BẮT MẠCH BỆNH VÔ CẢM (*): Cần trái tim nóng và cái đầu lạnh
Khi xã hội còn nhiều tiêu cực, lọc lừa khiến một số người đánh mất lòng tin, chúng ta cần có sự yêu thương và tỉnh táo để có cách xử lý phù hợp với mỗi tình huống
Maksim Gorky nói rằng "Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương". Biểu hiện của nó là sự vô cảm - nơi con người sống thờ ơ, lạnh nhạt, vô trách nhiệm.
Vô cảm có tính lây lan
Một số vật nuôi do sống gần gũi với con người lâu ngày nên đôi lúc có những biểu hiện giống như cảm xúc. Thế nhưng, chỉ riêng loài người mới có khả năng cảm xúc. Cảm xúc là đặc ân mà đấng tạo hóa đã ưu ái dành tặng riêng cho con người.
Vô cảm nghĩa là không có cảm xúc. Người vô cảm là người mất khả năng xúc cảm, trở nên chai sạn trước cái xấu, mất sự nhạy cảm trước cái đẹp. Tự tước bỏ món quà quý giá được ban tặng, người vô cảm là người nghèo xét về mặt tâm hồn. Vô cảm vì thế không phải là căn bệnh về sinh lý mà là căn bệnh của tâm hồn.
Thản nhiên trước bất công và ngang trái, gặp trường hợp khó khăn không giúp dù có khả năng, lạm quyền và hiếp đáp, trơ lì trước nỗi đau của đồng loại (lẫn con vật)… Đó là biểu hiện của bệnh vô cảm. Rộng hơn, vô cảm còn là sự thờ ơ, vô trách nhiệm, thậm chí còn góp phần gây ra những nguy cơ cho môi trường sống và cộng đồng trong tương lai, bao gồm các vấn đề như rác thải, nguồn nước, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bất công xã hội…
Vô cảm là một dạng virus có tính lây lan. Khi một xã hội có nhiều người mắc bệnh vô cảm sẽ trở thành một xã hội vô cảm. Một xã hội trong đó con người trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, chỉ biết vun vén và tư lợi; không vì lợi ích chung của cộng đồng, không đấu tranh chống lại cái ác, không cổ xúy xây dựng điều lành thì sẽ phải chìm đắm trong đau khổ. Bởi ban đầu kẻ xấu là thiểu số, có thể dễ dàng dẹp bỏ nhưng chính sự thờ ơ, vô trách nhiệm của đa số người tốt đã làm cho những kẻ xấu thừa thắng xông lên và ngày càng chiếm ưu thế.
Vô cảm không chỉ gây hại cho cộng đồng và môi trường sống mà còn gây hại cho chính người mắc bệnh. Chưa nói đến việc người đó tự mình làm tắc nghẽn dòng chảy sung túc của quy luật cho và nhận ngay trong đời sống của mình, cũng như gián tiếp gây nên những khó khăn mà các thế hệ con cháu họ yêu thương đời sau phải gánh chịu thì sự vô cảm trước mắt sẽ khiến họ không thể tận hưởng cuộc sống, không biết thổn thức trước cái đẹp, không thể sống một cách thiết tha và hết lòng, đời sống sẽ trở nên vô vị, cô đơn và buồn chán.
Con người hoàn thiện, thế giới cũng hoàn thiện
Khi xã hội vẫn còn nhiều tiêu cực, nơi một số người có thể lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi, khiến người ta đánh mất lòng tin, luôn sống trong trạng thái nghi ngờ, phòng thủ và cư xử với thái độ mặc kệ để tránh cho bản thân khỏi rắc rối thì chúng ta cũng không thể mù quáng trước mỗi sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, chỉ cần có một trái tim nóng mách bảo để yêu thương, kết nối và một cái đầu lạnh để nghĩ suy, phân biệt đúng sai thì dễ dàng tìm ra cách xử lý phù hợp trong mỗi tình huống gặp phải.
Về phía truyền thông, trách nhiệm đưa tin là để cảnh báo nhưng nếu truyền thông đưa tin tiêu cực quá nhiều, thiếu đi những thông tin tốt lành và những câu chuyện truyền cảm hứng thì lại vô tình trở thành nơi gieo rắc sợ hãi - nguyên nhân gây nên căn bệnh vô cảm ở diện rộng.
Để chữa trị căn bệnh vô cảm, cần các giải pháp tuyên truyền, giáo dục và răn đe, kết hợp giữa chính quyền, nhà trường, gia đình, các cơ quan truyền thông và đoàn thể xã hội. Ngoài ra vẫn còn có một cách mang tính trực diện và rốt ráo.
Câu chuyện kể về một người cha đang bận làm việc thì bị đứa con quấy rầy. Ông lấy cuốn tạp chí kế bên, rứt ra một trang trong đó in bản đồ thế giới, xé nhỏ trang giấy, ông đố đứa con có thể xếp và dán lại như cũ. Nhiệm vụ này bé phải mất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành, ít nhất là giữ bé yên lặng cho đến khi ông xong công việc của mình. Thế nhưng chưa đầy 10 phút sau, đứa bé đưa lại cho ông trang giấy với bản đồ thế giới được dán hoàn chỉnh, chính xác. Người cha hết sức ngạc nhiên, hỏi con làm cách nào có thể hoàn thành nhanh như vậy. Đứa bé trả lời đằng sau có hình người, bé cứ theo hình người mà xếp. Thông điệp này có nghĩa khi con người hoàn thiện, thế giới cũng hoàn thiện.
Thay vì lên án, phê phán và đổ lỗi cho người khác hay cho các yếu tố xã hội; mỗi người trong chúng ta hãy ngồi lại và tự suy ngẫm về bản thân: Mình có mắc bệnh vô cảm? Nếu có, nguyên nhân từ đâu? Làm sao để bản thân mình không còn vô cảm?
Xã hội không thiếu lòng nhân ái
Đồng cảm với bài viết "Bắt mạch bệnh vô cảm", nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến về tòa soạn. Theo bạn đọc, xã hội chúng ta không vô cảm, không thiếu lòng nhân ái. Bằng chứng là nếu ai đó nhảy cầu tự tử hoặc chết đuối, sẽ có rất nhiều người cứu mà không lo an toàn cho bản thân. Trước những hoàn cảnh thương tâm, nhiều người không ngại đường xa đến thăm, góp những đồng tiền mồ hôi nước mắt để giúp đỡ... Vấn đề là vì sao trong các vụ tai nạn giao thông, người ta lại né tránh, chỉ đứng xem, thậm chí kêu người này người nọ mà không dám vào giúp? "Vì họ sợ liên lụy. Thực tế đã có người bị đánh dẫn đến chết người chỉ vì giúp nạn nhân" - một bạn đọc viết.
Bạn đọc Lê Quốc Hùng kiến nghị: "Nhà nước phải có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể để người dân biết cách giúp người cho đúng, bắt buộc gọi điện cho cơ quan chức năng và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có khả năng mà không giúp người".
Cùng quan điểm, bạn đọc A Châu góp ý: "Cần quy định thành luật và công bố cho toàn dân biết quy trình khi gặp 1 người bị tai nạn thì gọi điện thoại cho ai, cơ quan nào có trách nhiệm cứu hộ...? Phải xem người gọi cứu hộ là người ơn chứ không phải gây rắc rối thêm cho người cứu hộ".
P.Dũng
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-7