Kongthong ở bang Meghalaya, Ấn Độ là một trong những ngôi làng đặc biệt nhất thế giới. Khi đến đây, khách du lịch không khỏi bất ngờ khi biết cách thức họ gọi nhau khác với nhiều nơi trên Trái đất.
Cụ thể, ngôi làng Kongthong là nơi sinh sống của khoảng 700 người thuộc bộ tộc Khasi. Tên gọi của người dân nơi đây vô cùng đặc biệt.
Các bậc cha mẹ mượn âm thanh của tự nhiên như mưa, gió, tiếng thác nước, tiếng chim hót… rồi biến tấu và sáng tạo thành làn điệu riêng cho con cái.
Mỗi cư dân sống trong làng Kongthong có 2 tên giai điệu. Một là tên ngắn có độ dài khoảng 5 - 6 giây thường được dùng ở nhà hay trong làng giống như tên thân mật. Tên còn lại là tên đầy đủ jingrwai lawbei và thường dài từ 30 - 60 giây. Người ta sử dụng tên giai điệu này khi liên lạc với người khác lúc ở trong rừng.
Tên giai điệu của mỗi người không trùng với bất cứ tên nào của người trong làng, thậm chí cả người đã khuất.
Mọi người dân trong làng Kongthong đều nhớ rõ tên giai điệu của từng người. Do vậy, họ chỉ cần nghe tiếng huýt sáo là biết người được gọi là ai.
Phương thức liên lạc này được đánh giá là khá hữu ích khi 2 người có thể liên lạc với nhau dù đứng cách xa nhau vài km.
Sau đó, hai người gọi tên nhau bằng cách huýt sáo sẽ gặp mặt và trò chuyện.
Dù những cái tên của mỗi người không có lời nhưng người dân ở đây không bao giờ gọi nhầm tên nhau. Điều này xuất phát từ việc ai cũng nhớ được hàng trăm tên giai điệu.
Nguồn gốc cách nói chuyện bằng tiếng huýt sáo của người dân sống trong làng Kongthong đến nay vẫn chưa được làm rõ. Họ chỉ biết rằng, cách liên lạc này đã có từ hàng trăm năm trước.
Mời độc giả xem video: Ngôi làng của những đầu sư tử thổi lửa. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (theo Telegraph India)