Bất ngờ robot cứu hộ, chẩn đoán ngộ độc… của học sinh TP.HCM

Sản phẩm robot tìm kiếm cứu hộ, chẩn đoán tình trạng ngộ độc hay thiết bị tích hợp hỗ trợ người câm điếc... gây chú ý tại vòng chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật ở TP.HCM.

Sáng 4-2, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức vòng chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023 với 52 dự án tham dự. Các dự án sẽ được các giám khảo chấm độc lập và chọn ra bốn dự án để tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2022-2023.

Ban giám khảo nhận xét các đề tài thể hiện khả năng nghiên cứu khoa học sáng tạocủa học sinh.Trong đó, những dự án áp dụng trí tuệ nhân tạo có tính ứng dụng cao nếu được TP đầu tư và mở rộng sâu hơn.

Chó robot gây ấn tượng mạnh

Tại cuộc thi, sản phẩm robot cứu hộ của Lê Minh Đức và Nguyễn Lê Trung Kiên, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, khiến nhiều người trầm trồ.

Minh Đức chia sẻ ý tưởng: “Năm 2020, sự việc tại thủy điện Rào Trăng 3 (Huế) làm 30 người mất tích gây chấn động cả nước. Bản chất của vụ việc là do đất đá sụp đổ khiến công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại. Do đó, chúng em đã nghĩ đến việc nghiên cứu ra một con robot bốn chân có thể di chuyển vào những vùng sạt lở, địa hình đồi núi khó khăn mà con người khó có thể tiếp cận”.

Minh Đức cho biết robot có cấu tạo gồm khớp vai, khớp ngang, khớp đùi, khớp gối nên có thể mô phỏng lại quá trình chuyển động của các động vật bốn chân như chó, mèo. Camera gắn ở đầu robot có thể nhận diện 80 loại vật thể trong phạm vi khá xa, trong đó có con người.

Sản phẩm robot cứu hộ của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong gây chú ý. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sản phẩm robot cứu hộ của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong gây chú ý. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Theo Trung Kiên, robot có thể di chuyển được ngoài trời và nhận lệnh từ máy tính trong phạm vi 10-15 m. Robot có thể di chuyển trên địa hình bằng phẳng, gồ ghề tương đối. Thử nghiệm di chuyển trên nệm, có độ co dãn đàn hồi, robot có thể thực hiện được 1/4 động tác đã được lập trình, tuy tốc độ chưa cao nhưng không bị ngã và không mất kiểm soát...

“Đề tài này tụi em mất một năm nghiên cứu. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chưa được hoàn thiện. Robot chưa né được chướng ngại vật nếu không có sự điều khiển của con người. Nếu muốn tự né thì cần phải thêm hệ thống cảm biến, quét được môi trường. Ngoài ra, tụi em cần phải cải tiến thêm hệ thống đường truyền” - Minh Đức nói thêm.

Mắt kính tìm giọng nói và thủ ngữ cho người câm điếc

Cùng học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Minh Nhật Huy và Trần Minh Mẫn lại nghiên cứu và chế tạo nên một thiết bị tích hợp trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giao tiếp hai chiều cho người câm điếc.

“Dự án bắt nguồn từ việc chúng em muốn giúp đỡ cho cha của một bạn lớp dưới bị điếc. Tuy nhiên khi tìm hiểu, tụi em nhận ra không chỉ điếc mà người câm trên thế giới cũng nhiều. Do đó, tụi em quyết tâm nghiên cứu một sản phẩm tích hợp hai chức năng tìm giọng nói và phát thủ ngữ để giúp họ dễ dàng hội nhập” - Nhật Huy bộc bạch.

Dự án là một chiếc mắt kính. Khi người câm điếc đeo mắt kính này vào, micro sẽ thu âm giọng nói của người đối diện chuyển thành dạng văn bản hiển thị trên màn hình đặt ở một bên mắt kính. Ở chiều ngược lại, thiết bị tích hợp camera cùng với trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán thủ ngữ từ tay của người sử dụng và phát ra âm thanh với người đối diện.

