Bất ngờ mở văn phòng đại dịch: Tổng thống Trump gây tranh cãi với chiêu 'bình mới rượu cũ'

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thực hiện lại chính những nỗ lực của người tiền nhiệm trong cuộc chiến đối phó với đại dịch?

CNN đăng tải, năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump từng giải tán một văn phòng phản ứng với đại dịch thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) – và giờ đây họ đang chuẩn bị thành lập một văn phòng tương tự tại Bộ Ngoại giao sau khi tình hình diễn biến dịch bệnh tại Mỹ không có nhiều dấu hiệu khả quan.

Hôm thứ 5 (2/7), NSC đã tổ chức một cuộc họp liên ngành nhằm thảo luận về các kế hoạch cho văn phòng phản ứng đại dịch. Theo một quan chức cấp cao, nhiệm vụ chính của đơn vị mới dự kiến sẽ là điều phối các hoạt động liên quan tới đối phó với đại dịch.

Mục tiêu của cuộc họp hôm thứ 5 là đưa ra các chi tiết cũng như xây dựng một đề xuất mà Tổng thống Trump có thể thông qua. Tuy nhiên, những thúc đẩy để thành lập một văn phòng mới đã vấp phải nhiều chỉ trích từ các chuyên gia y tế và cựu nhân viên. Một số người đặt ra câu hỏi, liệu việc văn phòng mới thuộc quyền quản lý của Bộ Ngoại giao, chứ không phải là NSC– có phải chỉ đơn giản là để tránh nhắc lại chính những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Đáp trả, Nhà Trắng thể hiện sự phản đối và nhấn mạnh, lý do thay đổi đến từ nhu cầu tái sắp xếp nhân sự và tránh tình trạng bộ máy quan liêu.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thực hiện lại chính những nỗ lực của người tiền nhiệm trong cuộc chiến đối phó với đại dịch? (ảnh: CNN)

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thực hiện lại chính những nỗ lực của người tiền nhiệm trong cuộc chiến đối phó với đại dịch? (ảnh: CNN)

"Tất cả chỉ là thứ lặp lại"

Các cựu nhân viên cho rằng, chính quyền có lẽ đã có thể đối phó tốt hơn với đại dịch nếu vẫn giữ nguyên văn phòng cũ (tại NSC) thay vì cố gắng thành lập văn phòng mới ngay cả khi dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Hôm thứ 4 (1/7), số ca nhiễm mới COVID-19 tại Mỹ trong một ngày đạt mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo các cựu nhân viên, văn phòng cũ nếu còn hoạt động "chắc chắn" sẽ tạo ra sự khác biệt bằng việc điều phối một phản ứng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn trước dịch bệnh. Hiện đã có hơn 125.000 người Mỹ đã thiệt mạng vì virus corona mới.

Bà Lisa Monaco từng giữ vị trí cố vấn an ninh nội địa dưới thời Tổng thống Obama, đồng thời là người chứng kiến sự ra đời của văn phòng đối phó đại dịch ở Hội đồng An ninh Quốc gia. Chia sẻ với CNN hôm thứ 5, bà nói, văn phòng mới của chính quyền Trump "tất cả chỉ là thứ lặp lại".

Trong khi đó, giới chuyên gia y tế nhận định, mặc dù Bộ Ngoại giao đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch tại Mỹ, nhưng vai trò điều phối chủ chốt cần phải do Nhà Trắng đảm nhận. Một số người tỏ ý nghi ngờ về tác động tiềm năng mà văn phòng mới có thể đem tới cho những chương trình đang rất thành công tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, cũng như khả năng nó có thể làm cạn kiệt tài chính và các nguồn lực của những chương trình này, từ đó để lại các hệ quả khôn lường cho y tế toàn cầu.

Theo bà Monaco, chính quyền Obama đã cố tình đặt văn phòng dưới thẩm quyền của NSC do Hội đồng là nơi tiếp nhận các khuyến nghị chính sách từ tất cả các cơ quan trong chính phủ Mỹ và sử dụng chúng để đưa ra lời khuyên cho tổng thống. "Trong một dịch bệnh như Ebola, một đại dịch như COVID-19, điều anh cần là toàn bộ phản ứng của chính phủ và anh cần phải hành động cực nhanh. Anh cũng cũng có quyết định nhanh chóng từ tổng thống và anh cần chính sách đó phải được phối hợp trong toàn bộ chính phủ", bà Monaco giải thích.

"Động thái hiện tại tái thiết lập văn phòng [phản ứng dịch bệnh], mặc dù tại một cơ quan khác, một mặt là sự công nhận rằng anh thực sự cần một đơn vị cụ thể để liên tục tập trung vào đối phó với dịch bệnh", cựu cố vấn chỉ ra. "Điều đó là tốt. Tuy nhiên, mặt khác, điều chúng ta đang chứng kiến nguy cơ mắc đi mắc lại cùng những sai lầm trước đó".

Một quan chức cấp cao nói với CNN, chính quyền Trump tin tưởng, đề xuất văn phòng mới không chỉ tập trung vào y tế công mà còn cả ngoại giao. Đó là một trong những lí do Bộ Ngoại giao được coi là cơ quan phù hợp để quản lý văn phòng mới. Đề xuất cũng nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội do văn phòng trực thuộc Bộ Ngoại giao sẽ tồn tại lâu hơn và ít bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong chính quyền.

"Khoảng trống lãnh đạo"

Mặc dù vậy, bà Monaco và nhiều chuyên gia khác lại cùng cảnh báo về những thiếu sót của kế hoạch thành lập văn phòng mới.

Giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Steve Morrison đánh giá, Bộ Ngoại giao Mỹ đúng là đóng một vai trò nhất định trong đại dịch toàn cầu, đặc biệt là điều phối hỗ trợ cho các nước các thu nhập thấp; nhưng điều đó là chưa đủ.

"Đưa văn phòng mới vào Bộ Ngoại giao về lí thuyết là hợp lí, nhưng nó cần phải được thực hiện song song với một vài thứ khác tại Nhà Trắng", ông Morrison nói. "Nhà Trắng cần thực sự triển khai toàn bộ cách tiếp cận của chính phủ và đại diện cho tổng thống cũng như khôi phục lại vai trò lãnh đạo của Nhà Trắng".

"Có một khoảng trống lãnh đạo từ chính quyền đương nhiệm về những gì đang xảy ra bên ngoài các biên giới của chúng ta, và đây là lúc chính quyền nên thức giấc và bắt đầu làm điều gì đó thực sự nghiêm túc", ông nhấn mạnh. "Khôi phục lại sự lãnh đạo tại NSC nên là điều tiên quyết cần làm".

Cả ông Morrison và bà Monaco đều đồng ý là chính quyền Trump đã mắc phải sai lầm lớn khi rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). "Anh cần phải có ngoại giao trong các phản ứng trước đại dịch", bà Monaco chỉ ra. "Đó là một trong những lí do tại sao chúng ta không nên rời WHO và những hoạt động ngoại giao hiệu quả nhất có thể được thực hiện bởi chính tổng thống và phó tổng thống".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/bat-ngo-mo-van-phong-dai-dich-tong-thong-trump-gay-tranh-cai-voi-chieu-binh-moi-ruou-cu-20200703105032193.htm