Bất lực trong việc phục hồi môi trường tại các mỏ khoáng sản?

Nhìn môi trường tại các mỏ khoáng sản sau khi khai thác ở H. Hòa Vang, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung nói: "Chiến tranh thế giới cũng không nham nhở thế". Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thì so sánh chẳng khác gì "phim trường Hollywood". Còn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng Tô Văn Hùng thì nói thẳng, chỉ có cấm khai thác chứ không cách gì mà phục hồi được. Vậy, không lẽ bất lực trong việc hoàn thổ môi trường sau khi khai thác các mỏ khoáng sản? Ý tưởng phát triển Hòa Vang thành đô thị sinh thái sẽ thế nào?

Hiện nay Đà Nẵng có 31 mỏ khai thác khoáng sản, trong đó 3 mỏ đá đang lập hồ sơ gia hạn giấy phép, 28 mỏ có giấy phép đang còn hiệu lực. Đến cuối năm 2020, 19 mỏ sẽ phải đóng cửa (15 mỏ đá, 3 mỏ đất đồi, 1 mỏ cát sông) và 12 mỏ còn thời hạn hoạt động trong giai đoạn 2020-2025 (10 mỏ đá, 1 mỏ đất sét, 1 mỏ vàng gốc). Trong số 44 mỏ đã kết thúc khai thác khoáng sản thì 15 mỏ đã hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường được giao cho địa phương quản lý; 22 mỏ đang phục hồi môi trường; 3 mỏ đang lập hồ sơ và 4 mỏ không lập hồ sơ phục hồi môi trường. Với 4 mỏ không thực hiện phục hồi môi trường, TP đã xử phạt Cty CP VLXD Fococev (mỏ đá Phước Thuận 3, xã Hòa Nhơn) 100 triệu đồng. 3 mỏ khác gồm Cty Thạch Toàn (mỏ đá Hố Sanh, xã Hòa Nhơn), Cty Hoàng Khoa (mỏ đá Phước Hậu, xã Hòa Nhơn), Cty Hòa Phát (mỏ đá Hòa Phát, P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ) TP đang lập hồ sơ xử lý. Ngoài ra, TP cũng xử phạt Cty CP An Tâm (mỏ đất đồi thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh) và Cty CP tập đoàn Nguyễn Phan Chánh (mỏ đất đồi thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn) mỗi đơn vị 120 triệu đồng về hành vi chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ.

