Bắt giữ đối tượng bán iPhone 'fake' trên Facebook

Cục ATTT khuyến cáo người dùng cảnh giác chiêu trò bán iPhone giá rẻ trên mạng xã hội, quảng cáo máy chính hãng nhưng thực chất là hàng nhái.

 Hộp đựng của một chiếc iPhone. Ảnh: Digital Trends.

Hộp đựng của một chiếc iPhone. Ảnh: Digital Trends.

Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.

Hầu hết chiêu thức lừa đảo không mới nhưng vẫn có nạn nhân sập bẫy như lừa bán iPhone giá rẻ, hoặc mua vé máy bay từ các tài khoản Facebook không rõ uy tín.

Lừa bán iPhone giá rẻ trên MXH

Cuối tháng 2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đang mở rộng điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức bán điện thoại iPhone giá rẻ trên mạng xã hội.

Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã xác định và bắt giữ đối tượng. Tại đây, chúng khai nhận quảng cáo bán điện thoại iPhone chính hãng, mới nguyên seal (chưa bóc hộp) với giá từ 6,99-7,59 triệu đồng trên Facebook.

 Người dùng cần cảnh giác chiêu trò bán iPhone giá rẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Cục ATTT.

Người dùng cần cảnh giác chiêu trò bán iPhone giá rẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Cục ATTT.

Nhiều người thấy iPhone được bán giá rẻ nên để lại thông tin mua hàng gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại và mẫu máy muốn mua.

Sau đó, các đối tượng sử dụng số điện thoại rác, tài khoản không chính chủ trên app nhắn tin với tên “Ngọc SP”, “Phương SP”, “Hằng SP”... để liên hệ tư vấn bán hàng. Chúng cam kết đây là điện thoại iPhone chính hãng, còn nguyên seal và bảo hành 12 tháng.

Khi khách hàng đồng ý mua máy, các đối tượng gửi hàng cho nạn nhân qua dịch vụ thu hộ, yêu cầu thanh toán tiền cho nhân viên giao hàng rồi mới được kiểm tra.

Trên thực tế, sản phẩm được đối tượng gửi cho khách là điện thoại giả, có thiết kế gần giống iPhone chính hãng.

Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân không nên mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, không nghe tư vấn trên các website khi chưa xác định độ uy tín và an toàn.

Ngoài ra, chỉ giao dịch khi đã xác nhận độ uy tín, đảm bảo người bán cung cấp đủ thông tin, hình ảnh và mô tả chính xác sản phẩm. Cần tỉnh táo khi đọc đánh giá của người mua khác, đồng thời tìm hiểu chính sách bảo hành, hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

Lập tài khoản Facebook để lừa bán vé máy bay

Ngày 26/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Trần Khả Ái (SN 2006, ngụ xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua thủ đoạn lừa bán vé máy bay trên Facebook.

Tại cơ quan công an, Ái khai nhận do không có công ăn việc làm nên lập trang Facebook “Ngọc Minh” (sau đổi tên lần lượt thành “Uyen Tran” và “Tran Nhu Hao”), đăng tải thông tin như một đại lý bán vé máy bay chuyên nghiệp.

 Đối tượng 18 tuổi chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn lừa bán vé máy bay trên Facebook. Ảnh: Cục ATTT.

Đối tượng 18 tuổi chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn lừa bán vé máy bay trên Facebook. Ảnh: Cục ATTT.

Sau đó, đối tượng chia sẻ bài viết lên các hội nhóm mua bán vé máy bay nhằm thu hút khách hàng.

Khi có người liên hệ và chốt đơn, Ái yêu cầu chuyển tiền vào các số tài khoản được chỉ định. Sau khi nhận tiền, đối tượng lập tức chặn liên lạc.

Với thủ đoạn này, đối tượng đã chiếm đoạt số tiền lớn từ các bị hại trên toàn quốc.

Theo điều tra, nạn nhân mà Ái tiếp cận chủ yếu là người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài, có nhu cầu đặt vé về nước hoặc thăm thân. Do đó, việc tìm kiếm bị hại rất khó khăn cho lực lượng Công an.

Theo Cục ATTT, người dân cần tỉnh táo trước khi chuyển tiền trên mạng xã hội, đặc biệt với các quảng cáo mua hàng siêu rẻ, ưu đãi lớn.

Khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng nên đặt vé trực tiếp qua website của hãng hàng không, hoặc gọi lên tổng đài nếu chưa nắm rõ thao tác đặt vé qua mạng.

Trước khi giao dịch, cần xác minh thông tin đặt vé, yêu cầu nhân viên hãng bay kiểm tra thông tin hành trình và khách hàng.

Đặc biệt, không nên giao dịch qua trung gian hay đại lý nếu không nắm rõ chất lượng, độ uy tín. Tuyệt đối tỉnh táo trước yêu cầu cọc giữ chỗ và website giả mạo, chỉ nên tin tưởng các trang mạng xã hội có tick xanh, hoặc chọn nền tảng biết rõ thông tin người bán.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/bat-giu-doi-tuong-ban-iphone-fake-tren-facebook-post1462909.html