phép nằm rải rác trên địa bàn huyện Ea Kar; trong đó có ba nhà dân và hai xưởng mộc với khối lượng hàng trăm m3 gỗ được cất giấu.
Qua đấu tranh, chủ của các điểm tập kết gỗ này đều khai nhận, số gỗ được mua lại của hai đầu nậu là Nguyễn Anh Dũng, trú tại xã Cư Yang và Lê Văn Thắng, trú tại xã Ea Pal, huyện Ea Kar.
Qua khám nghiệm hiện trường trên diện tích 30ha rừng ở xã Cư Yang, huyện Ea Kar, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Đắk Lắk còn phát hiện hơn 60 gốc cây lớn đã bị lâm tặc cưa hạ, với khối lượng hơn 200m3.
Như vậy, chỉ trong đợt này, lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và thu giữ tổng khối lượng gỗ các đối tượng khai thác trái phép và cất giấu lên đến hơn 330m3.
Theo các cán bộ công an trực tiếp phát hiện, xử lý vụ phá rừng này thì tình trạng phá rừng thuộc lâm phần do Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý là hết sức nghiêm trọng và diễn ra trong một thời gian dài nhưng không được chủ rừng phát hiện ngăn chặn, cũng như không báo cho các lực lượng chức năng có biện pháp ngăn chặn.
Vào tháng 8-2019, lực lượng Công an phát hiện nhiều điểm tập kết gỗ trái phép ở bìa rừng do Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý nằm trên địa bàn xã Cư Yang, huyện Ea Kar.
Liên quan vụ phá rừng quy mô lớn tại xã Cư Yang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, vào giữa tháng 1-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với bốn cán bộ của phân trường 1 thuộc Công ty lâm nghiệp Ea Kar để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bốn cán bộ bị bắt tạm giam gồm: Đào Thanh Hưởng, 51 tuổi, trưởng phân trường 1; Nguyễn Hữu Thọ, 48 tuổi; Lưu Minh Thanh; 35 tuổi và Nguyễn Văn Tuân 33 tuổi, đều là nhân viên của phân trường 1 thuộc Công ty lâm nghiệp Ea Kar.
Liên quan các vụ phá rừng thuộc lâm phận do Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý, vào tháng 9-2019, Công an huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bốn đối tượng, gồm: Hoàng Văn Nam, 35 tuổi; Hoàng Văn Năm, 32 tuổi; Ngô Văn Nam, 35 tuổi và Phùng Văn Hội, 24 tuổi, cùng trú thôn 15, xã Cư Yang, huyện Ea Kar, tiếp tục điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Trong đó, Hoàng Văn Năm là Thôn trưởng thôn 15, xã Cư Yang, huyện Ea Kar.
Theo kết quả xác minh tại hiện trường, tổ công tác của Công an tỉnh Đắk Lắk xác định các đối tượng trên đã khai thác sáu cây gỗ với tổng khối lượng 27,584m3. Ngoài ra, còn phát hiện năm điểm tập kết gỗ do các đối tượng khai thác lâm sản trái phép cất giấu tập trung tại bìa rừng và một số nhà dân với tổng khối lượng 37,80m3.
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện tại nhiều khu vực rừng tại tiểu khu 692 thuộc thôn 13, 15, xã Cư Yang do Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý có nhiều cây gỗ rừng bị các đối tượng khai thác trái phép. Quá trình khám nghiệm hiện trường, xác định thêm 134 cây gỗ đã bị khai thác và lấy đi một phần, phần gỗ còn lại tại hiện trường là 347m3.
Trong những năm qua, trên diện tích lâm phận do Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý liên tục xảy ra các vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép với quy mô lớn, trong đó có nhiều điểm phá rừng nằm sát với trạm quản lý, bảo vệ rừng của công ty và lâm tặc ngang nhiên mở đường vào rừng khai thác, cưa xẻ, vận chuyển gỗ ra như một đại công trường nhưng chủ rừng là Công ty lâm nghiệp Ea Kar không hề hay biết hoặc làm ngơ để cho lâm tặc phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Các vụ phá rừng này chỉ được phát hiện khi các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh vào cuộc nhưng rừng đã bị phá với diện tích lớn và lâm sản được tẩu tán.
Vụ việc đang được Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục điều tra làm rõ. Đây là một lãnh đạo Công ty lâm nghiệp đầu tiên ở Đắk Lắk bị khởi tố, bắt giam vì để rừng bị tàn phá, đất rừng bị lấn chiếm trái phép.