Bất ngờ nguyên nhân những tai nạn máy bay
Dù quy trình kiểm tra máy bay trước khi cất cánh được thực hiện nghiêm ngặt, khép kín song tai nạn vẫn xảy ra. Vậy đâu là nguyên nhân?
Quy trình khắt khe
Sự cố bung cửa máy bay Boeing 737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines ngày 5/1 khiến Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu đình chỉ bay đối với một số máy bay thuộc dòng này.
Theo FAA, các cuộc kiểm tra đối với dòng máy bay này cần tập trung vào các vách máy bay, bộ phận cửa và ốc vít. Trước đây, Boeing 737 MAX cũng từng bị FAA giám sát chặt chẽ.
Vào năm 2020, Boeing cũng từng thông báo tạm dừng hoạt động 8 chiếc máy bay 787 Dreamliner để kiểm tra và sửa chữa sau khi phát hiện ra 2 lỗi sản xuất có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của máy bay. Quá trình kiểm tra các máy bay 787 đã cho thấy một số chỗ ở phần thân máy bay được nối với nhau có thể không hoạt động trơn tru như yêu cầu.
Có một danh sách các thiết bị cần kiểm tra để đảm bảo an toàn cho máy bay trước giờ cất cánh. Nguồn: Shutterstock.
Ngay từ năm 1935, vụ tai nạn của chiếc máy bay Boeing B-17 (khi đó được gọi là Model 299) tại Wright Field ở Dayton, Ohio, Mỹ, khiến cả 2 phi công thiệt mạng đã dấy lên một hồi chuông cảnh báo trong ngành hàng không.
Cuộc điều tra sau vụ việc cho thấy các phi công đã quên tháo khóa gió trước khi cất cánh. Từ đây, ban quản lý và các kỹ sư Boeing đã rút kinh nghiệm, công bố một danh sách các nội dung cần kiểm tra đối với loại máy bay này.
Đến hiện tại, kiểm tra máy bay đã trở thành nhiệm vụ bắt buộc đối với toàn ngành hàng không Mỹ. Danh mục kiểm tra sẽ được điều chỉnh tùy theo từng hãng hàng không hay mỗi loại máy bay. Tuy nhiên, sẽ có một số nội dung chung mà phi công và thành viên bất cứ phi hành đoàn nào cũng cần làm.
Quy trình kiểm tra sẽ bắt đầu từ khu vực phía trước bên trái của thân máy bay. Từ đây, phi công sẽ đi vòng ra phía trước máy bay. Trên đường đi, họ kiểm tra xem tất cả các đầu kết nối, hệ thống cảm biến và liệu vỏ bọc các thiết bị đã được tháo ra chưa.
Ở phần đầu máy bay, vỏ ngoài, kính chắn gió, lốp máy bay (không bị nứt hay có vết cắt), đèn, cụm máy điều khiển và cửa ra vào đều cần được kiểm tra. Tại khu vực này, các thiết bị hạ cánh cũng cần xem xét, đặc biệt là phanh. Nếu có vấn đề, phi công sẽ thông báo cho các kỹ sư bảo trì để tiến hành sửa chữa trước khi cất cánh.
Tại khu vực bên cánh phải, toàn bộ hệ thống giảm áp suất, cổng đọc chỉ số, cửa khoang hành lý hay hệ thống anten đều được kiểm tra. Tiến dần tới phần đuôi cánh, phi công sẽ kiểm tra cửa gió, cửa hút khí, đèn và cánh tà ở cạnh trước đều cần lưu ý đảm bảo hoạt động bình thường.
Nếu tất cả những bộ phận này đều hoạt động tốt, phi công sẽ tiếp tục kiểm tra để đảm bảo các cánh quạt và trục quay không bị nứt hoặc hư hỏng, bộ phận bảo vệ động cơ không bị hư hại, tất cả các tấm bảo vệ được đóng kín và bộ đảo chiều lực đẩy phải được để ở chế độ thích hợp.
Di chuyển sang mép trước của cánh phải, họ kiểm tra đèn đầu cánh, đầu phóng tĩnh điện bề mặt dọc theo mặt sau của cánh. Tại khu rìa phải của thân máy bay, bánh xe, phanh, bộ truyền động, cửa, chốt thủy lực và mọi bộ phận có chốt khóa đều cần kiểm tra. Phi công sẽ lưu ý các bộ phận liên quan tới bánh xe và thiết bị chữa cháy.
Tiếp tục di chuyển tới phần đuôi máy bay, tất cả cửa ra vào phải được đóng lại khi phi công kiểm tra bề mặt thân máy bay. Sau đó, là kiểm tra các van giảm áp và van xả áp suất âm.
