Bất ngờ thận lạc vào chỗ hiếm

Tin từ BSCKII Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc chuyên môn BVĐK TW Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công trường hợp sỏi thận hiếm gặp ở vị trí thận lạc chỗ rất hiếm.

Bệnh nhân Bạch Thị Định, 66 tuổi, ở quận Cái Răng - Cần Thơ nhập viện ngày 6/2/2020 do đau hông trái. Trước khi nhập viện 2 ngày bệnh nhân đau hông lưng trái, cơn đau ngày càng tăng, uống thuốc không giảm. Tiền sử bệnh nhân đau vùng hố chậu đã lâu nhưng không đi khám và điều trị.

Qua kết quả siêu âm và chụp CT- Scan với chẩn đoán sỏi thận trái - thận trái lạc chỗ nằm trên vùng hố chậu, có dịch trong thận kém thuần trạng. Bệnh nhân được chẩn đoán sỏi thận trái, thận lạc chổ vùng hố chậu có biến chứng nhiễm trùng. Tiền sử bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2; huyết áp cao và thiếu máu cục bộ cơ tim.

Sau khi thăm khám, bệnh nhân Định được chỉ định phẫu thuật lấy sỏi thận trái ngày 14/02/2020. Ê kíp phẫu thuật mổ lấy thận trái lấy sỏi to kích thước 33x27mm và bơm rửa ra nhiều nhiều sỏi bùn.

Viên sỏi to kích thước 33x27mm sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Viên sỏi to kích thước 33x27mm sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Theo BSCKII Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, BVĐK TW Cần Thơ, thận lạc chỗ là một dạng dị tật bẩm sinh đường tiết niệu, do hậu quả của việc quá trình di chuyển của thận thời kì bào thai bị rối loạn, dẫn đến thận không ở đúng vị trí là vùng hạ sườn hai bên.

Theo ước tính, thận lạc chỗ gặp trong 1/1.000 người. Đặc biệt, thận lạc chỗ trong hố chậu hiếm gặp hơn. Theo một công trình nghiên cứu tại Đài Loan, xác suất thận lạc chỗ trong hố chậu là 1/26.500 người. Thận có thể ở quá cao như trong lồng ngực, hay quá thấp như ở hố chậu, trong khung chậu (thường gặp). Đôi khi, cả 2 thận nằm ở cùng một bên. Thận lạc chỗ ở khung chậu có thể cả 2 thận hoặc chỉ 1 thận. Việc phát hiện đôi khi tình cờ khi chụp Xquang UIV vì đau bụng hay nhiễm trùng tiểu hoặc có rối loạn đi tiểu. Khám bụng có thể thấy một khối ở hạ vị.

Phần lớn bệnh nhân có thận lạc chỗ thường không có triệu chứng và đa số được phát hiện tình cờ trong quá trình siêu âm thai nhi và khám sức khỏe tổng quát. Một trong những dấu hiệu cần được chú ý khi siêu âm thai đó là việc không tìm thấy thận trong hố thận, gợi ý khả năng cao thận đã bị lạc chỗ và đòi hỏi người bác sĩ siêu âm phải đi tìm vị trí của thận.

Thận lạc chỗ biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng khi đã gây ra biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu, tắc nghẽn đường tiết niệu, hay sỏi thận, trào ngược bàng quang - niệu quản. Các triệu chứng hay gặp nhất là đau bụng, sốt, tiểu máu, tiểu gắt buốt, khối u vùng bụng, tăng huyết áp và bí tiểu.

Cần chú ý biến chứng sỏi thận trong thận lạc chỗ. Khi nước tiểu bị ứ quá lâu ở trong đường tiết niệu do thận lạc chỗ sẽ làm tăng nguy cơ lắng đọng các chất trong nước tiểu và tạo thành sỏi thận. Một số dấu hiệu gợi ý như đau dữ dội vùng hông lưng, hố chậu, tiểu máu, sốt, lạnh run, nôn ói hoặc tiểu gắt buốt.

Khi nghi ngờ thận lạc chỗ, các bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm ổ bụng để xác định vị trí của thận lạc chỗ. Một số trường hợp khó chẩn đoán, việc chụp mạch máu thận hay chụp cộng hưởng từ hệ niệu cũng giúp đưa ra chẩn đoán chính xác.

Đồng thời, các xét nghiệm đánh giá chức năng thận cũng được xem xét để đánh giá bệnh nhân đã bị suy thận hay chưa. Nên tầm soát từ khi còn nhỏ, bởi một chấn thương vào vùng bụng là nguy cơ với thận lạc chỗ vì nó không được bảo vệ bởi khung xương sườn.

Hơn nữa, nếu thận lạc chỗ ở bé gái thì việc có thai về sau có thể bị ảnh hưởng và các nhà sản khoa phải được biết trước về sự tồn tại của thận lạc chỗ này.

Khi không thấy thận ở vị trí bình thường trên siêu âm, người bệnh có thể đến các cơ sở có chuyên khoa niệu để kiểm tra, chụp UIV, CT-Scan hoặc xạ hình thận để xác định bất thường của thận để có hướng điều trị phù hợp và kịp thời.

Anh Văn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bat-ngo-than-lac-vao-cho-hiem-n169106.html