Ông Nguyễn Văn Chính, một người dân địa phương, đã bắt được con tê tê nặng 9 kg trong vườn nhà và sau đó giao cho chính quyền địa phương.
Vào ngày 24/6, ông Chính cùng với Hạt kiểm lâm huyện Đạ Tẻh đã trao con tê tê cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển động vật hoang dã Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) để được thả về tự nhiên.
Con tê tê đã vào vườn của ông Chính vào tối hôm đó và gây ra sự xáo trộn khiến chó nhà của ông sủa liên tục. Ông đã sử dụng đèn pin để kiểm tra và phát hiện con vật đang di chuyển, sau đó ông đã gọi mọi người trong nhà đến để bắt giữ nó và báo cho cơ quan chức năng.
Tê tê Java có tên khoa học là Manis Javanica, thuộc nhóm IB, nằm trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế là "nguy cấp trên toàn cầu", là động vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng nên được xếp vào danh sách loài nguy cấp, nghiêm cấm săn bắt, buôn bán và tiêu thụ.
Tê tê Java có thân cỡ trung bình. Dài 0,4 – 0,65m, trọng lượng 6 – 8kg. Không có răng, lưỡi dài nhiều chất dính. Toàn thân, từ đầu đến cuối đuôi phủ lớp vẩy sừng. Các vẩy sừng xếp chồng lên nhau như mái ngói. Bụng không có vẩy sừng, da dầy có lớp lông cứng.
Màu sắc của vẩy tê tê Java thường là mầu nâu sẫm, vàng hoặc vàng nhạt, có những con bạch tạng do nuôi con trong hang lâu ngày. Có 17 hàng vẩy thân xếp theo chiều dọc, 11 – 13 hàng xếp theo chiều ngang; đuôi có 25 hàng vẩy xếp theo chiều dọc, 8 hàng xếp theo chiều ngang (3 hàng mặt trên, 3 hàng mặt dưới và 2 hàng mép đuôi.
Thức ăn chủ yếu của tê tê Java là mối, kiến, côn trùng nhỏ ở mặt đất, đôi khi có cả cỏ, lá cây mục. Động dục, ghép đôi vào tháng 10, đẻ con vào tháng 3 ở trong hang. Mỗi lứa 1 – 2 con (rất ít trường hợp đẻ 3 con). Con non thường có lớp vẩy màu trắng đục.
Chúng sống trong rừng già, rừng thứ sinh, rừng hỗn giao tre nứa gỗ, ở hang dưới các gốc cây to, cây mục nát, hoặc vách đất đá trong lùm cây rậm rạp. Hoạt động kiếm ăn ban đêm trên mặt đất, ban ngày trú ẩn trong hang.
Loài tê tê Java phân bố ở nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Lào, Campuchia , Malaysia và Singapore.
Mặc dù có thị lực kém nhưng tê tê Java có khứu giác cực nhạy bén. Nó sử dụng chiếc lưỡi dài để săn bắt mồi.
Theo các chuyên gia, tê tê Java là một trong những loài động vật có vú bị săn bắt trộm nhiều nhất ở Đông Nam Á. Chúng bị các đối tượng mua bán trái phép để làm thịt và thuốc đông y.
Một nguyên nhân khác khiến số lượng tê tê Java suy giảm là do ảnh hưởng của môi trường sống.
Xem thêm video: Kinh ngạc những chiếc mũi “chẳng giống ai” trong thế giới động vật.
Thiên Trang (TH)