Bắt giữ ông trùm ngành ô tô Carlos Ghosn: Ranh giới mong manh giữa công và tội

Từ chỗ là một trong những giám đốc điều hành có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, ông trùm xe hơi Carlos Ghosn hiện đã bị cách hết các chức vụ, thậm chí đối mặt nguy cơ ngồi tù vì cáo buộc khai man thu nhập.

Carlos Ghosn.

Carlos Ghosn.

Vụ bắt giữ lúc bình minh

Khoảng 4h35 phút ngày 19/11/2018, chiếc máy bay tư nhân Gulfstream của ông trùm ngành công nghiệp ô tô Carlos Ghosn hạ cánh xuống Sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Tuy nhiên, khi chiếc máy bay vừa dừng lại, một chiếc ô tô tải màu đen bất ngờ xuất hiện ở đường băng. Sau đó, một nhóm những người đàn ông trong âu phục màu đen bước lên máy bay.

Đó là các điều tra viên của Văn phòng công tố viên Tokyo. Họ đến để thẩm vấn doanh nhân 64 tuổi vì các cáo buộc ông này đã không khai báo đầy đủ thu nhập, chính xác là khai báo chỉ một nửa tổng số thu nhập mà ông nhận được trong vòng 5 năm. Tổng số tiền mà Ghosn bị cáo buộc đã khai man để trốn thuế là khoảng 44 triệu USD.

Việc lấy lời khai được thực hiện ngay trên chiếc máy bay. Để đảm bảo sự riêng tư cho nhân vật khá nổi tiếng đang bị thẩm vấn, những tấm rèm che cửa sổ của máy bay đã được kéo xuống. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình từ khi nhóm điều tra viên xuất hiện đã bị ghi hình lại và sau đó xuất hiện trên trang web của tờ Asahi Shimbun. Tờ báo này sau đó đã xuất bản một bản tin sử dụng kỹ thuật trình bày đặc biệt với tiêu đề “Ghosn sẽ bị bắt”.

Bản tin đã gây chấn động các diễn đàn tin tức và thương mại trên toàn cầu. Đến 22h00 cùng ngày, Giám đốc điều hành của Nissan Hiroto Saikawa chủ trì họp báo để nói về những cáo buộc mà Ghosn đang đối mặt; đồng thời thông báo Nissan sẽ tiến hành cuộc họp ban giám đốc trong vòng ba ngày để xem xét về vụ việc.

Trong khi đó, các điều tra viên của Nhật Bản vẫn tiếp tục thực hiện công việc của họ. Đến khoảng 17h00 cùng ngày, có thêm 10 người đàn ông khác bất ngờ xuất hiện tại bàn tiếp tân ở trụ sở của Nissan ở Yokohama. Một nhóm khác xuất hiện tại nhà riêng của ông Ghosn ở khu căn hộ sang trọng thuộc quận Motoazabu của thủ đô Tokyo.

Đến khoảng 17h30 cùng ngày, các phóng viên đã xuất hiện quanh khu nhà chọc trời vốn là nơi ở của nhiều ngôi sao và giới siêu giàu. Bản thân vị doanh nhân người Pháp, sinh ra ở Brazil này đã phải làm việc trong nhiều giờ với các công tố viên ở trong máy bay riêng của ông, ban đầu là trên cơ sở tự nguyện, còn sau đó là bị bắt giữ.

Ngày 21/11, giới chức Nhật Bản thông báo gia hạn thời gian tạm giam để phục vụ việc điều tra thêm 10 ngày đối với Chủ tịch Nissan.

Trụ sở của Nissan.

Trụ sở của Nissan.

Theo đúng kế hoạch được công bố, ngày 22/11, ban giám đốc của Nissan đã nhóm họp tại trụ sở của công ty để bàn về số phận của người đàn ông vẫn được ghi nhận là đã có công cứu cả công ty. Cuộc họp bắt đầu lúc 16h00 và theo kế hoạch sẽ diễn ra trong khoảng hai tiếng đồng hồ nhưng cuối cùng đã kéo dài gấp đôi.

Đến 21h30, Nissan tuyên bố miễn nhiệm chức chủ tịch đối với ông Ghosn. Nissan cho biết đã phát hiện những sai phạm nghiêm trọng của chủ tịch tập đoàn, trong đó có việc khai báo man về lương thưởng. Sau một tháng tiến hành điều tra nội bộ, Công ty đã bàn giao bằng chứng cho nhà chức trách.

Cơ quan công tố Nhật cáo buộc Ghosn và giám đốc đại điện Greg Kelly đã câu kết với nhau khai báo mức lương của chủ tịch của Ghosn thấp hơn năm lần so với thực tế.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2015, thu nhập của ông Ghosn được khai báo là 4,987 triệu yên (44,5 triệu USD) nhưng trên thực tế là 9,998 triệu yên. Nissan cũng cáo buộc ông này sử dụng tài sản công ty vào mục đích cá nhân.

Theo đài NHK, Nissan đã chi những khoản tiền lớn để mua những ngôi nhà sang trọng cho ông Ghosn ở Rio de Janeiro, Beirut, Paris và Amsterdam mà không có lý do kinh doanh hợp lý.

