'Bật mí' về sáng tác đầu tiên và cuối cùng của Trịnh Công Sơn
Gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất đồ sộ, và hầu hết đều mang giá trị nội dung - nghệ thuật cao. Trong đó, bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng mà ông sáng tác giữ một vị trí đặc biệt trong lòng người thưởng thức.
Bài hát đầu tiên: Mối tình buồn của chàng nhạc sĩ
19 tuổi, người thanh niên Trịnh Công Sơn đã viết nên ca khúc đầu tiên cho sự nghiệp sáng tác của mình. Một bài hát buồn viết cho một bóng hồng. Bài hát ấy là Ướt mi.
Nhiều ý kiến cho rằng Trịnh Công Sơn đã ảnh hưởng bởi Giọt mưa thu của nhạc sĩ Đặng Thế Phong khi viết bản nhạc đầu tay Uớt mi. Nhưng cho dù thế nào, Ướt mi vẫn giữ một vị trí độc đáo trong âm nhạc Việt, bởi giá trị nghệ thuật của bài hát và cả hoàn cảnh ra đời đặc biệt của nó.
Ướt Mi được viết cho một người ca sĩ lúc đó mới 15 tuổi, và sau này trở thành một ca sĩ huyền thoại của làng nhạc miền Nam, chính là nữ ca sĩ có chất giọng khàn độc lạ Thanh Thúy.
“ Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi.”- Trịnh Công Sơn
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này như sau: “Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, đêm nào tôi cũng đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi vào lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì chưa hẳn, vì tôi mang mặc cảm nghèo và vô danh.
Trong khi đó Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền mua một ly đá chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát khao đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc “Ướt mi” đầu tiên trong đời”.
Những câu từ của bài hát đầu tiên ấy buồn, dịu dàng làm sao: "Buồn ơi trong đêm thâu/ Ôm ấp giùm ta nhé/ Người em thương mưa ngâu/ Hay khóc sầu nhân thế/ Tình ta đêm về có ấm từng cơn mưa em chưa...
“Khi hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm một chỗ sát sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng lên đưa luôn.
Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào khán giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay. Cái đêm định mệnh mà tôi quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời lí nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay vào hậu trường. Đêm đó, tôi nôn nao không ngủ được...
Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời” – Trịnh Công Sơn
Mãi đến hai tuần sau, khi tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho dàn nhạc tạm im tiếng để nàng nói vài lời: “Thưa quý vị ! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm Ướt mi của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cám ơn”.
Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát: “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi. Người ơi nước mắt hoen mi rồi. Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca..." Tôi run lên trong lòng vì sung sướng và xúc động…
Khi dứt tiếng hát, nàng dừng lại khá lâu, có ý chờ người tặng nhạc. Tôi thu hết can đảm, bước lên và nói: “Xin cám ơn Thanh Thúy đã hát bài nhạc của tôi”. Nàng “A” lên một tiếng ra vẻ bất ngờ rồi nói tiếp: “Thúy rất cám ơn anh đã tặng cho bản nhạc. Thúy muốn nói chuyện riêng với anh được không ?”. Tôi luống cuống gật đầu…Tôi cùng nàng đón taxi về nhà nàng. Nhà nàng ở sâu trong một ngõ hẻm...”.
Không có “happy ending” nào cho nàng ca sĩ và anh chàng nghệ sĩ nghèo. Nhưng, mối tình dịu dàng và trong trẻo ấy lại sống mãi trong ca khúc Ướt mi. Để rồi, mỗi khi những ca từ cất lên bằng chất giọng khàn trầm không lẫn vào đâu được, người nghe như đắm chìm vào cơn mưa của năm xưa, như thấy lại khoảnh khắc trong một phòng trà nhỏ, người nhạc sĩ trẻ đang đăm đắm nhìn lên sân khấu, nơi ấy có bóng hồng xinh đẹp, người chàng yêu thương và ngưỡng mộ đang tỏa sáng bằng giọng hát trước bao người.
Tranh cãi về bài hát cuối cùng của Trịnh Công Sơn
Năm 1990, Trịnh Công Sơn, đứng trước câu hỏi mà ông cho là đã ám ảnh ông suốt cuộc đời: "Bài hát đầu tiên của anh là gì? Và bài hát cuối cùng của anh là gì", đã nói rằng ông không có ý định viết ca khúc cuối cùng vì thời điểm cuối cùng là điều ông không thể bắt gặp được, vì sự kết thúc của mọi câu chuyện đời đều không giống nhau: "Tôi vẫn thường muốn trầm mình trong cái lẽ vô thủy vô chung nhưng người đời cứ thích níu kéo tôi về trong cái lề thói hữu hạn".
