Albert Einstein là một trong những bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử loài người nhưng cũng không ít lần thiên tài này đã mắc phải sai lầm. Điển hình là trong "phương trình Einstein" nổi tiếng, có một thuật ngữ được Einstein gọi là hằng số vũ trụ, vốn được sinh ra khi ông cho rằng vũ trụ là tĩnh.
Sau khi các nhà thiên văn học phát hiện ra vũ trụ đang thực sự giãn nở, Einstein đã vô cùng bực tức với chính mình. Ông nhanh chóng loại bỏ "hằng số" khỏi phương trình.
Tương truyền, Einstein gọi việc tạo ra hằng số vũ trụ là "sai lầm lớn nhất" của ông. Nhưng trên thực tế, sai lầm thực sự của Einstein lại là việc ông đã loại bỏ hằng số nêu trên. Nói cách khác, ông đã sai tới 2 lần.
Fred Hoyle - một nhà vật lý thiên văn của thế kỷ 20 là một trong những tác giả của thuyết "trạng thái dừng" từng khá phổ biến khi nói về vũ trụ. Mô hình này cho rằng vũ trụ ở trong trạng thái như nó đã và sẽ luôn như vậy.
Ngay cả khi các nhà khoa học chứng minh được rằng vũ trụ đang giãn nở, đặc biệt là sau sự kiện Vụ nổ lớn xảy ra cách đây 13,8 tỷ năm, Hoyle vẫn bác bỏ ý kiến, và trung thành với mô hình trạng thái dừng.
Hoyle cũng từng phản đối quyết liệt ý tưởng rằng sự sống bắt đầu trên Trái đất. Thay vào đó, ông cho rằng nó đến từ không gian. Lý thuyết này, được gọi là "panspermia", khi cho rằng những hạt giống của sự sống trên hành tinh của chúng ta có thể đã được mang đến bởi các sao chổi.
Nhà hóa học từng 2 lần nhận giải Nobel Linus Pauling đã đề xuất ý tưởng của riêng mình cho cấu trúc của DNA. Lý thuyết này sau đó được cho là thiếu sót nghiêm trọng.
Thay vì các sợi kép xoắn lại theo hình xoắn ốc mà các nhà khoa học ngày nay đã chứng minh để tạo nên các phân tử DNA, Pauling lại đưa ra giả thuyết về 3 sợi đan xen vào nhau.
Vào thế kỷ 19, William Thomson là người đầu tiên sử dụng vật lý để tính tuổi của Trái đất và Mặt trời. Tuy nhiên, phương pháp này cho ra kết quả chưa chính xác, khi kết luận rằng tuổi của Trái đất "trẻ" hơn thực tế khoảng 50 lần.
Sau này, các nhà khoa học chỉ ra rằng các con số của Thomson bị sai lệch một phần vì khi ấy chưa phát hiện ra hiện tượng phóng xạ. Theo đó, các nguyên tố phóng xạ trong Trái đất, chẳng hạn như uranium và thorium, là một nguồn sưởi ấm bổ sung đáng kể bên trong hành tinh của chúng ta.
Năm 1989, Bill Gates – người sáng lập nên tập đoàn công nghệ Microsoft tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không bao giờ thiết kế một hệ điều hành 32 bit".
Thế nhưng chỉ 4 năm sau, Microsoft phát hành Windows NT 3.1, phiên bản hệ điều hành 32-bit đầu tiên, và đến tận bây giờ nhiều bản Windows mới hơn ra đời vẫn sử dụng nền tảng 32-bit.
Mời các bạn xem video: Nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky. Nguồn: Nhân Dân
Thùy Dung (T.H)