Đối với phần đuôi, bộ ổn định máy bay, bánh lái, thang máy, đuôi xả/hút khí cũng như đèn nhấp nháy ở đuôi đều cần được lưu ý.
Khi di chuyển tiếp lên cánh trái máy bay, quy trình tương tự được thực hiện cho đến khi quay lại điểm xuất phát ban đầu. Việc hoàn thành danh sách kiểm tra này là một yêu cầu cần thiết đảm bảo máy bay có thể khởi hành bình thường.
Vì sao vẫn xảy ra sự cố?
Dù các quy trình kiểm tra máy bay trước giờ khởi hành đã được quy chuẩn hóa cũng như liên tục điều chỉnh để bắt kịp sự phát triển của công nghệ hàng không hiện đại nhưng sự cố vẫn xảy ra. Có một số nguyên nhân như không tuân thủ đúng danh sách kiểm tra, phi công không quyết liệt đối với các sự cố hỏng hóc bất ngờ hay đôi khi do lỗi thiết kế từ nhà sản xuất.
Toàn bộ quy trình vận tải hàng không đều đã được quy chuẩn hóa. Nguồn: Getty.
Ngày 26/12/1968, chuyến bay Pan Am 799 chở hàng trên chiếc Boeing 707-321C đã bị rơi ở Alaska ngay sau khi cất cánh và nguyên nhân là cánh tà không ở vị trí cất cánh thích hợp. Một phần nguyên nhân là do phi hành đoàn đã mất tập trung trong quá trình kiểm tra trước khi bay. Ngoài ra, cánh tà không nằm trong danh sách kiểm tra trước khi cất cánh của hãng này.
Hay vào ngày 16/8/1987, một chuyến bay của hãng hàng không Northwest Airlines đã bị rơi ngay sau khi cất cánh, khiến 154 trong số 155 người trên máy bay và hai người trên mặt đất thiệt mạng. Kết luận điều tra cho biết, vụ tai nạn do phi hành đoàn không tiến hành kiểm tra theo danh sách.
Tại Mỹ, Hiệp hội Kinh doanh hàng không Quốc gia đã phân tích 143.756 chuyến bay trong năm 2013-2015 của 379 máy bay thương gia. Kết quả cho thấy, có tới 15,6% chuyến bay chỉ thực hiện một phần quy trình kiểm tra, thậm chí có 2,03% chuyến bay hoàn toàn không thực hiện kiểm tra.
Mặt khác, sau khi đánh giá 251 vụ tai nạn và 808 sự cố liên quan đến máy bay thương gia trong vòng 12 năm, tờ Aviation Week đã nhận thấy có 82 vụ tai nạn và 414 sự cố liên quan đến lỗi thiết bị.
Cụ thể, lỗi thiết bị phát điện là nguyên nhân phổ biến nhất (gây ra 15 vụ tai nạn và 186 sự cố), sau đó là trục trặc thiết bị hạ cánh (69 sự cố), hỏng lốp (10 vụ tai nạn và 5 sự cố), mất hệ thống thủy lực hoặc các bộ phận khác (11 vụ tai nạn và 40 sự cố).
Đáng chú ý, đôi lúc những lỗi này diễn ra trong những thời điểm nhạy cảm như quá trình cất, hạ cánh, khi máy bay di chuyển với tốc độ cao, khiến phi công khó có thể nhận biết và xác định chính xác vấn đề. Trong một số trường hợp, những hư hại ở thiết bị hạ cánh tuy ở mức nhỏ, khó phát hiện nhưng lại gây ảnh hưởng lớn khi máy bay tiếp đất.
Tai nạn hàng không hiếm khi xảy ra
Dù nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn và sự cố hàng không vẫn tồn tại, nhưng máy bay vẫn là phương thức vận tải được đánh giá trong top an toàn nhất thế giới khi toàn bộ quy trình vận tải đều đã được quy chuẩn hóa.
Theo Hội đồng An toàn Quốc gia Mỹ, đã có 39.107 trường hợp tử vong do tai nạn ô tô ở nước này vào năm 2019. Song, cùng năm đó, có 257 trường hợp tử vong do tai nạn máy bay thương mại trên toàn thế giới. Nói cách khác, khả năng tử vong trong một vụ tai nạn máy bay là rất thấp.
Ông Willie Walsh, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cũng khẳng định: "Tai nạn rất hiếm xảy ra trong ngành hàng không. Chỉ có 5 vụ tai nạn chết người trong số 32,2 triệu chuyến bay vào năm 2022".