Bất ngờ bị 'ăn gậy bản quyền'
Vụ việc nhạc sĩ Giáng Son bị khiếu nại về bản quyền đối với chính con đẻ của mình là tác phẩm Giấc mơ trưa (thơ: Nguyễn Vĩnh Tiến) khi chị lập kênh YouTube và đăng tải bài hát này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ.
Trong đơn kiến nghị gửi Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhạc sĩ Giáng Son cho biết từ ngày 25-9, chị thành lập kênh YouTube mang tên "Giáng Sol Official" để chia sẻ những bài hát, album của mình đến khán giả yêu nhạc. Chị đã rất cẩn thận về vấn đề bản quyền, chỉ đưa bản "Giấc mơ trưa" được phối khí riêng với giọng ca Khánh Linh trong album đầu tiên "Giáng Son" được sản xuất và phát hành năm 2007 lên kênh của mình. Tức là mọi bản quyền về tác giả, phối khí, thu âm đều thuộc về chị.
Tuy nhiên, sau khi đưa bài hát của mình lên YouTube vài ngày, nhạc sĩ Giáng Son nhận thông báo khiếu nại của BH Media, thay mặt Hồ Gươm Audio Video, với nội dung "Giấc mơ trưa" của chị bị phát hiện trùng khớp một đoạn âm thanh của sản phẩm "Giấc mơ trưa" do nghệ sĩ Dương Thùy Anh (đàn nhị) thực hiện (Hồ Gươm Audio Video phát hành). "Tôi vô cùng bức xúc vì không hề ký bản quyền với Hồ Gươm Audio Video và BH Media. Mọi sở hữu bản quyền phải thuộc về tôi" - nhạc sĩ Giáng Son nhấn mạnh.
Phản hồi đơn khiếu nại của nhạc sĩ Giáng Son, ông Nguyễn Hải Bình, Tổng Giám đốc BH Media, cho biết: "Khi chúng tôi xem lại 2 tác phẩm đó thì thấy khác nhau nhiều nhưng hệ thống của YouTube quét và thấy sự trùng khớp". Phía BH Media khẳng định nhạc sĩ Giáng Son nói đơn vị này "đánh gậy bản quyền" tác phẩm của chị là không chính xác. Bởi lẽ, việc chủ sở hữu tác phẩm thỉnh thoảng bị "ăn gậy bản quyền" vẫn xảy ra trên mạng xã hội.
Trước nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng ngỡ ngàng khi bản thân không thể đăng tải bài hát của ông lên kênh YouTube. Nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết ông bị gần 20 video, trong đó có cả bài hát "Hà Nội mùa thu vắng em" mà ông mới sáng tác gần đây. "BH Media sở hữu khá nhiều tác phẩm dù chính tác giả cũng ngỡ ngàng vì bản thân chưa từng hợp tác với đơn vị này" - ông cho biết.
Các nhạc sĩ khác như Minh Châu, Lã Văn Cường, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Văn Chung… cũng từng rơi vào hoàn cảnh của nhạc sĩ Giáng Son với tâm trạng đầy bức xúc. Bởi lẽ, ca khúc của họ nhưng người khác đăng ký bản quyền sở hữu mà họ lại không hay biết gì.
Ca sĩ Mỹ Lệ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chị cho biết đã bị BH Media gắn cờ vi phạm bản quyền trên YouTube một số sản phẩm trong hai album Về với em (2001) và Mỹ nhân ngư (2004) - đều do Hãng phim Trẻ phát hành, trong khi chị là chủ sở hữu 2 album này. Việc không được sử dụng ca khúc do mình đầu tư, sở hữu vì quyền kiểm soát sản phẩm thuộc về một đơn vị chưa từng biết tên, chưa từng hợp tác khiến nữ ca sĩ này rất bức xúc.
Hiện nay, các trang mạng xã hội rất nghiêm ngặt về vấn đề "bắt" bản quyền trong các video hay livestream của người sử dụng. Thế nhưng, điều trớ trêu ít ai ngờ tới là chủ nhân một bài hát lại bị đánh bản quyền về chính "đứa con" của mình. Những vụ việc gần đây khiến giới âm nhạc phản ứng gay gắt.
Thực tế, quy định về bản quyền đối với giới sản xuất âm nhạc tại Việt Nam hiện vẫn còn mới mẻ. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa họ có thể bỏ qua những vi phạm về bản quyền. Thị trường âm nhạc Việt đã bắt đầu hội nhập thế giới. Các nền tảng mới cũng ra đời nhiều hơn và đa định dạng, đa tính chất hơn. Điều đó đồng nghĩa vấn đề bản quyền phải chặt chẽ, được tôn trọng tuyệt đối.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/bat-ngo-bi-an-gay-ban-quyen-2021103119574174.htm