Bắt hai nhóm cho vay lãi nặng uy hiếp con nợ ở Đắk Nông
Khi người vay chưa kịp trả tiền đúng hẹn, các đối tượng sẽ đòi nợ bằng cách đe dọa, dùng vũ lực để cưỡng đoạt tài sản.
Ngày 29/10, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Đắk Nông cho biết vừa bắt giữ 2 nhóm chuyên cho vay lãi nặng.
Theo đó, chiều 27/10, Phòng CSHS bắt giữ Đào Văn Khắc (SN 1986) và Đào Văn Cương (SN 1987, cùng ngụ huyện Lý Nhân, Hà Nam) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Khắc và Cương đến tỉnh Đắk Nông hoạt động cho vay lãi nặng từ tháng 6/2023. Hai đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook để quảng cáo dịch vụ cho vay tiền. Khi người dân có nhu cầu, các đối tượng sẽ gặp trực tiếp, kiểm tra hoàn cảnh kinh tế của người vay. Hai đối tượng chỉ cho vay đối với những người có nghề nghiệp ổn định và có hoạt động kinh doanh buôn bán.
Theo đó, hai đối tượng cho vay với hình thức trả góp theo ngày, số tiền cho vay dao động từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng/1 lần vay. Khi vay tiền, người vay phải chịu chi phí làm thủ tục 250.000 đồng đến 2,5 triệu đồng và chịu lãi suất tương đương 365%/năm.
Với thủ đoạn cho vay trên, từ tháng 6/2023 đến nay, Khắc và Cương đã cho 169 lượt người vay với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 500 triệu đồng.
Ngoài ra, ngày 15/10, Phòng CSHS Công an tỉnh Đắk Nông cũng bắt giữ Bạch Thành Lâm (SN 1991) và Vũ Văn Hạnh (SN 1984, cùng ngụ huyện Đắk G’long, Đắk Nông).
Theo kết quả điều tra, hai đối tượng này cho vay nặng lãi từ cuối năm 2022 đến khi bị bắt. Lâm và Hạnh cho một số người dân trên địa bàn huyện Đắk G’long vay tiền với lãi suất từ 180%/năm, thu lợi bất chính khoảng 800 triệu đồng.
Khi người vay chưa kịp trả tiền nợ theo đúng hạn, các đối tượng này đã đe dọa, dùng vũ lực để cưỡng đoạt tài sản.
Hiện 2 vụ việc đang được Công an tỉnh Đắk Nông điều tra mở rộng.
Theo Công an tỉnh Đắk Nông, tội phạm “tín dụng đen” là nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội phạm khác, trong thời gian tới các đơn vị Công an trong tỉnh tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh hơn nữa với loại tội phạm này. Từng đơn vị, địa phương phải nắm sát tình hình hoạt động liên quan “tín dụng đen”, chủ động phát hiện và phối hợp để đấu tranh, bóc gỡ, kiên quyết không để loại tội phạm này tiếp tục hoạt động, góp phần kiềm chế và kéo giảm tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.