Bất ngờ 'thủ phạm' khiến cụ ông Hà Nội ho ra máu suýt mất mạng
Phẫu thuật viên đưa ra dị vật là mảnh xương sắc nhọn, chuyển màu vàng sẫm do nằm trong lòng phế quản rất lâu. Mảnh xương đã rơi xuống phế quản thùy dưới phổi trái, cắm vào thành phế quản, đâm thủng thành phế quản, tạo ra phản ứng viêm xung quanh...
Ông Trần Văn V. (64 tuổi, ở Hà Nội) đột nhiên bị ho ra máu nhiều, mỗi lần khoảng 100ml. Ngày 6/1, ông V. được đưa vào Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ho ra máu số lượng lớn, sụt cân. Ông V đã từng bị viêm phổi năm 2009, năm 2014 và 2018 có xuất hiện ho ra máu nhiều lần nhưng không xác định được nguyên nhân.
Tại Trung tâm Hô hấp, trước tình trạng suy hô hấp - ho máu nặng - ngừng tuần hoàn - áp xe thùy dưới phổi trái nghi do dị vật, các bác sĩ đã cho bệnh nhân an thần, thở máy và chỉ định nội soi phế quản cấp cứu tại giường. Ê kip nội soi phải nỗ lực hút máu cục trong phổi, giải phóng lòng phế quản để việc thông khí được tốt hơn. Trong quá trình đó, bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn. Sau khi cấp cứu thành công, bệnh nhân được chuyển ngay sang Khoa Hồi sức tích cực.
16h ngày 9/1, sau cuộc hội chẩn toàn viện, bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu để khắc phục tình trạng “ho ra máu sét đánh” và lấy dị vật bằng phẫu thuật cắt thùy dưới phổi trái.
Phẫu thuật viên đưa ra dị vật là mảnh xương sắc nhọn, chuyển màu vàng sẫm do đã nằm trong lòng phế quản rất lâu. Mảnh xương rơi xuống phế quản thùy dưới phổi trái, cắm vào thành phế quản, đâm thủng thành phế quản, tạo ra phản ứng viêm xung quanh, làm tắc nghẽn đường thở, khiến cho các dịch tiết của phế quản phía dưới không thể thoát ra ngoài. Các mầm bệnh như vi khuẩn, nấm phát triển trong các dịch tiết này gây nên tình trạng viêm phổi, và sau đó là áp xe phổi, biến chứng ho máu nặng, dẫn đến nguy kịch phải cấp cứu.
Bệnh nhân được trở lại Trung tâm Hô hấp điều trị 11 ngày và ra viện trong tình trạng khỏe mạnh hoàn toàn. Trong trường hợp chẳng may bị hóc dị vật, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, các trường hợp ho máu nặng (ho máu sét đánh) như trên gây ngừng tuần hoàn có tỷ lệ tử vong rất cao. Người bệnh cần được đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời. Tuyệt đối không nên tự xử trí tại nhà bằng cách cố cho tay vào móc ra hoặc làm theo những cách dân gian vì có thể sẽ làm cho dị vật mắc sâu hơn hoặc gây tổn thương.
"Mọi người nên hết sức cẩn thận khi ăn uống. Ngoài xương gà, xương cá, xương heo, các loại thức ăn khác cũng dễ gây hóc như hạt trái cây cứng, có đầu nhọn như hạt vú sữa, hạt hồng xiêm, hạt mãng cầu, hạt nhãn…", ThS. BS. Ngô Gia Khánh - Phụ trách Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo. "Để tránh hóc dị vật, cần nhai nuốt chậm, không nên cho thức ăn vào quá vội. Tránh tình trạng vừa ăn vừa nói chuyện, đặc biệt là cười nói, nô đùa hoặc bất chợt la to trong lúc ăn. Người cần lưu ý nhiều hơn cả là những người cao tuổi và trẻ nhỏ".