Ông Nguyễn Thành Tiến- Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng cho biết, hiện các mỏ đang còn hoạt động theo giấy phép chưa đảm bảo về môi trường. Chẳng hạn giữa trạm nghiền, mỏ, bãi chứa vật liệu chưa hợp lý. Tình hình khai thác thiếu kiểm soát như ở các thôn Phước Thuận, Phước Nhơn (xã Hòa Nhơn) dẫn tới suy thoái môi trường rất nghiêm trọng, hiện trạng toàn đồi trọc. Ông Tiến nói, các mỏ này thường sẽ khai thác đến lớp đất cứng thì dừng lại bàn giao, nhưng lúc đó trồng rừng phục hồi rất khó, không giao được cho chủ hộ trồng rừng. Cũng theo ông Tiến, với các mỏ khoáng sản mới, quy trình cấp phép lâu nay còn bất cập, như có mỏ nhưng không đề cập tới bãi, trạm nghiền (trong đánh giá tác động môi trường cũng không nêu) nên chủ mỏ tự đi thỏa thuận thuê đất tìm bãi nghiền, dẫn tới ô nhiễm với dân cư rất lớn.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng thông tin, ở các nước, khi cấp phép cho một mỏ khai thác thì sau đó gần như đóng cửa, là khu vực chết. Ở mình nói phải phục hồi môi trường, điều này rất khó, không bao giờ phục hồi được. Về nguyên tắc lớp đất đã bóc lên giờ muốn phục hồi nguyên trạng phải bù lại, nhưng thực tế bù thế nào? Chưa kể, khu vực mỏ phải luôn luôn cách ly hoàn toàn với khu dân cư, ở mình thì khu dân cư nằm ngay trong khu vực mỏ, hết sức xót xa. "Tôi thì mong muốn đóng hết, không cấp phép các mỏ, không cho khai thác nữa thì sẽ giữ gìn môi trường tốt. Tuy nhiên, TP đang trong quá trình xây dựng, nguồn nguyên liệu ở đâu phục vụ xây dựng? Về lý nếu nói nguồn nguyên liệu lấy từ địa phương khác thì giá trị cao lên, đó là cái hết sức bất cập", ông Hùng nói. Vị Giám đốc Sở TN&MT cũng thừa nhận bất cập trong quản lý, phê duyệt đề án này kia nhưng thực tế không bao giờ làm được. Chẳng hạn cũng yêu cầu phun rửa xe khi ra khỏi mỏ cho nó sạch sẽ, nhưng rồi… đúng là bất cập.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung nhận xét, lên Thạch Nham (Hòa Nhơn) bây giờ rất nham nhở, chiến tranh thế giới cũng không nham nhở thế. Lên nhìn rồi mới thấy, đừng nói phát triển phía Tây hay TP môi trường. Thực tế đã vậy phải có giải pháp, đừng nói như nước ngoài khai thác xong rồi đóng cửa, không sử dụng được. Theo ông Trung, để lại hậu quả này do việc xử lý vi phạm bỏ ngỏ. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, từ năm 2017 đến nay TP không cấp phép mới một mỏ khoáng sản nào. Tất cả các mỏ đã ngừng khai thác phải thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường. Theo ông Thơ, việc Giám đốc Sở TN&MT nói không thể phục hồi môi trường các mỏ chỉ đúng một phần, phải có cách, phải nghiêm khắc. "Tôi không đồng ý có một số cán bộ của Sở TN&MT không nghiêm túc, không rắn, có sự xuê xoa, dễ dãi. Đã thiết kế thế nào thì phải lập y thế đó. Sau này tôi mới yêu cầu giữa Sở TN&MT và Sở Xây dựng khi thiết kế mỏ khai thác phải ngồi lại với nhau để thống nhất cho ra mặt bằng cụ thể sau khai thác. Chứ không thể để ông DN cái nào mềm ông gặm, cái cứng ông để lại giống y như phim trường Hollywood. Chỗ này quan trọng nhất là Sở TN&MT và H. Hòa Vang, 2 đơn vị xuề xòa, dễ dãi với nhau cho nên tiếp tay cho các DN khai thác mỏ làm theo kiểu ẩu đó", ông Thơ gay gắt.

Những ngọn đồi bị bóc trọc, nham nhở.

Những ngọn đồi bị bóc trọc, nham nhở.

Cũng theo ông Huỳnh Đức Thơ, hiện trạng khai thác để lại môi trường nham nhở có từ lâu, hàng chục năm trước, bây giờ phải đi cải tạo, hoàn thổ. Việc hoàn thổ khó cũng phải làm, và làm được. Ông Thơ nói: "Khó thì khó rồi, nhưng anh qua Singapore thấy họ làm tòa nhà cao tầng, mang áo trắng đi qua đi lại vẫn sạch bưng, làm gì có hạt bụi. Họ cũng như mình nhưng họ làm được, mình cũng phải cố gắng, cái này phải rút kinh nghiệm chứ không bảo thủ".

Rõ ràng việc trồng cây, phục hồi môi trường sau khi khai thác các mỏ khoáng sản rất khó vẫn phải có giải pháp. Đặc biệt, khi Đà Nẵng có định hướng tập trung phát triển khu vực phía Tây.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_212560_bat-luc-trong-viec-phuc-hoi-moi-truong-tai-cac-mo-khoang-san-.aspx