Bật nắp mộ cổ, phát hiện cô gái đã can thiệp thẩm mỹ để được vua yêu
Tại ngôi mộ cổ ở Hà Nam (Trung Quốc), các chuyên gia khai quật được 7 bộ hài cốt. Trong số này có thi hài của một phụ nữ với phần xương trán biến dạng nghiêm trọng.
Trên một sườn núi ở thị trấn Lý Kiều thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc có một gò đất kích thước khổng lồ với đường kính 60m, chiều cao 15m. Tại đây, vào năm 1995, nhóm chuyên gia khảo cổ tỉnh Hà Nam đã phát hiện được một ngôi mộ cổ. Chiều sâu của ngôi mộ là 5,6m tính từ miệng đến đỉnh quan tài và 9,6m từ đáy mộ. Xung quanh mộ có 7 lớp đất, chiều rộng và chiều cao của các bậc đều là 0,8m và vẫn giữ được độ dốc khoảng 10m.
Đất đắp trong mộ cổ là loại đất ngũ hoa màu nâu đỏ, có kết cấu mịn, chặt. Sau khi xới đất khoảng 0,1m, nhóm khảo cổ tìm thấy những chiếc thuổng bằng gỗ, cán thuổng, giỏ tre và các vật dụng gia đình cổ xưa khác. Một phần của ngôi mộ đã bị sập và ở phần giữa chính là nơi đặt quan tài.
Trong quá trình khai quật, các chuyên gia phát hiện nhiều dấu tích cho thấy những kẻ trộm mộ từng đột nhập vào bên trong lấy đi cổ vật và những đồ tùy táng giá trị. Những vụ trộm mộ này diễn ra chủ yếu vào thời Đông Hán.
Dù vậy, bên trong mộ vẫn còn nhiều đồ tùy táng như kiếm, mũi tên, gậy guộc, xe ngựa, đồ gốm, quan phục, áo giáp, tượng bằng ngọc trắng, thạch anh tím... Trên bề mặt của một số cổ vật có khắc chữ giúp các chuyên gia giải mã bí ẩn về chủ nhân ngôi mộ.
Từ dòng chữ "Kích mà Bình Dạ Quân Thành dùng" trên cây kích được khai quật và những dòng chữ khắc trên di vật, các nhà khảo cổ suy đoán chủ nhân ngôi mộ là Bình Dạ Quân Thành – một vị vương gia được phong tước và chia đất tại huyện Bình Dư (hoặc Bình Dạ) thuộc nước Sở. Tên của vị vương gia này là Thành, do đó được gọi là Bình Dạ Quân Thành.
Hơn nữa, những tấm trúc thư trong mộ cổ còn hé lộ Bình Dạ Quân Thành có mối quan hệ thân thiết với những nhân vật địa vị cao khi đó như: Sở Văn vương, Sở Chiêu vương, Sở Huệ vương, Bình Dạ Văn Quân và Bình Dạ Tử Tây.
Trong mộ thất phía tây, người ta tìm thấy 7 bộ hài cốt và các đồ trang trí bằng ngọc bích. Những người này đều là hầu gái của chủ nhân ngôi mộ, được chôn cất vào khoảng năm 20 tuổi. Trong đó nhóm nghiên cứu đặc biệt chú ý đến thi hài của một phụ nữ bị biến dạng nghiêm trọng. Phần xương trán của người này bị biến dạng khủng khiếp, nhiều khả năng là do quấn khăn vải trên đầu suốt thời gian dài.
Theo các chuyên gia, đây là một kiểu làm đẹp thời cổ đại. Những người phụ nữ xưa đã sử dụng khăn lụa quấn quanh đầu lâu ngày với mục đích biến phần trán và phần đầu trở nên thon gọn hơn. Nguyên nhân là bởi thời đó chuẩn mực vẻ đẹp khiến bậc vua chúa, vương gia si mê là những cô gái có trán và phần đầu nhỏ nhắn. Do thực hiện tập tục bó đầu suốt thời gian dài nên hộp sọ của người phụ nữ này bị biến dạng nặng hơn những người khác.
Minh Hoa (t/h)