“Thử nghiệm sản phẩm tại Trường chuyên biệt Hy Vọng quận 8, dự án đã nhận được những phản hồi tích cực từ thầy cô và học sinh. Chức năng nhận diện thủ ngữ có đôi lúc tỉ lệ không được chính xác (chiếm 50%), trong khi đó phần nhận diện giọng nói khá cao, khoảng 90%. Trong thời gian tới, chúng em mong muốn được đầu tư để nâng cấp cho thiết bị nhỏ hơn, màn hình lớn hơn, camera chất lượng hơn và làm sao cho tỉ lệ chính xác nhất có thể” - Minh Mẫn nói thêm.

Tại vòng chung kết, robot chẩn đoán học sinh bị ngộ độc thức ăn hay camera tích hợp trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chống ngủ gật cũng được nhiều người quan tâm.

“Cây lắng nghe” và cẩm nang “Tôi là ai?”

Ở lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, cẩm nang “Tôi là ai?” do Lê Đông Nguyên và Nguyễn Minh Huy, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nghiên cứu gây chú ý.

Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, tìm hiểu và trò chuyện với Lê Đông Nguyên và Nguyễn Minh Huy, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, tác giả của bộ cẩm nang "Tôi là ai?" - Ảnh: Nguyễn Quyên

Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, tìm hiểu và trò chuyện với Lê Đông Nguyên và Nguyễn Minh Huy, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, tác giả của bộ cẩm nang "Tôi là ai?" - Ảnh: Nguyễn Quyên

Cẩm nang được thực hiện sau bảy tháng nghiên cứu, phỏng vấn 400 học sinh 14-19 tuổi thuộc 21 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Kết quả, trên 80% thanh thiếu niên đã hoặc đang gặp phải tình trạng khủng hoảng bản sắc khi không biết mình thích gì, giỏi gì, muốn gì, thậm chí không hiểu được bản thân.

Sản phẩm “cây lắng nghe” của học sinh Trường THPT Marie Curie. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sản phẩm “cây lắng nghe” của học sinh Trường THPT Marie Curie. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Bộ cẩm nang “Tôi là ai” gồm 33 trang với hướng dẫn cụ thể sẽ giúp các bạn thanh thiếu niên xác định được sở thích, mong muốn cũng như khám phá được bản thân thực sự là ai để vạch ra hướng đi” - Đông Nguyên nói.

Trong khi đó, hai học sinh Trường THPT Marie Curie lại thiết kế “cây lắng nghe” để khắc phục xung đột tâm lý về kỳ vọng thành tích học tập giữa cha mẹ và con cái.

“Cây lắng nghe” là công cụ dùng để trao đổi gián tiếp giữa cha mẹ và con cái. Những thẻ cảm xúc với màu sắc tương ứng cảm xúc của học sinh. Màu đỏ là sự giận dữ, màu xanh là sự tự tin... “Sau khi thử ngiệm, một bạn học sinh dù ban đầu có ý định bỏ nhà đi do cha mẹ không hiểu suy nghĩ của bạn nhưng sau khi dùng “cây lắng nghe” khoảng 21 ngày với những thẻ cảm xúc khác nhau, cha mẹ và bạn đã có sự thấu hiểu, dần dần có thể trò chuyện cởi mở trực tiếp với nhau” - Minh Thư chia sẻ.

Tạo cơ hội để đề tài đi vào cuộc sống

Để các đề tài đi vào thực tế chứ không chỉ là dự thi sau đó “cất vào ngăn kéo”, sắp tới sở dự kiến tổ chức hội thi khởi nghiệp sáng tạo, những đề tài được tham dự vòng chung kết sẽ được dự thi và tạo cơ hội phát triển, đưa vào cuộc sống.

Ông NGUYỄN BẢO QUỐC, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-ngo-robot-cuu-ho-chan-doan-ngo-doc-cua-hoc-sinh-tphcm-post718624.html