'Bắt' lao chủ động giúp đồng bào thoát khỏi 'cái chết không đáng có'
Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ mắc bệnh lao khá cao trong vùng Tây nguyên. Bình quân hàng năm, ngành y tế tỉnh Gia Lai phát hiện gần 700 bệnh nhân lao trong đó có khoảng trên 50% bệnh nhân lao có vi khuẩn trong đờm.
Điều này phản ánh tình trạng nguồn lây trong cộng đồng còn nhiều, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều khó khăn trong phòng chống lao ở vùng đồng bào dân tộc
Theo BS. Mai Mình Hiền, Giám đốc BV Lao và Phổi Gia Lai, hiện tại, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao các thể tại tỉnh Gia Lai là 45/100.000 người dân; tỷ lệ điều trị khỏi lao phổi AFB (+) mới đạt 82 %. Số người xét nghiệm đờm phát hiện bệnh lao trong dân số còn quá thấp so với chỉ tiêu, vẫn còn hiện tượng bệnh nhân bỏ liệu trình điều trị do đó dẫn đến lao kháng thuốc có xu hướng tăng, điều đáng nói là những trường hợp này lại rơi vào đồng bào dân tộc thiểu số.
BS. Mai Minh Hiền cũng cho biết thêm, do đời sống kinh tế khó khăn cộng với kiến thức về phòng chống lao còn hạn chế nên đa số đồng bào dân tộc thường mắc bệnh nặng mới đến BV khám khi phát hiện bệnh đã nặng. Hơn nữa khi điều trị ổn bệnh nhân được phát thuốc về nhà lại không tuân thủ phác đồ điều trị dẫn đến khó khăn trong công tác phòng chống lao.
Cùng quan điểm trên, BS. Kpă Hip – Trạm trưởng trạm y tế xã IaMlah huyện Krông Pa cho biết, nhân lực của trạm y tế có hạn chỉ có 6 người mà làm rất nhiều đầu việc từ tiêm chủng, dự phòng đến dân số, sốt rét… Mặt khác do đời sống kinh tế còn khó khăn nên bà con cũng chủ yếu 'nhịn đau' chứ không đi khám bệnh, có những bệnh nhân ho ra máu mà vẫn đi rẫy, đi nương. Ngoài ra, một trong những vấn đề mà chúng tôi cũng rất trăn trở trong công tác tuyên truyền phòng chống lao đó là việc không tuân thủ điều trị của người bệnh. Có những bệnh nhân điều trị tại Trung tâm y tế huyện đã đỡ sau đó được cho thuốc về nhà uống. Dù vậy người thì nhớ, người lại quên nên bỏ thuốc do vậy nhiều người khi quay lại Trung tâm y tế thì đã kháng thuốc. Mà Lao kháng thuốc điều trị rất mệt mỏi…
Theo Chương trình chống lao quốc gia, ước tính hàng năm tại Gia Lai có khoảng 2.500 người mắc lao. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân lao các thể phát hiện hàng năm của Gia Lai chỉ khoảng 670-700 trường hợp. Như vậy, số bệnh nhân lao tiềm ẩn nhiều và là nguồn lây lan trong cộng đồng là rất lớn.
Bà Khuất Thị Hải Oanh-Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết: Qua đi thực địa tại Gia Lai, chúng tôi nhận thấy công tác phòng-chống lao còn gặp rất nhiều khó khăn bởi địa bàn rộng; nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về phòng-chống lao còn hạn chế; điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn… Vì vậy, người dân chưa chủ động trong việc sàng lọc, khám-chữa bệnh lao. Trong khi đó, bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nên rất dễ làm lây lan trong cộng đồng.
Chủ động 'bắt lao' để tránh những 'cái chết không đáng có'
Để tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030 ngành y tế Gia Lai, năm 2022, SCDI đã phối hợp với Chương trình chống lao của tỉnh triển khai khám sàng lọc chủ động bệnh lao trong cộng đồng dự án Tăng cường mạng lưới cộng đồng chấm dứt bệnh lao (CSET).
Theo đó, bằng hình thức chủ động đưa xe chụp Xquang xuống tận các thôn, làng khám tầm soát bệnh lao, nhiều bệnh nhân lao ngoài cộng đồng đã được kịp thời phát hiện và đưa vào điều trị.
Ông Lê Mo Toai, dân tộc Chăm, 72 tuổi, sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn của buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai là một minh chứng. Con gái ông Lê Mo Toai cho biết, trước khi được phát hiện bệnh lao bố cô ho nhiều, tuy nhiên không đi khám vì gia đình rất khó khăn. Khi dự án được triển khai tại xã, thấy ông Toai có nguy cơ bệnh lao, cán bộ chuyên trách và cộng tác viên của CSET đã mời ông ra nhà văn hóa thôn để tầm soát bệnh lao sớm. Sau đó ông được phát hiện mắc bệnh lao và được CSET hỗ trợ đưa đi điều trị. Hiện nay, ông Lê Mo Toa đã điều trị bệnh lao được 6 tháng. Điều trị lao khá tốn kém tuy nhiên ông Lê Mo Toa được cấp BHYT thanh toán 100% nên ông điều trị bệnh lao nhưng được miễn phí hoàn toàn.
Tương tự, trường hợp của ông Kpă Chức dân tộc Gia Rai ở thôn Tân Túc, xã IaMlah huyện Krông Pa bị ho rất lâu nhưng không dám đi khám vì sợ tốn tiền. Khi được vận động tham gia khám bệnh miễn phí theo chương trình sàng lọc, tầm soát bệnh lao của SCDI, ông Kpă Chức đi ngay. Không ngờ ông cũng bị nhiễm lao. Khi biết tin mắc bệnh lao ông vô cùng lo lắng vì trước đây thôn ông là thôn nghèo nên được phát BHYT miễn phí, tuy nhiên vừa rồi địa bàn được ra khỏi vùng khó khăn do đó ông không được nhà nước cấp thẻ miễn phí nữa. Ông Kpă Chức đã tính đến việc không chữa nữa, nhưng khi được cán bộ y tế giải thích mua thẻ BHYT thì sẽ không phải thanh toán chi phí nào, đồng thời ông được dự án hỗ trợ tiền mua thẻ, ông đã mua thẻ hộ gia đình và yên tâm chữa bệnh lâu dài.
Ông Rơ Châm Lộc, cán bộ chuyên trách lao xã Đất Bằng cho biết: "Cho tiền thì bà con ăn cũng hết, ý nghĩa nhất là bà con có được thẻ bảo hiểm y tế để điều trị bệnh mỗi khi đau ốm. Đối với người nghèo bị bệnh mới thấy hết được giá trị của thẻ bảo hiểm y tế.
Theo kết quả thống kê 6 tháng đầu năm 2022, chương trình chống lao đã phát hiện được hơn 48.000 bệnh nhân lao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Từ tháng 1.2022 đến tháng 12.2023, SCDI hỗ trợ 3 huyện của tỉnh Gia Lai (Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông ) sàng lọc và điều trị bệnh nhân lao ngoài cộng đồng. Ngoài ra, SCDI cũng đã hỗ trợ bệnh nhân nghèo mua thẻ BHYT để họ yên tâm điều trị, nâng cao ý thức trong nhận biết và phòng chống bệnh lao; ngăn ngừa sớm nguồn lây trong cộng đồng.
Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nói chung và chấm dứt bệnh lao ở vùng đồng bào dân tộc khó khăn nói riêng nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.