Sự nghiệp lừng lẫy

Trước khi bị bắt giữ, Carlos Ghosn là một trong những giám đốc điều hành có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Sự nghiệp lừng lẫy của Ghosn đã khiến ông trở thành cái tên quen thuộc với gần như mọi gia đình ở Nhật Bản. Carlos Ghosn sinh năm 1954, từng sống ở Brazil trước khi đến Pháp học Đại học.

Những bước chân đầu tiên của Carlos Ghosn trong ngành công nghiệp xe hơi bắt đầu với vị trí nhân viên tại hãng lốp xe danh tiếng thời bấy giờ Michelin. Về sau, ông được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo của công ty, làm việc tại nhiều thị trường của Michelin trên thế giới.

Song, là một người giàu tham vọng, năm 1996, nhận thấy khó có chỗ đứng tại Michelin, ông quyết định rời công ty đã gắn bó gần 20 năm để tới làm việc cho hãng xe Renault của Pháp. Đó là thời điểm Renault đang chìm trong khó khăn.

Chủ trương mạnh tay cắt giảm chi phí, nhân viên, đóng cửa những nhà máy hoạt động không hiệu quả của Ghosn đã giúp hãng xe của Pháp hồi sinh và có lãi trở lại. Cũng chính vì lý do này mà ông được trao cho biệt danh “Sát thủ chi phí”.

Năm 1999, Ghosn là người đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ đối tác giữa Renault và hãng Nissan của Nhật. Đàm phán thành công, Ghosn được giao giữ chức CEO Nissan ở thời điểm hãng xe này đang đứng bên bờ vực phá sản.

Chỉ một năm sau đó, Ghosn thông báo kế hoạch cải tổ toàn diện Nissan. Một lần nữa, Carlos Ghosn đã chứng minh được năng lực của mình, đưa Nissan dần có lãi và giảm nợ chỉ sau hai năm. Đến năm 2005, Nissan đã hoàn thành kế hoạch bán được một triệu xe.

Cũng trong năm đó, Ghosn trở thành Chủ tịch kiêm CEO Renault. Carlos Ghosn là nhà lãnh đạo đầu tiên trên toàn cầu điều hành đồng thời cả hai doanh nghiệp có tên trong danh sách Fortune Global 500.

Tháng 4/2016, CEO của công ty Mitsubishi đề nghị Ghosn hỗ trợ phục hồi hãng xe sau bê bối nhiên liệu. Chủ tịch Nissan đã quyết định thâu tóm 34% cổ phần tại Mitsubishi Motors để trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp đang gặp khó khăn này. Sau thương vụ trên, Mitsubishi Motors cũng chính thức gia nhập liên minh Renault – Nissan.

Cuối năm 2016, Ghosn được bầu làm Chủ tịch Mitsubishi Motors. Tài năng lãnh đạo của Ghosn là điều không ai phủ nhận nhưng trên thực tế, từ trước khi bị bắt giữ, ông đã gây ra những lo ngại về việc tự quyết định mức lương cao cho bản thân cũng như cáo buộc có lối sống quá mức xa hoa.

Tiền lương của Carlos Ghosn từ lâu cũng được đánh giá là vấn đề phức tạp vì nhận lương từ cả Renault, Nissan và Mitsubishi. Ngoài ra, ông cũng bị cáo buộc trả lương quá cao cho bản thân.

Truyền thông dẫn lời những nhân viên miêu tả ông là một người tham lam, “lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền”. Sau Nissan, Hội đồng quản trị của Mistsubishi Motors ngày 26/11 cũng đã họp bàn và quyết định miễn nhiệm chức vụ chủ tịch của Carlos Ghosn.

Thông tin về cú ngã ngựa của Chủ tịch Nissan đã khiến thị trường chao đảo. Cổ phiếu của Nissan đã mất hơn 5% điểm sau khi thông tin Carlos Ghosn bị bắt giữ bị công bố. Công ty Mitsubishi cũng mất gần 7% điểm.

Cổ phiếu Renault cũng đã bị mất hơn 12% điểm ở một số thời điểm. Cả Pháp và Nhật Bản sau đó đã có những động thái để trấn an thị trường về liên minh Nissan, Renault và Mitsubishi Motors. Bộ trưởng tài chính của cả 2 nước đều đã lên tiếng cam kết mạnh mẽ ủng hộ liên minh này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng khẳng định bảo đảm sự ổn định của Renault – công ty có 15% vốn nhà nước của Pháp.

Nếu bị buộc tội cố ý che giấu thu nhập, ông trùm ngành công nghiệp xe hơi có thể phải nhận mức án lên đến 10 năm tù giam, bị phạt tiền 10 triệu yên. Tại Pháp, Bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire thông báo cũng đã yêu cầu mở cuộc điều tra về các vấn đề thuế của Ghosn ngay sau khi ông bị bắt ở Nhật. Tuy nhiên, giới chức Pháp cho biết chưa phát hiện dấu hiệu bất thường trong hồ sơ thuế má của Carlos Ghosn./.

Hoàng Nam

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/phong-su-dieu-tra/bat-giu-ong-trum-nganh-o-to-carlos-ghosn-ranh-gioi-mong-manh-giua-cong-va-toi-428261.html