Bất ngờ phát hiện quả bom 340kg trong lúc đào móng nhà, gần 2000 người khẩn trương sơ tán
Quả bom 340kg ở số 67 Tôn Đức Thắng (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) bất ngờ bị phát hiện ngay giữa khu dân cư khi người dân thi công đào móng nhà.
Trước đó, ngày 20/4, người dân đào đến độ sâu 2,5m thì phát hiện một quả bom có đường kính 40 cm, dài 1,25 m, nặng 340 kg khi thi công móng căn nhà số 67 Tôn Đức Thắng.
Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã khoanh vùng, bảo vệ khu vực phát hiện bom và vận động các gia đình lân cận số nhà 67 tạm di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, báo cáo ban chỉ huy quân sự để có phương án xử lý.
Từ rạng sáng ngày 25/04, lực lượng chức năng sơ tán 436 hộ dân (hơn 1.700 người) sống trong bán kính 500m tính từ số nhà 67 đến tập trung tại Trường THCS và Tiểu học Khai Quang, các hộ dân hai bên đường di chuyển quả bom gồm đường Tôn Đức Thắng, đường Vành đai 2 thuộc các tổ dân phố Thanh Giã 1 và Thanh Giã 2, Minh Quyết, Hán Lữ, Trại Gia (phường Khai Quang) và Gò Dung (phường Liên Bảo).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân dọc tuyến đường Tôn Đức Thắng, vành đai 2 và chợ Thanh Giã cũng tạm dừng tới khi vật liệu nổ được đưa ra khỏi khu dân cư.
Theo đó, người dân ở trong bán kính 500 m từ hiện trường không sử dụng điện thoại, bộ đàm, cho tới khi quả bom được xử lý.
Sau công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, tới trưa ngày 25/04, một lãnh đạo UBND phường Khai Quang (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với lực lượng chức năng di dời, hủy nổ thành công trái bom nặng 340kg được phát hiện trong lúc đào móng nhà dân ở số 67 Tôn Đức Thắng.
6h sáng, lực lượng chức năng bắt đầu đưa trái bom lên và di chuyển đến chân núi Đinh cách đó khoảng 3km. Khoảng 7h30, cuộc hủy nổ bom thành công. Quá trình di dời, hủy nổ trái bom diễn ra an toàn.
Tháng 11 năm 2020 cũng xuất hiện tình trạng tương tự ở phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.
Lý giải về việc tại sao không sử dụng điện thoại trong quá trình xử lý bom, ông Đinh Ngọc Vũ, Phó giám đốc Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị, cho biết:
Bom có nhiều loại đầu nổ, trong đó có loại chạm nổ, có loại hẹn giờ cơ học, có loại hẹn giờ hóa học, có loại từ trường... Đối với loại đầu nổ từ trường, khi có từ trường hay có sóng điện thoại thì kích hoạt quả bom nổ. Vì thế khi nhà chức trách chưa chắc chắn đầu nổ loại gì thì khuyến cáo không sử dụng điện thoại là biện pháp an toàn để hạn chế rủi ro, trong trường hợp lỡ quả bom mang đầu nổ từ trường.