Bất lực Nguyễn Quang Thiều?
Sự kiện hút người Hà Nội những ngày đầu năm mới này có lẽ là Triển lãm cá nhân đầu tiên của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Triển lãm có cái tên Người thổi sáo khai mạc hôm nay, ngày 7/1 tại Art Space, Đại học Mỹ thuật Việt Nam (số 42 phố Yết Kiêu, Hà Nội)
Nguyễn Quang Thiều vẽ. Họa sĩ Nguyễn Quang Thiều chứ còn gì nữa? Nhưng ai đó, một mỹ nhân nuột nà chẳng hạn. Hoặc một khuôn mặt trời đã vạc, tạc những gồ ghề u mấu sẵn có của hội họa, nói tóm lại một thứ mặt rất điêu khắc bảo Thiều thử mần cái ký họa hay đơn giản, dựng hình thôi là Thiều ta chịu chết. Thiều đâu có qua lớp hội họa nào? Đúng hơn là không có hoặc bặt vắng đi kỹ năng sao chép. Có người nói Thiều là người đi qua cánh đồng hội họa là vì thế. Đó là cái yếu, thế yếu của Thiều.
Coi tranh Thiều chợt ngộ ra cảm giác ngồ ngộ lẫn khủng khiếp. Một nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đa đoan xôm tụ chữ nghĩa đùng cái, như bất lực, như bị thúc thủ lời!
Từng là chủ soái của văn đàn chữ nghĩa ấn tượng siêu hình, Thiều mặc sức hô phong hoán vũ thế nào mà chả được, chả xong? Mà chiếu ấy đâu có mấy người dám ngồi để so đo đối diện với những con chữ cùng giọng thơ lạ Nguyễn Quang Thiều riêng có trên thi đàn Việt?
Nguyễn Quang Thiều như thứ Phù thủy vẫn miệt mài ma mỵ làm cái việc thả âm binh trên cánh đồng ma ấy sẽ gặt tiếp những bội thu mùa màng bao nhiêu những suýt soa của thiên hạ? Nhưng tay phù thủy ấy, hoặc là đã chán cái việc vung thả âm binh? Hoặc đã bất lực thứ ngôn ngữ lời- như thời khắc này chả hạn- gã vớ lấy cọ lấy bút vẽ và bắt đầu lên đồng bày ra một cuộc chơi mới bằng màu sắc!
Nguyễn Quang Thiều bày cuộc chơi sắc màu mới chỉ vài năm nay. Vậy mà chưa có cuộc bày tranh nào mà ối người đã nhắc, đã nắc nỏm?
Đến đây phải rành rẽ một định đề. Ông bà mình vẫn nói, phù thủy mà không khiển được âm binh thì âm binh nó sẽ quay lại bóp cổ phù thủy! Phù thủy Nguyễn Quang Thiều chưa bao giờ nghẹt thở hoặc ằng ặc bởi thứ âm binh bất trị ngỗ ngược nào cả. Mà đội ngũ âm binh của những quân đoàn siêu hình ấn tượng ấy bao năm nay dưới sự điều binh khiển tướng của Tư lệnh Thiều vẫn lớp lang thiện chiến lần lượt đánh chiếm bao thành lũy của lòng người vốn dĩ khó đo bởi nhân tâm nan trắc? Rẽ ngang vào cánh đồng hội họa, phù thủy chữ nghĩa Nguyễn Quang Thiều hình như lại được sự mách bảo của thứ vô thức của con Tạo vốn đành hanh vốn hay trêu cợt người tài- chiều mị tiếp! Chiều mỵ bởi thứ vô thức nào đó đã đặt vào đầu truyền sang tay cậu bé hài đồng Nguyễn Quang Thiều cái mảng màu cùng thứ hòa sắc của như nhiên, vi nhiên vậy?
Chắc sau cái triển lãm đầu tay này sẽ có những nối dài của sự riết róng hoặc thâm trầm làm cái việc phân tích tranh của Thiều những chủ đề những âm hưởng chủ đạo này nọ? Nhưng theo thiển ý của người viết bài này, nếu có âm hưởng chủ đạo thì là thứ Như Nhiên Vi Nhiên vậy! Tất nhiên ai đó sẽ khó tránh sẽ lấn bấn cái cảm giác như hoang mang như loạn cào cào khi xem tranh Thiều.