Cho dù người nhạc sĩ ấy không có ý định viết bài hát cuối cùng, thì người đời vẫn mong muốn tìm kiếm bài hát cuối, dấu ấn nghệ thuật cuối cùng của người nghệ sĩ tài hoa họ Trịnh.
Khác với bài hát đầu tiên mà ai cũng biết là Ướt mi, về ca khúc cuối cùng của Trịnh Công Sơn có không ít luồng ý kiến khác nhau.
Nhiều ý kiến cho rằng, bài hát cuối cùng của Trịnh Công Sơn là "Như một lời chia tay". Không có nhiều căn cứ đưa ra để lý giải cho ý kiến này. Có lẽ, lý do duy nhất khiến nhiều người nghĩ đây là nhạc phẩm cuối cùng của Trịnh Công Sơn nằm ở ca từ bài hát: Những hẹn hò từ nay khép lại/ Thân nhẹ nhàng như mây/ Chút nắng vàng giờ đây cũng vội/ Khép lại từng đêm vui... Muốn một lần tạ ơn với đời/ Chút mặn nồng cho tôi... Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời/ Như một lời chia tay.
Tuy nhiên, cách đây nhiều năm, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lại có chia sẻ về tác phẩm được xem là cuối cùng của nhạc sĩ họ Trịnh. Đó là ca khúc “Tiến thoái lưỡng nan”.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, ca sĩ Ánh Tuyết là người thể hiện ca khúc này hay nhất. “Cô ấy đã lựa chọn cho mình một cách hát nhạc Trịnh riêng. Không thét gào, quằn quại, không sướt mướt, nỉ non mà nhẹ nhàng, thanh tao như sẻ chia, trò chuyện. Ánh Tuyết đã hớp hồn công chúng ngay đêm nhạc đầu tiên của mình tưởng nhớ Trịnh...
Và đến khi nghe chị hát “Tiến thoái lưỡng nan” thì tôi như thấy có Trịnh Công Sơn bên cạnh. Đây là một bài hát nhịp một trì tục như những bước chân không nhanh không chậm. “Tiến/ thoái/ lưỡng/ nan/ đi/ về/ lận/ đận/ Ngày/ xưa/ lận/ đận/ không/ biết/ về/ đâu…”.
Một ca khúc khác được nhiều người tin rằng là sáng tác cuối của người nhạc sĩ họ Trịnh chính là Biển nghìn thu ở lại. Người ta còn kể rằng, đây là ca khúc được người nghệ sĩ sáng tác vào những ngày cuối cùng trên giường bệnh, một ca khúc như lời trăn trối, chỉ vỏn vẹn có sáu câu, ca từ mạnh mẽ nhưng đầy luyến tiếc: “… Đừng gạch tên vì yêu đừng xé nát/ Biển là em ngọt đắng trùng khơi/ Biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi…”.
Thế nhưng, trong một lần trả lời phỏng vấn, ca sĩ Quang Dũng, người được coi là thể hiện thành công nhất nhạc phẩm đã kể lại một câu chuyện khác: “Biển nghìn thu ở lại là một bài hát viết sau này, khi nhạc sĩ về Sài Gòn ở được một thời gian. Sau nhiều năm xa cách, nhạc sĩ trở về thăm lại Quy Nhơn vào năm 1999 và Biển nghìn thu ở lại đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Bài hát là cả một nỗi ưu tư, nặng lòng và cả chút nuối tiếc của nhạc sĩ khi thăm lại nơi đã cùng mình gắn bó với nhiều kỷ niệm.
Tôi cũng rất may mắn khi được nhạc sĩ tặng cho mình bài hát này. Bao nhiêu năm đi hát, đây là ca khúc làm cho tôi xúc động, hạnh phúc khi nhận được sự chỉ bảo lẫn quý trọng từ nhạc sĩ tài hoa đã dành tặng cho mình”.
Cho đến nay, vẫn có nhiều câu trả lời cho câu hỏi, đâu là nhạc phẩm cuối cùng của Trịnh Công Sơn. Cũng không thể căn cứ vào năm công bố mà xác định chính xác, bởi rất có thể ca khúc sáng tác sau lại được công bố trước.
Nhạc sĩ họ Trịnh, lại một lần nữa để lại một câu hỏi cho đời, sau tất cả những câu hỏi đầy suy niệm về tình yêu, thân phận con người mà ông đã để lại trong âm nhạc của mình.