Nhưng cảm giác ổn vẫn là quán xuyến? Có vẻ như người coi đã được cung cấp thứ tự vị nào đó để coi để giải mã tranh Thiều bởi từng tiếp cận với những đa tầng ngữ nghĩa của những tập thơ Sự Mất Ngủ Của Lửa , Cây Ánh Sáng… cùng các tập thơ khác và nhiều tác phẩm văn xuôi của Thiều. 53 bức sơn dầu, màu nước, pastel giăng trong Triển lãm kia, có ai đó sẽ nghĩ như một sự sắp đặt của màu sắc của hình khối khá khéo để đem lại sự thuận mắt, bắt mắt? Nhưng thiển nghĩ, đó là một một sự nối dài, một tổng thể, một tập hợp của những bấy bớt non tơ và hồn nhiên của hài đồng Nguyễn Quang Thiều! Và như đang thấp thoáng sự nối thêm cái phần hồn nhiên ma mỵ vốn là sự bất biến trong thơ Thiều?
Viết đến đây chợt nhớ năm xa, ngồi hút thuốc lào với ông trung tướng Hữu Ước. Ông thảy ra bức tranh của Nguyễn Quang Thiều mới tặng. Và ông cũng đọc bài thơ của ông mới viết hồi đêm khi được tặng tranh. Bài thơ có cái tên Thiều vẽ con bò mùa đông. Không nhớ bức ấy là thuốc nước hay sơn dầu. Nhưng tôi ngạc nhiên cùng thú vị trước những lời thơ hồn nhiên, chất phác và có phần… ngây ngô về những đường nét trong tranh cũng có nét hồn nhiên cùng mộc mạc ngây ngô chả kém? Và chợt choàng tỉnh bởi bắt gặp ngay cái được của hai vị vừa phát lộ có cái chất như nhiên vi nhiên?
Như nhiên vi nhiên. Tãi ngữ nghĩa của cụm từ ấy ra thì rậm. Nhưng như một thứ mề đay để tưởng thưởng cho những sáng tạo dung dị sống động không cũ với người đời cùng thời gian.
Bất lực cũng chỉ là một cách nói. Là Nguyễn Quang Thiều đang tạm lánh tạm ẩn đi. Đang hồn nhiên thả bước chứ chẳng phải lạc bước sang ngôn ngữ hội họa một chút. Tôi từng may mắn được ngồi xem nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn miệt mài vẽ tranh. Nhạc sĩ Hoàng Vân cặm cụi thần thái với những bức thư pháp. Chớ vội nghĩ hai nhạc sĩ tài danh ấy đang sắp sửa chuyển ngạch đổi nghề. Mà hai vị ấy đang chuyển đi thứ thông điệp mà trong khuông nhạc trong tiết tấu giai điệu (mà nghề này phải gọi hai vị này là tiên sư) họ dường như bỗng chốc thấy bất lực! Tãi và trưng cảm giác ấy lên tranh lên thứ chữ tượng hình, họ cần thứ tri âm nào đó để đọc để giải mã.?
Mong sao cho cảm giác những khoảnh khắc những vi nhiên như nhiên ấy ám và đeo bám dài dài với con người thi nhân kiêm quan chức Nguyễn Quang Thiều!
Nguyễn Quang Thiều, sinh năm 1957 tại thôn Hoàng Dương (Làng Chùa), xã Sơn Công, huyên Ứng Hòa, Hà Nội Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi.
Thơ:
Ngôi nhà tuổi 17 (1990)
Sự mất ngủ của lửa, 1992
Những người đàn bà gánh nước sông, 1995
Những người lính của làng, 1996
Thơ Nguyễn Quang Thiều, 1996
Nhịp điệu châu thổ mới, 1997
Bài ca những con chim đêm, 1999
Thơ tuyển cho thiếu nhi, 2004
Cây ánh sáng, 2009
Châu thổ, 2010
Văn xuôi (Tiểu thuyết, truyện ngắn):
Mùa hoa cải bên sông, 1989
Cái chết của bầy mối, 1991
Người đàn bà tóc trắng, 1993
Đứa con của hai dòng họ, 1996
Thành phố chỉ sống 60 ngày, 1991
Vòng nguyệt quế cô đơn, 1991
Cỏ hoang, tiểu thuyết, 1992
Tiếng gọi tình yêu, 1993
Kẻ ám sát cánh đồng, 1995
Người đàn bà tóc trắng, truyện ngắn, 1996
Đứa con của hai dòng họ, truyện ngắn, 1997
Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều, 1998
Người cha, truyện thiếu nhi, 1998
Bí mật hồ cá thần, truyện thiếu nhi, 1998
Con quỷ gỗ, truyện thiếu nhi, 2000
Ngọn núi bà già mù, truyện thiếu nhi, 2001
Người nhìn thấy trăng thật, truyện ngắn, 2003
Người, chân dung văn học, 2008
Ba người, chân dung văn học (in chung), 2009
Có một kẻ rời bỏ thành phố, tiểu luận, 2010
Trong ngôi nhà của mẹ,2016
Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch.
Ngoài giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1993, giải A cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa, Nguyễn Quang Thiều còn nhận được hơn 20 giải thưởng văn học khác trong và ngoài nước.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/bat-luc-nguyen-quang-thieu-1775283.tpo